Cần cân nhắc kỹ về hệ lụy của cú sốc tăng thuế ngành đồ uống có cồn và ngành dịch vụ đi kèm

Những đề xuất tăng thuế cần phải giải quyết được câu hỏi sẽ làm thế nào để quản lý thị trường đồ uống có cồn thủ công và nhập lậu nhằm thực sự đảm bảo tác động thay đổi hành vi người tiêu dùng và tránh thất thu thuế.

Các doanh nghiệp rượu, bia, nước giải khát kiến nghị có lộ trình phù hợp trong việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Các doanh nghiệp rượu, bia, nước giải khát kiến nghị có lộ trình phù hợp trong việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, bất ổn, khó lường hơn. Nổi bật nhất có thể kể đến những yếu tố như cuộc khủng hoảng địa chính trị tại Nga – Ukraine, căng thẳng quân sự tại Trung Đông, tình trạng tắc nghẽn cảng biển nghiêm trọng tại Singapore…

Vô vàn khó khăn với doanh nghiệp ngành sản xuất

Những điểm nghẽn trên của thế giới diễn biến vượt khả năng dự báo của các nước và tổ chức quốc tế, tạo sức ép lớn lên tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2024.

Ở góc độ vi mô, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh ở các thành phố lớn phải sang nhượng, trả lại mặt bằng thuê ở cả các trung tâm thương mại, tuyến phố trung tâm. Còn từ góc độ rộng hơn, trong khi nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, xuất khẩu… mặc dù đã phục hồi tích cực, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Các con số thống kê cho thấy khó khăn còn tồn tại với ngành sản xuất Việt Nam. Thống kê cho thấy chỉ số PMI hiện tại tương đương với thời điểm tháng 4-2021, nhưng xu thế phục hồi còn chưa ổn định.

Còn theo thống kê khác của Trading Economics thì tăng trưởng ngành sản xuất của Việt Nam hiện tại thấp hơn rất nhiều so với mức 29,1% của tháng 4-2021 hay mức 24,6% của tháng 2/2020 (trước khi dịch COVID-19 bùng phát). Tăng trưởng sản lượng công nghiệp tính đến hết tháng 6/2024 cũng chỉ bằng nửa so với mức 23,7% của tháng 2/2020. Tất cả những con số trên cho thấy sự phục hồi của sản xuất là có, nhưng còn rất chậm chạp và thiếu ổn định.

Trong bối cảnh này, ngành bia rượu cũng đã đương đầu với chồng chất các khó khăn như kể trên; không chỉ vậy một loạt chính sách khác tác động đến mặt hàng này như: Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt…; các biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có thể thêm một đòn giáng mạnh vào các doanh nghiệp trong ngành.

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của ngành đồ uống có cồn trong tổng quan nền kinh tế Việt Nam. Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp của ngành đồ uống có cồn chiếm khoảng 5,6-6% tổng giá trị ngành công nghiệp cả nước. Trong đó, thuế tiêu thụ đặc biệt đóng góp tới gần 2% vào GDP, trong đó, đóng góp ngành rượu, bia chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng thuế tiêu thụ đặc biệt, lên tới 30-40%.

Tuy nhiên, riêng ngành đồ uống đã chứng kiến thực trạng lợi nhuận bình quân toàn ngành liên tục giảm từ năm 2021, thu ngân sách toàn ngành giảm bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2020-2023. Lượng hàng tồn kho riêng 6 tháng đầu năm 2024 tăng 29% so với cùng kỳ năm trước… Vì vậy, việc tăng mạnh và nhanh thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn có thể tạo ra tình huống “khó chồng khó” đối với DN và người LĐ trong ngành cũng như các ngành liên quan.

Ngành bia rượu trước cú sốc tăng thuế chưa từng có

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về đề xuất tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia, theo đó các mặt hàng này sẽ phải chịu mức thuế suất cao, dự kiến sẽ tăng liên tục bắt đầu từ năm 2026 đến năm 2030, từ mức 65% lên đến 100%.

Theo phương án 2 của dự thảo Hồ sơ Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), các sản phẩm rượu, bia lại đang có nguy cơ phải đối mặt với đề xuất tăng thuế lớn nhất chưa từng có trong lịch sử về tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia.

Nhận xét về đề xuất này, PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng: "Khi xây dựng chính sách thuế nói chung và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia nói riêng, cần đảm bảo sự cân bằng giữa đối tượng nộp thuế và Nhà nước; không tận thu mà phải nuôi dưỡng nguồn thu. Nội dung của nguyên tắc này là đánh thuế phải đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước nhưng không được để đối tượng nộp thuế rơi vào tình trạng khó khăn, suy kiệt. Đây là điều kiện tiên quyết quan trọng để duy trì sự tồn tại, phát triển của đối tượng nộp thuế, để nuôi dưỡng nguồn thu".

Xu thế tiêu thụ rượu bia trôi nổi, nấu thủ công đã tồn tại hàng chục năm nay sẽ có thể trở nên tồi tệ hơn một khi các biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo kịch bản 2 của Bộ Tài chính được áp dụng. Theo một ước tính của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) vào năm 2022, ước tính người Việt tiêu thụ đến hơn 380 triệu lít rượu nấu thủ công và rượu lậu. Hoàn toàn có lý do để tin con số này sẽ tăng đột biến nếu thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng.

Cần xem xét kỹ lưỡng về tác động từ các đợt tăng thuế tiêu thụ đặc biêt với đồ uống có cồn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần khẳng định Chính phủ cam kết luôn sát cánh, chia sẻ, động viên, tiếp thu các ý kiến của doanh nghiệp và các tổ chức để xây dựng cộng đồng doanh nghiệp hùng mạnh, đoàn kết, chuyên nghiệp.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 7/2024, có khoảng 15.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, chờ làm thủ tục giải thể và đã hoàn tất thủ tục giải thể. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 26,2% so với tháng trước. Lũy kế, trong 7 tháng năm 2024, cả nước có khoảng 125.400 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ làm thủ tục phá sản và đóng cửa.
Trong bối cảnh này, bất kỳ quyết định tăng thuế nào đều cần đến sự xem xét kỹ lưỡng về tác động xã hội và chủ trương chính sách của Chính phủ. Việc duy trì chính sách hiện hữu trong vài ba năm tới là một trong những giải pháp bền vững, là một chủ trương đúng, được công luận đồng tình, các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế ủng hộ vì giúp Chính phủ nuôi dưỡng nguồn thu trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm ngành rượu, bia rất cần sự hỗ trợ và chung tay của Nhà nước để có thể duy trì, ổn định sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thương hiệu Việt đã phải mất rất nhiều năm để có thể gây dựng tên tuổi trên thị trường trong nước, dần vươn ra thị trường thế giới.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có khuyến cáo tăng thuế đối với đồ uống có cồn, tuy nhiên không cụ thể khuyến cáo riêng cho Việt Nam bởi còn cần phải xét đến trình độ phát triển và điều kiện kinh tế của từng nước. Những đề xuất dựa trên khuyến cáo này cần phải tính toán đến các yếu tố đặc thù Việt Nam như thị trường sản xuất đồ uống có cồn trôi nổi quá phát triển (điều mà các nền kinh tế phát triển không có) cũng như tỷ trọng người dân làm việc trong ngành hoặc khó khăn hiện hữu từ trước đó mà doanh nghiệp đồ uống có cồn đã đối mặt.

Không chỉ vậy, trước khi tăng rất mạnh thuế trong thời gian ngắn với đồ uống có cồn, những đề xuất tăng thuế cần phải giải quyết được câu hỏi sẽ làm thế nào để quản lý thị trường đồ uống có cồn thủ công và nhập lậu nhằm thực sự đảm bảo tác động thay đổi hành vi người tiêu dùng và tránh thất thu thuế.

T.T/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/can-can-nhac-ky-ve-he-luy-cua-cu-soc-tang-thue-nganh-do-uong-co-con-va-nganh-dich-vu-di-kem-20240814101728559.htm
Zalo