Cán bộ và người dân vùng ĐBSCL 'Có độc lập - tự do là có tất cả'

Được sống trong chế độ XHCN, đất nước được độc lập - tự do- hạnh phúc như ngày hôm nay, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân khu vực ĐBSCL rất phấn khởi, tự hào, luôn tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng - Nhà nước.

Để có được nền hòa bình, độc lập, đất nước ta cũng phải gánh chịu nhiều đau thương, hy sinh, mất mát, do đó giá trị của “độc lập- tự do” là rất thiêng liêng, to lớn mà các thế hệ hôm nay phải tự hào, phát huy và sống có trách nhiệm với quê hương, đất nước.

Ông Nguyễn Văn Giáp, một cán bộ lão thành cách mạng ở thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang chia sẻ: “Tôi thấy giá trị của độc lập-tự do đến với từng người, đến rất toàn diện, từ tư tưởng, hành động, suy nghĩ và các mối quan hệ. Trước đây, không có độc lập- tự do, thì có thể tư tưởng không ổn định, hành động cũng bị gò bó. Cái gò bó đó nhiều khi ảnh hưởng phát triển trí tuệ nữa, về phát triển kinh tế, xã hội, đời sống, liên quan đến các vấn đề khác. Khi có độc lập-tự do đúng là kinh tế phát triển không ngừng, kể cả về hành vi, lý tưởng của mình. Bác Hồ nói rất đúng “ không có gì quý hơn độc lập- tự do”, có độc lập- tự do là có tất cả".

Ông Nguyễn Văn Giáp, cán bộ hưu trí tại tỉnh Tiền Giang

Ông Nguyễn Văn Giáp, cán bộ hưu trí tại tỉnh Tiền Giang

Còn ông Ngô Tấn Lâm (75 tuổi), một nông dân ở ấp Bình Thanh, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang khẳng định, người dân sống trong đất nước được hòa bình, độc lập như ngày hôm nay rất ấm no, hạnh phúc. So với trước đây, cuộc sống người dân đã nâng cao, diện mạo vùng quê ngày càng đổi mới.

Ông Lâm bày tỏ: “Tôi đã sống qua 2 chế độ, nhưng tôi nhận thấy chế độ XHCN quá sướng. Trước kia vào 3 giờ sáng là phải dậy nấu cơm mà phải giấu, chạy tản cư chứ Mỹ bỏ bom, rồi vô bắt, nhưng mà chế độ này được ngủ sáng đêm. Đường nông thôn đã phát triển, nhà nào cũng mua 2-3 chiếc xe gắn máy, hiện nay dân giàu rồi. Cầu đường bây giờ đi thông suốt, những năm trước kia, dân xây nhà vách, nền đất còn bây giờ xây nhà bê tông, có người xây nhà 3-4 tầng lầu, dân giàu luôn”.

Ông Ngô Tấn Lâm- một lão nông tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang rất phấn khởi khi sống trong bối cảnh đất nước hòa bình, độc lập, nhà nhà ấm no

Ông Ngô Tấn Lâm- một lão nông tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang rất phấn khởi khi sống trong bối cảnh đất nước hòa bình, độc lập, nhà nhà ấm no

Ông Trần Công Ngữ, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Bến Tre cho biết, quê hương xứ dừa cũng như cả nước có được cuộc sống hòa bình, độc lập như ngày hôm nay phải đánh đổi biết bao hy sinh, mất mát, kể cả xương máu đổ xuống của biết bao anh hùng liệt sỹ.

Trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, người dân đã cưu mang, đùm bọc, che chở cho cán bộ cách mạng. Phong trào “Đồng khởi 1960 của Bến Tre” là minh chứng khát vọng về nền hòa bình, độc lập. Ngày nay, được sống trong môi trường hòa bình, độc lập chúng ta phải biết ơn những người nằm xuống, phải hết mình đóng góp xây dựng quê hương đất nước. Bản thân ông Trần Công Ngữ dù đã 79 tuổi đời, sức khỏe ngày yếu dần nhưng vẫn gắn bó với Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Bến Tre, luôn quan tâm, giúp đỡ cho người nghèo, gia đình có công cách mạng.

Ông Ngữ chia sẻ: “Mình được Đảng giáo dục, dân đùm bọc cưu mang trong những năm ác liệt của cuộc kháng chiến cho nên cái nghĩa đó đối với mình luôn luôn giữ lấy. Bến Tre cũng là tỉnh khó khăn, hậu quả chiến tranh để lại nặng nề, trong điều kiện bà con mình còn nghèo quá cho nên bằng mọi cách mình làm được gì thì làm, cố gắng góp phần cùng với Đảng, chính quyền địa phương thực hiện chương trình an sinh, xã hội, cố gắng góp phần nhỏ để chăm lo cho nhân dân, xem như “trả ơn trả nghĩa” cho Đảng- Nhà nước và nhân dân”.

Ông Trần Công Ngữ, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre

Ông Trần Công Ngữ, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre

Đại tá Võ Tấn Dũng, nguyên Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cần Thơ (nay là TP. Cần Thơ), thương binh ¾ , Trưởng ban liên lạc truyền thống Cựu chiến binh Biệt động Cần Thơ chia sẻ, năm nay tròn 50 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Trong ký ức của Đại tá Võ Tấn Dũng không thể nào quên khoảnh khắc lịch sử của dân tộc vào ngày 30/4/1975, thời điểm đó trên Đài phát thanh đưa tin Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của, những người lính tham gia chiến đấu khi đó đã vui mừng khi mục tiêu của mình đã đạt được.

Với đại tá Võ Tấn Dũng, trải qua bao nhiêu khó khăn, gian khổ, sự hy sinh mất mát để giành được chiến thắng và thời khắc lịch sử 30/4/1975 sẽ không thể nào quên, niềm vui đó không thể diễn tả bằng lời. Trong niềm vui mừng, phấn khởi, hào hứng khi đó thì mỗi người lính lại có chung một nỗi buồn khi nhớ về các đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh vì độc lập của dân tộc.

" Đó là giây phút mà có ý nghĩa tất cả làm sao để giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, để trong lòng. Thì cái giờ phút này là thiêng liêng nhất của mọi người trong đó có mình. Từ chiến tranh, từ mất hát hy sinh mà chuyển qua hòa bình, không còn chiến tranh nữa, bản thân mình rất phấn khởi, vui mừng vì mục tiêu của mình đã đạt được nhưng buồn và lo lắng. Buồn vì đồng chí, đồng đội của mình hy sinh nhiều quá, đại đội của chú tăng cường về 56 người mà đến ngày giải phóng còn có 8 người"- Đại tá Võ Tấn Dũng nói.

Đại tá Võ Tấn Dũng tại buổi sinh hoạt truyền thống với các em học sinh

Đại tá Võ Tấn Dũng tại buổi sinh hoạt truyền thống với các em học sinh

Với mong muốn góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước và ý chí bảo vệ độc lập, tự do cho thế hệ trẻ, sau n ày khi về hưu, Đại tá Võ Tấn Dũng đã dành nhiều thời gian để tuyên truyền, chia sẻ câu chuyện tại các trường học, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố Cần Thơ về những trận đánh lịch sử của biệt động Cần Thơ; Tiểu đoàn Tây Đô và giờ phút thiêng liêng nhất của của dân tộc là ngày 30/4/1975 khi miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất.

Là một người làm khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, ông Nguyễn Thành Duy, Giám đốc sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ: "Tôi nhận thấy Chiến thắng 30/4/1975 không chỉ là mốc son chói lọi về ý chí quật cường mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho tinh thần “đổi mới sáng tạo”. Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã dạy chúng ta bài học về “tư duy đột phá” khi biến bất lợi thành lợi thế, về “sức mạnh tổng hợp” khi kết hợp trí tuệ tập thể với nguồn lực tại chỗ đã góp phần tạo nên “nghệ thuật quân sự” độc đáo của cách mạng Việt Nam - điều này hoàn toàn tương đồng với triết lý phát triển công nghệ 4.0.

"Biến thách thức thành cơ hội bằng tư duy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng sáng tạo". Ông Nguyễn Thành Duy bài tỏ: “Sóc Trăng là một địa phương có vị trí chiến lược ở Đồng bằng sông Cửu Long, với sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc Kinh, Khmer và Hoa, tạo nên một nền văn hóa phong phú và đa dạng. Đây là nền tảng quý giá để Sóc Trăng phát triển trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế, xã hội. Chính vì thế, những người làm công tác quản lý khoa học, công nghệ tỉnh Sóc Trăng chúng tôi ý thức đầy đủ trách nhiệm, kế thừa tinh thần "đi trước đón đầu" của thế hệ cha anh, xây dựng quê hương Sóc Trăng phát triển từ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đưa tỉnh mạnh mẽ bước vào “kỹ nguyên vươn mình của dân tộc”- ông Duy chia sẻ.

Chu Trinh- Phạm Hải- Thạch Hồng/ VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/can-bo-va-nguoi-dan-vung-dbscl-co-doc-lap-tu-do-la-co-tat-ca-post1189946.vov
Zalo