Cán bộ 'dấn thân' vì dân - Bài 1: Dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Lịch sử dân tộc Việt Nam hàng nghìn năm qua đã cho thấy nhiều tấm gương cao cả, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của dân tộc, Tổ quốc. Đặc biệt là từ khi Đảng ra đời (3/2/1930) và tiến hành công cuộc Đổi mới (năm 1986), nhiều nhân tài xuất hiện với những việc làm tâm huyết, đột phá, thể hiện rõ tinh thần quyết tâm, bản lĩnh của người cán bộ sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn vì lợi ích của nhân dân. Bài học sâu sắc từ thực tiễn ấy chính là động lực to lớn để đội ngũ cán bộ ngày nay soi chiếu, tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, sẵn sàng 'dấn thân' với tinh thần trách nhiệm vì lợi ích của đất nước, nhân dân.
Bài 1: Dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung
Lãnh đạo sáng suốt, dân được nhờ; cán bộ dám nghĩ dám làm, dân ấm no; đảng viên trong sạch, dân tin yêu… Thực tiễn cho thấy, ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, nguồn nhân lực vẫn luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự thành bại của cách mạng. Cán bộ không chỉ tiên phong trong mọi việc mà còn phải gương mẫu, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân về những việc mình làm.
Vì cơm no, áo ấm của dân thì làm gì cũng không sợ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Lời nói của Bác đến nay vẫn còn nguyên giá trị và đã được chứng minh qua thực tiễn cuộc sống. Những cán bộ đứng đầu một địa phương, cơ quan hay tổ chức luôn hành động quyết đoán, dám đột phá vì lợi ích chung, sẽ đem lại hiệu quả to lớn, trở thành tấm gương sáng cho nhiều thế hệ mai sau. Như tấm gương đồng chí Kim Ngọc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã dám làm một việc không ai dám làm vào thời điểm đó: Thực hiện khoán hộ, giao đất sản xuất cho nông dân.
Không ít người đã lên tiếng phê phán Bí thư Kim Ngọc là xa rời chủ nghĩa xã hội, đưa nông nghiệp trở lại con đường tư hữu hóa. Việc “khoán hộ” bị coi là “đốt cháy giai đoạn”, không phù hợp với chủ trương đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa của Trung ương và được coi là một sự “vượt rào”, vi phạm “nghiêm trọng” đường lối của Đảng về phát triển nông nghiệp thời bấy giờ. Dù phải chịu nhiều sức ép, thậm chí đã bị kỷ luật, nhưng với khát vọng lớn lao làm cho người nông dân thoát khỏi cảnh đói nghèo, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, người đứng đầu tỉnh Vĩnh Phúc vẫn kiên định tư duy dám làm, dám chịu vì lợi ích chung. Khoán hộ ở Vĩnh Phúc dần đem lại kết quả, được người dân ủng hộ, Trung ương ghi nhận và được lan tỏa, vận dụng ở các địa phương trên toàn miền Bắc.
Ngày 13/1/1981, trên cơ sở tổng kết thực tiễn làm thử khoán sản phẩm ở các địa phương, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 100-CT/TW về mở rộng công tác khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong các hợp tác xã. Tiếp đó, ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (hay còn gọi là “Khoán 10”) khẳng định hộ gia đình là đơn vị kinh tế tự chủ, làm thay đổi căn bản nền kinh tế nông nghiệp của cả nước. Như vậy, sau hơn 22 năm, những hạt nhân hợp lý của “khoán hộ” ở Vĩnh Phúc đã được Trung ương khẳng định trong Nghị quyết 10-NQ/TW.
Một trong những nhà lãnh đạo được hậu thế ca tụng vì tư duy quyết đoán, góp phần đem lại sự ấm no cho nhân dân, sự ổn định cho đất nước chính là đồng chí Võ Văn Kiệt. Trước khi trở thành Thủ tướng, đồng chí đã được nhiều người biết đến với quyết định “xé rào” khi áp dụng cách làm ăn mới lấy hiệu quả kinh tế làm chủ đạo, giúp tình hình sản xuất của Thành phố Hồ Chí Minh chuyển biến rõ rệt. Với vai trò là Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh, nhận ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng sản xuất trì trệ, thiếu lương thực, đồng chí Võ Văn Kiệt đã quyết định mở rộng quyền chủ động cho các cơ sở sản xuất được tự khai thác nguyên liệu, vật liệu thay vì chờ phân phối; được xây dựng kế hoạch liên kết, hợp tác với các tỉnh thay vì chỉ được làm theo kế hoạch; được thực hiện chính sách ba lợi ích, xây dựng lương khoán, trả lương theo sản phẩm, thưởng tăng năng suất, thưởng phát huy sáng kiến...
Hành động táo bạo, quyết đoán nhưng vì lợi ích chung đã cho thấy bản lĩnh và sự sắc sảo, nhạy bén của người đứng đầu một thành phố lớn với tư duy “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” cuối cùng đã thuyết phục được Trung ương ủng hộ. Một trong những câu nói của đồng chí Võ Văn Kiệt sau này đã trở thành phương châm hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đó là “Vì cơm no, áo ấm của dân thì làm cái gì cũng không sợ, miễn đừng tham lam nhũng nhiễu”.
Không phải là lãnh đạo cấp cao, nhưng bà Nguyễn Thị Chiếm - một cán bộ Hội Nông dân ở xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, được nhiều người nhắc đến với sự khâm phục khi dám “liều lĩnh” đi một hướng mới so với định hướng phát triển chung của địa phương, thay đổi mô hình sản xuất nông nghiệp với khát vọng thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Điều đáng nói, dự án bảo tồn giống cây vải truyền thống của địa phương do chính chồng bà Chiếm, lúc ấy là Chủ tịch xã Tân Mộc đứng ra phát động. Nhưng bà Chiếm lại kiên quyết thay thế vườn vải của gia đình bằng vườn cam. Vì việc này, bà Chiếm đã bị cả làng lên án, gán cho nhiều tiếng xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của chồng.
Với tư duy đổi mới, quyết tâm thay đổi cuộc sống, bà Chiếm đã thành công khi chứng minh được hiệu quả kinh tế do cây cam đem lại cao gấp nhiều lần so với cây vải. Trở thành tỷ phú sau vài năm thay đổi giống cây trồng, bà Chiếm được người dân tin tưởng làm theo. Năm 2017, người nông dân “dám nghĩ, dám làm” đã trở thành nông dân Việt Nam xuất sắc, là một trong số ít cá nhân vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen sau khi giúp cả làng trở nên giàu có…
Nói đi đôi với làm
Trong những phát biểu chỉ đạo tại các Hội nghị Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh vào sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta, làm nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam. Đồng thời, chính trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta được tôi luyện, thử thách và không ngừng trưởng thành, dày dạn kinh nghiệm để ngày càng xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng, xứng đáng với sự tin cậy của nhân dân.
Thực tế gần một thế kỷ qua cho thấy, ở Việt Nam không có một lực lượng chính trị nào khác ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách cam go để đưa dân tộc đến bến bờ vinh quang, giành được hết thắng lợi này đến thành công khác.
Những phát biểu của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam dù ở bất kỳ đâu, trong hội nghị nào cũng được nhân dân cả nước đón nhận, ủng hộ chỉ vì một lý do đơn giản: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người nói đi đôi với làm. Đã có nhiều bài viết của cán bộ, nhân dân ca ngợi Tổng Bí thư với những ngôn từ kính trọng và khẳng định: Tổng Bí thư là một nhà lãnh đạo kiên trung, mẫu mực của lòng dân; nhà lãnh đạo có tư duy chiến lược, luôn trăn trở, lo toan việc dân, việc nước; một con người trọng danh dự, coi danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất; sống giản dị, liêm chính, khiêm nhường, gần gũi như bao người dân bình thường, ghét thói hư tật xấu mà giàu lòng nhân ái; hội tụ đủ phẩm chất là học trò xuất sắc của Bác Hồ kính yêu.
Để có được “lòng dân”, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã dành cả đời mình cống hiến tâm sức, trí tuệ vì sự phát triển của đất nước và đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu. Đặc biệt trong suốt hai nhiệm kỳ gần đây là khóa XII và XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thật sự đã trở thành hạt nhân trung tâm của sự đoàn kết; quyết liệt trong công tác chỉ đạo, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thời gian qua đã có hàng loạt cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh cao cấp của Đảng, Nhà nước bị xử lý kỷ luật, thậm chí là đưa ra xét xử, đúng như quan điểm của Tổng Bí thư trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là: “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Kêu gọi cán bộ, đảng viên của Đảng phát huy tinh thần gương mẫu, đi đầu trong mọi nhiệm vụ được giao, cùng với đó, người lãnh đạo cao nhất của Đảng cũng đề nghị những cán bộ không còn xứng đáng, không còn tín nhiệm, nên từ chức. Từ đó cho thấy, cán bộ gương mẫu không chỉ dám nghĩ, dám làm, thể hiện bản lĩnh, tư duy tích cực vì lợi ích chung, mà còn dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng từ bỏ vị trí lãnh đạo khi không còn đủ uy tín trước Đảng và nhân dân.