Cần bịt kẽ hở thành lập công ty 'ma'

Hơn 20 năm qua, thủ tục thành lập doanh nghiệp đã được đơn giản hóa, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân, tạo ra một cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân lớn mạnh. Đây là điều thông thoáng để các doanh nghiệp nhanh chóng gia nhập thị trường và cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp.

Thế nhưng lợi dụng sự thông thoáng đó, không ít đối tượng thành lập các công ty “ma”, tự nâng khống vốn điều lệ công ty, hoạt động trốn thuế, hoặc lừa đảo các nhà đầu tư.

Kẽ hở thành lập công ty “ma”

Luật Doanh nghiệp năm 2020 có quy định, chủ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh theo cách tự kê khai, tự chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và thủ tục thực hiện khá đơn giản. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào nền kinh tế, một vấn đề đáng lo ngại đã nảy sinh là sự gia tăng của các công ty, doanh nghiệp “ma”, làm méo mó môi trường đầu tư kinh doanh, gây bất ổn cho xã hội.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết.

Bị cáo Trịnh Văn Quyết.

Theo đó, các đối tượng đã lợi dụng “lỗ hổng” trong việc cấp giấy phép để lập hàng trăm, hàng nghìn công ty, doanh nghiệp, làm công cụ để làm ăn phi pháp, gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi điều tra xử lý.

Điển hình không thể không nhắc đến cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết trong vụ án lừa đảo, thao túng thị trường chứng khoán để hưởng lợi bất chính hơn 3.621 tỷ đồng đang được Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử những ngày qua.

Theo cáo trạng, năm 2012, Trịnh Văn Quyết có chủ trương mua lại Công ty Green Belt, sau này là Công ty Faros với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng. Công ty Faros làm đơn vị tổng thầu các dự án do FLC là chủ đầu tư. Mọi hoạt động kinh doanh của Công ty Faros do ông Quyết chỉ đạo, điều hành trực tiếp thông qua Doãn Văn Phương (Tổng giám đốc FLC, Chủ tịch HĐQT Công ty Faros) và Trịnh Thị Minh Huế (em gái Quyết).

Quá trình hoạt động, ông Quyết đã chỉ đạo nâng khống vốn điều lệ Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán để bán ra thị trường cho các nhà đầu tư. Với mục đích trên, ông Quyết giao cho Huế soạn thảo toàn bộ biên bản họp HĐQT, Nghị quyết HĐQT về việc tăng vốn điều lệ, sử dụng vốn góp rồi chuyển cho các thành viên ký hợp thức.

Các bị cáo soạn thảo hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, giấy nộp tiền, ủy nhiệm chi... nhờ các cá nhân đứng tên cổ đông nhằm mục đích hợp thức thành tài sản công ty. Với phương thức trên, từ tháng 4/2014 đến tháng 3/2016, các bị cáo đã 5 lần lập hồ sơ góp vốn khống, nâng vốn điều lệ công ty từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra làm rõ, số vốn thực góp công ty là 1.197 tỷ đồng, số vốn góp khống là hơn 3.100 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất việc nâng vốn, các bị cáo Quyết và Phương tiếp tục bàn bạc niêm yết cổ phiếu Công ty Faros trên sàn chứng khoán.

Để niêm yết cổ phiếu, Công ty Faros phải thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2014, 2015 và 6 tháng 2016. Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội (viết tắt là CPA Hà Nội) là đơn vị kiểm toán cho Công ty Faros đã chấp nhận ý kiến toàn phần.

Khi hồ sơ được nộp lên UBCKNN thì cơ quan quản lý phát hiện báo cáo tài chính, xác nhận kiểm toán còn nhiều mâu thuẫn, yêu cầu Công ty CPA Hà Nội kiểm toán lại. Tuy nhiên bị cáo Lê Văn Tuấn, kiểm toán viên và Nguyễn Ngọc Tỉnh, Tổng giám đốc Công ty CPA Hà Nội không thực hiện kiểm toán lại, tiếp tục ban hành kiểm toán độc lập mới với nội dung “chấp nhận toàn phần”, chỉ bổ sung mục “Lưu ý người đọc báo cáo tài chính”. Điều này tạo điều kiện cho Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm sử dụng báo cáo kiểm toán trên để làm hồ sơ đề nghị và được niêm yết cổ phiếu Công ty Faros trên sàn HOSE, từ đó thực hiện hành vi bán 391.155.480 cổ phiếu khống, chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng của các nhà đầu tư.

Ở tội Thao túng thị trường chứng khoán, Viện Kiểm sát cáo buộc các bị cáo thao túng 5 mã cổ phiếu là AMD, HAI, GAB, FLC, ART để thu lời bất chính số tiền hơn 723 tỷ đồng. Để thao túng thị trường chứng khoán, theo chỉ đạo của anh trai, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết) liên hệ với 45 cá nhân có quan hệ họ hàng với gia đình, người thân ký giấy tờ, thủ tục để thành lập 20 công ty “ma”, mở 500 tài khoản chứng khoán thực hiện các hành vi mua bán cùng loại chứng khoán, mua bán khớp nội nhóm, mua bán khối lượng lớn, chi phối thị trường; đặt lệnh mua/ bán sau đó hủy lệnh… nhằm tạo cung cầu giả tạo.

Nhắc đến công ty “ma” không thể không nhắc đến vụ Vạn Thịnh Phát, hiện vẫn đang là tâm điểm dư luận. Đây là vụ đại án với những con số “kinh hoàng” cả về số lượng công ty “ma” được thành lập và số tiền gây thiệt hại. Bà Trương Mỹ Lan giao việc thành lập các công ty “ma” cho bà Đặng Phương Hoài Tâm (trưởng phòng Văn phòng Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) phụ trách đầu mối chính tìm thuê người đứng tên thành lập công ty dưới các vai trò: người đại diện theo pháp luật, cổ đông, thành viên công ty TNHH, tìm địa chỉ đặt trụ sở, chọn ngành nghề kinh doanh... cho phù hợp với yêu cầu của bà Lan và đồng phạm.

Trong quá trình hoạt động, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã thành lập, xây dựng hơn 1.000 doanh nghiệp gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp (hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát), trong đó Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giữ vai trò trung tâm, nắm giữ cổ phần, kiểm soát toàn bộ hoạt động của các công ty trong hệ sinh thái và thường không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh.

Nhóm các công ty được gọi công ty “ma” này được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện việc đảo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác, thi công…Trong vụ án này, Viện Kiểm sát xác định từ ngày 1/1/2012 đến ngày 17/10/2022, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền đặc biệt lớn: 677.286 tỉ đồng.

Cuối tháng 6/2024, vụ việc một người phụ nữ ở Thành phố Hồ Chí Minh đã đứng tên thành lập tới 116 công ty “ma” để rửa tiền tiếp tục khiến nhiều người không khỏi “choáng váng”. Theo đó, ngày 29/6/2024, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can và bắt giam Nguyễn Thị Hương (sinh năm 1990, quê Nam Định) cùng 12 bị can khác về tội Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy Hương là mắt xích quan trọng trong đường dây rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới quy mô lớn mà Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã triệt phá hồi tháng 4.

Khi bị bắt, Hương khai nhận đã đứng tên đăng ký thành lập 116 công ty, doanh nghiệp tại các quận, huyện trong thành phố từ tháng 12/2023 đến tháng 3/2024. Trong đó, quận Tân Bình có số lượng nhiều nhất với 22 công ty, quận Tân Phú có 15 công ty, TP Thủ Đức có 11 công ty… Hương thừa nhận mục đích thành lập các công ty “ma” để cùng đồng bọn thực hiện hành vi rửa tiền xuyên quốc gia.

Cần tăng cường công tác “hậu kiểm”

Theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, doanh nghiệp, nhà đầu tư được tạo điều kiện thuận lợi để có thể gia nhập thị trường. Để đăng ký thành lập doanh nghiệp, các doanh nghiệp có thể tự cung cấp thông tin về vốn, điều kiện kinh doanh, ngành nghề kinh doanh, địa điểm kinh doanh với thủ tục đơn giản. Tại nhiều địa phương, doanh nghiệp có thể đăng ký trực tuyến các thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Nguyễn Thị Hương và đồng phạm trong vụ án rửa tiền xuyên quốc gia.

Nguyễn Thị Hương và đồng phạm trong vụ án rửa tiền xuyên quốc gia.

Cũng chính bởi thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp được đơn giản hóa, cơ quan nhà nước chỉ tiếp nhận thông tin hợp lệ do người đăng ký tự kê khai và tự chịu trách nhiệm. Do đó tạo điều kiện cho các đối tượng thuê hoặc mạo danh người khác để thành lập doanh nghiệp nhằm thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật.

Theo một chuyên gia kinh tế, để bịt lỗ hổng thành lập công ty “ma”, công tác hậu kiểm của các cơ quan liên quan như đăng ký kinh doanh, thuế… cần được tiến hành thường xuyên hơn. Ngoài cơ quan thuế, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị có trách nhiệm của cơ quan khác như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Quản lý thị trường, Công an, chính quyền địa phương… trong công tác hậu kiểm sau cấp phép doanh nghiệp có tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hay không.

Khi thành lập doanh nghiệp cần có quy định rõ hơn về hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, cần chứng minh rõ địa chỉ kinh doanh, thông tin của chủ sở hữu doanh nghiệp. Cần có quy định rõ hơn về số lượng doanh nghiệp mà mỗi cá nhân có thể làm đại diện pháp luật. Đồng thời quy định rõ thời gian tối thiểu mỗi lần thành lập doanh nghiệp do một người đứng tên để tránh tình trạng thành lập doanh nghiệp tràn lan như hiện nay.

Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm cùng một số vụ án kinh tế trong thời gian qua, hội đồng xét xử cũng đã nhận thấy xuất hiện tình trạng các bị cáo lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước trong công tác đăng ký, cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp. Hội đồng xét xử đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường hơn nữa trong công tác quản lý nhà nước về việc đăng ký thành lập và quản lý doanh nghiệp, phải kiểm soát chặt chẽ đầu vào và công tác hậu kiểm để tránh trường hợp các đối tượng xấu lợi dụng đăng ký thành lập công ty để phục vụ các mục đích trái pháp luật.

Tổng cục Thuế mới cảnh báo về một số thủ đoạn, hành vi sai trái và trách nhiệm pháp lý khi thành lập doanh nghiệp “ma” để mua, bán hóa đơn giá trị gia tăng.

Một là, qua loại hình kinh doanh. Hình thức doanh nghiệp được các đối tượng thực hiện tội phạm mua bán hóa đơn thông qua việc thành lập doanh nghiệp như: Công ty TNHH hoặc công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân.

Hai là, nhận biết qua đăng ký ngành nghề kinh doanh: Các doanh nghiệp “ma” thường đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, trong đó phổ biến nhất là dịch vụ tổng hợp, kinh doanh thương mại hoặc những ngành nghề không phải đăng ký vốn pháp định hay phải được cấp chứng chỉ nghề nghiệp (bất động sản, du lịch…). Qua đó các đối tượng này cho rằng có thể vượt qua sự kiểm tra của cơ quan chức năng quản lý chuyên ngành hoặc cơ quan thuế.

Ba là, nhận biết thông qua trụ sở giao dịch và thời gian hoạt động kinh doanh. Theo đó, các doanh nghiệp “ma” thường đăng ký địa chỉ giao dịch tại các trung tâm, văn phòng ảo; hoặc những địa chỉ thậm chí không tồn tại… nhằm dễ dàng trốn tránh sự kiểm tra của cơ quan thẩm quyền và bỏ trốn ngay khi bị phát hiện. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này thành lập ở các khu vực có điều kiện dân trí không cao, thuê trụ sở trong thời gian ngắn và đặt tại những con hẻm sâu. Thời gian hoạt động của một doanh nghiệp thường khá ngắn.

Bốn là, nhận biết qua phương thức thanh toán. Các doanh nghiệp này thường thực hiện các hoạt động trái pháp luật, do đó sẽ tránh sử dụng tài khoản ngân hàng của công ty khi đăng ký, thực hiện giao dịch bằng tài khoản ngân hàng do cá nhân đứng tên hoặc tiền mặt; hoặc chuyển khoản “lòng vòng” qua nhiều bên trung gian nhằm né các giao dịch, giấu nhẹm việc mua bán hóa đơn.

Ngọc Mai

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/can-bit-ke-ho-thanh-lap-cong-ty-ma-i738743/
Zalo