Căn bệnh mà Tổng thống Mỹ Donald Trump mắc nguy hiểm như thế nào?
Thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump được chẩn đoán mắc suy tĩnh mạch mạn tính thu hút sự chú ý. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra biến chứng nặng, thậm chí tử vong.
Mới đây, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được chẩn đoán mắc suy tĩnh mạch mạn tính sau một cuộc kiểm tra sức khỏe vì sưng ở chân.
Theo CNN, suy tĩnh mạch mạn tính là tình trạng các van bên trong một số tĩnh mạch không hoạt động đúng cách, có thể khiến máu tích tụ trong tĩnh mạch. Khoảng 150.000 người được chẩn đoán mắc bệnh này mỗi năm tại Mỹ và nguy cơ tăng theo tuổi tác.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, suy giãn tĩnh mạch là tình trạng các tĩnh mạch - đặc biệt ở chân - bị giãn nở, suy yếu, mất đi khả năng đưa máu trở lại tim một cách hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu là các van trong lòng tĩnh mạch bị tổn thương hoặc hư hỏng, dẫn đến máu bị ứ đọng ở chi dưới thay vì được đẩy ngược lên tim theo chiều bình thường.
Theo thống kê từ Bệnh viện Việt Đức, năm 2014 chỉ có trên 40% bệnh nhân đến khám mắc suy giãn tĩnh mạch, ở Bệnh viện Bạch Mai là 35%. Tuy nhiên sau 10 năm, con số tăng lên ước tính khoảng 60% số lượng bệnh nhân đến khám được chẩn đoán mắc căn bệnh này.
Bệnh suy giãn tĩnh mạch có xu hướng trẻ hóa
Theo bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Mạch máu Việt Nam, bệnh suy giãn tĩnh mạch đang có xu hướng trẻ hóa. Trước đây, suy giãn tĩnh mạch thường xuất hiện ở người trung niên và cao tuổi, nhưng hiện nay, nhiều người chỉ mới 25-30 tuổi đã bắt đầu có biểu hiện bệnh.

Bệnh suy giãn tĩnh mạch đang ngày càng trẻ hóa. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Nguyên nhân phần lớn xuất phát từ lối sống thiếu vận động của giới trẻ hiện đại, đặc biệt là dân văn phòng. Việc ngồi lỳ hàng giờ trước màn hình máy tính, ít vận động, không thay đổi tư thế kết hợp với chế độ ăn nhiều muối, thừa cân, hút thuốc lá và uống rượu bia đã khiến tỷ lệ mắc bệnh ở người trẻ tăng nhanh.
Người bệnh có thể nhận biết suy giãn tĩnh mạch qua một số dấu hiệu như cảm giác đau nhức, nặng chân, đặc biệt vào cuối ngày khi phải đứng hoặc ngồi nhiều. Nhiều người thấy mắt cá chân sưng phù nhẹ, dưới da nổi rõ các tĩnh mạch màu xanh tím, ngoằn ngoèo.
Một số trường hợp có biểu hiện chuột rút về đêm, ngứa hoặc cảm giác nóng rát dọc theo vùng tĩnh mạch bị giãn. Những triệu chứng này tuy không dữ dội nhưng là cảnh báo ban đầu cho thấy hệ tuần hoàn tĩnh mạch đang gặp vấn đề.
Theo bác sĩ Mạnh, phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 3 lần nam giới, nhất là trong thời kỳ mang thai hoặc sau sinh, do thay đổi nội tiết và áp lực ổ bụng gia tăng. Bên cạnh đó, người cao tuổi, người béo phì, người có tiền sử gia đình mắc bệnh cũng là nhóm dễ bị ảnh hưởng.
“Yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng vì gen có thể quy định cấu trúc thành mạch và các van tĩnh mạch, khiến một số người bẩm sinh đã có hệ tĩnh mạch yếu hơn bình thường”, bác sĩ Mạnh chia sẻ.
Suy giãn tĩnh mạch ở giai đoạn đầu thường chỉ gây khó chịu nhẹ, chủ yếu về mặt cảm giác và thẩm mỹ. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát, bệnh có thể tiến triển thành các biến chứng nghiêm trọng. Trong đó, loét da là hậu quả dễ gặp nhất, xảy ra khi máu ứ đọng lâu ngày khiến da ở vùng đó không được nuôi dưỡng, dần dẫn đến hoại tử mô.
Nguy hiểm hơn, tình trạng hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch sâu (huyết khối tĩnh mạch sâu). Nếu cục máu này di chuyển về tim rồi lên phổi, nó có thể gây tắc mạch phổi - biến chứng đột ngột và có thể tử vong ngay lập tức. Một số bệnh nhân nặng còn có thể bị hoại tử chân nếu huyết khối làm tắc nghẽn hoàn toàn dòng máu nuôi dưỡng chi dưới.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải nhấn mạnh những trường hợp có biểu hiện đau nhức, sưng phù làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, xuất hiện biến chứng như loét da hay nghi ngờ có huyết khối, hoặc tĩnh mạch giãn lớn gây mất thẩm mỹ hoặc nguy cơ biến chứng cao đều cần được điều trị.
Điều trị suy giãn tĩnh mạch như thế nào?
Theo các bác sĩ, hiện nay, việc điều trị suy giãn tĩnh mạch tùy theo mức độ và giai đoạn bệnh. Ở giai đoạn nhẹ, bệnh nhân có thể được điều trị nội khoa bằng thuốc tăng cường thành tĩnh mạch và sử dụng tất áp lực. Nếu các biện pháp này không hiệu quả, bác sĩ sẽ cân nhắc can thiệp xâm lấn tối thiểu như tiêm xơ hoặc laser nội mạch.
Trong những trường hợp nặng, không đáp ứng với điều trị nội khoa hoặc can thiệp nhẹ, phẫu thuật cắt bỏ tĩnh mạch bị tổn thương là lựa chọn cuối cùng.
Dù áp dụng phương pháp điều trị nào, sự hợp tác từ phía người bệnh là yếu tố then chốt.
Theo bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, suy giãn tĩnh mạch mạn tính có thể điều trị bằng nhiều phương pháp từ dùng thuốc, mang vớ y khoa, đến can thiệp bằng laser nội mạch hoặc phẫu thuật tùy theo mức độ bệnh.
“Ngoài ra, người bệnh cần thay đổi lối sống, năng vận động thể thao, hạn chế ngồi lâu, giảm cân nếu thừa cân, cai thuốc lá rượu bia, kết hợp việc điều trị sớm sẽ giúp cải thiện triệu chứng rõ rệt và làm chậm tiến triển bệnh”, bác sĩ Mạnh khuyên.
Ngoài ra, bác sĩ Tuấn Hải khuyến cáo người mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch cũng cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt phù hợp. Về vận động, nên duy trì thói quen đi bộ nhẹ nhàng từ 20 đến 30 phút mỗi ngày, bơi lội và đạp xe đều là những hoạt động tốt. Các bài tập co duỗi chân nhẹ nhàng giúp hỗ trợ lưu thông máu. Tuy nhiên, người bệnh cần tránh chạy bộ đường dài, nhảy dây, nâng tạ nặng hoặc đứng - ngồi bất động trong thời gian dài, đặc biệt quá một giờ liên tục.
Về thói quen sinh hoạt, bác sĩ khuyến cáo nên kê cao chân khi nghỉ ngơi hoặc ngủ, cao hơn tim khoảng 10-15 cm để hỗ trợ dòng máu hồi lưu. Massage chân nhẹ nhàng hằng ngày và mang tất áp lực theo đúng hướng dẫn cũng giúp cải thiện tuần hoàn tĩnh mạch. Tuyệt đối không nên ngâm chân nước nóng trên 40 độ C, xông hơi lâu hoặc đi giày cao gót quá 3 cm vì có thể làm tăng áp lực lên hệ tĩnh mạch chi dưới.
Chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng trong điều trị và phòng ngừa bệnh. Người bệnh nên ăn nhiều rau xanh, các loại đậu, yến mạch để bổ sung chất xơ, giúp phòng táo bón. Người dân cũng cần uống đủ nước từ 2 đến 2,5 lít mỗi ngày, đồng thời bổ sung thực phẩm giàu vitamin C và E như cam, bưởi, cà chua giúp bảo vệ và tăng độ bền thành mạch.
Ngược lại, bạn nên hạn chế ăn mặn, tránh đồ ăn đóng hộp và kiểm soát cân nặng để duy trì chỉ số BMI dưới 25.