Ăn phải thịt lợn bị dịch tả châu Phi có nguy hiểm không?

Theo Giám đốc CDC Đà Nẵng, chưa có bằng chứng vi rút gây bệnh ở lợn có thể gây hại cho sức khỏe con người, nhưng nhấn mạnh người dân vẫn cần cảnh giác với các bệnh truyền nhiễm khác đi kèm.

Trước thông tin dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại thành phố Đà Nẵng, nhiều người dân tỏ ra hoang mang, lo lắng. Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC) về vấn đề này.

Người Đưa Tin: Thưa ông, tình hình dịch tả lợn châu Phi tại Đà Nẵng hiện nay ra sao và ổ dịch đầu tiên được phát hiện ở đâu, trong hoàn cảnh nào?

Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh: Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y thành phố, tính đến thời điểm hiện tại, thành phố Đà Nẵng đã ghi nhận 4 ổ dịch tả châu Phi trên lợn rải rác ở các địa phương (Sông Kôn, Xuân Phú, Quảng Phú, Thăng Trường).

Ổ dịch đầu tiên được phát hiện ngày 30/6/2025 tại thôn Ra Đung, xã Sông Kôn trong quá trình giám sát thường quy của ngành Thú y và thông tin từ người dân; ổ dịch gần nhất được phát hiện ngày 10/7 tại khối phố Ngọc Mỹ và Phú Quý, xã Quảng Phú.

Ngay sau khi phát hiện, các cơ quan chức năng đã phân công cán bộ theo dõi, hướng dẫn địa phương xử lý lợn mắc bệnh theo quy định, hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh cơ giới, thu gom phân rác, ủ hoặc đốt; tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường khu vực có lợn mắc bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chỉ tái đàn khi đảm bảo các điều kiện theo quy định và các biện pháp phòng, chống dịch khác...

Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng.

Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng.

Người Đưa Tin: Vi rút tả lợn châu Phi có gây nguy hiểm cho sức khỏe con người không? Người dân có nên lo lắng khi sử dụng thịt lợn vào thời điểm này?

Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh: Cho đến nay, chưa có bằng chứng khoa học về vi rút tả lợn châu Phi có thể lây sang người hoặc gây bệnh cho người hoặc gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Khác với bệnh liên cầu lợn có thể lây sang người thông qua đường tiếp xúc trực tiếp trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến thịt lợn bệnh hoặc ăn thịt lợn nhiễm bệnh chưa được nấu chín kỹ.

Vì vậy, người dân không nên hoang mang hay lo lắng quá mức khi sử dụng thịt lợn trong thời điểm hiện nay.

Tuy nhiên, khi lợn bị bệnh tả lợn Châu Phi, sức đề kháng kém đi nên rất dễ mắc thêm những loại bệnh lây nhiễm nguy hiểm khác như: bệnh tai xanh, cúm, thương hàn, liên cầu lợn, lở mồm long móng...

Do đó, người dân cần đảm bảo mua thịt từ nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch và chế biến hợp vệ sinh, nấu chín kỹ để đảm bảo an toàn thực phẩm.

Người Đưa Tin: CDC Đà Nẵng phối hợp với ngành thú y và chính quyền địa phương như thế nào để kiểm soát và ngăn chặn dịch lây lan?

Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh: Do bệnh tả lợn châu Phi không phải là bệnh lây từ động vật sang người nên công tác phòng, chống chủ yếu do ngành nông nghiệp và các địa phương thực hiện.

CDC Đà Nẵng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung tuyên truyền đến người dân về cách nhận biết, phòng tránh các dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…

Cán bộ thú y tiến hành khử trùng chuồng trại để ngăn chặn vi rút tả lợn châu Phi lây lan.

Cán bộ thú y tiến hành khử trùng chuồng trại để ngăn chặn vi rút tả lợn châu Phi lây lan.

Người Đưa Tin: Người dân cần lưu ý gì khi mua, bảo quản và chế biến thịt lợn trong giai đoạn dịch đang diễn biến phức tạp?

Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh: Người dân nên mua thịt lợn tại các cơ sở uy tín, có dấu kiểm dịch rõ ràng từ cơ quan thú y; không nên mua thịt trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Thịt sau khi mua cần được bảo quản ở nhiệt độ phù hợp – tốt nhất là trong ngăn mát hoặc cấp đông nếu chưa dùng ngay. Tuyệt đối không sử dụng thịt có màu sắc bất thường, mùi lạ hay có dấu hiệu hư hỏng. Khi chế biến, cần nấu chín kỹ hoàn toàn, không ăn thịt tái, sống; đồng thời phải rửa tay, vệ sinh sạch sẽ dao, thớt, dụng cụ bếp để tránh lây nhiễm chéo vi khuẩn giữa thực phẩm sống và chín.

Người Đưa Tin: CDC có khuyến cáo hoặc kênh thông tin chính thức nào để người dân tiếp cận thông tin đúng, tránh tâm lý hoang mang hoặc bị ảnh hưởng bởi tin đồn thất thiệt?

Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh: Để người dân kịp thời tiếp cận thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng, chống, CDC Đà Nẵng khuyến cáo chỉ nên theo dõi các kênh chính thức như: website Bộ Y tế (https://moh.gov.vn) và fanpage Bộ Y tế; website Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Trung ương (http://t5g.org.vn); website Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (https://ksbtdanang.vn); các fanpage "Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật Thành Phố Đà Nẵng" và "CDC Đà Nẵng – Cộng đồng phòng chống dịch"; cùng với thông báo từ Trạm Y tế, UBND các xã, phường và các kênh thông tin chính thống khác.

CDC thành phố Đà Nẵng cũng khuyến cáo người dân chỉ nên tiếp cận thông tin từ các nguồn chính thức, không chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng, và liên hệ với cơ quan thú y, y tế gần nhất nếu có thắc mắc liên quan đến dịch bệnh.

Xin cảm ơn bác sĩ!

Nguyễn Duy Cường

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/an-phai-thit-lon-bi-dich-ta-chau-phi-co-nguy-hiem-khong-204250718100940613.htm
Zalo