Cần 8 mạch đường dây 500kV để truyền tải điện liên miền từ Bắc Trung Bộ ra Bắc Bộ
Ông Cao Đức Huy cho biết, đến năm 2030, lưới điện truyền tải 500kV giữ vai trò xương sống trong liên kết các hệ thống điện miền và trao đổi điện năng với các nước trong khu vực.
Lưới điện 500kV giữ vai trò xương sống
Tham luận tại Hội thảo "Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII) và đánh giá môi trường chiến lược" của Bộ Công Thương, Thạc sĩ Cao Đức Huy - nghiên cứu viên phòng Phát triển Hệ thống điện, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đã trình bày nội dung về điều chỉnh chương trình phát triển lưới điện truyền tải.
Phát triển lưới điện truyền tải điện có dự phòng lâu dài, tăng cường sử dụng cột nhiều mạch, nhiều cấp điện áp đi chung để giảm diện tích chiếm đất. Khuyến khích xây dựng các trạm biến áp truyền tải kết hợp cung cấp điện cho phụ tải lân cận.
"Đến năm 2030, lưới điện truyền tải 500kV giữ vai trò xương sống trong liên kết các hệ thống điện miền và trao đổi điện năng với các nước trong khu vực", ông Cao Đức Huy chỉ ra.
Ngoài ra, sau năm 2030, nghiên cứu phương án phát triển công nghệ truyền tải điện một chiều siêu cao áp (HVDC), công nghệ truyền tải điện xoay chiều điện áp trên 500kV nhằm nâng cao năng lực truyền tải liên vùng miền, khai thác hiệu quả tiềm năng nguồn điện và đảm bảo cung ứng điện. Nghiên cứu phương án đấu nối, giải tỏa công suất nguồn điện hạt nhân và các phương án kết nối xuyên châu Á - Thái Bình Dương.

Thạc sĩ Cao Đức Huy - nghiên cứu viên phòng Phát triển Hệ thống điện, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương).
Đồng thời, xây dựng lưới điện 220kV bảo đảm độ tin cậy, các trạm biến áp trong khu vực có mật độ phụ tải cao thiết kế theo sơ đồ đảm bảo vận hành linh hoạt. Xây dựng các trạm biến áp 220kV đủ điều kiện vận hành không người trực.
Về nhu cầu truyền tải liên miền, ông Cao Đức Huy cho biết, nhu cầu truyền tải liên miền tăng dần theo từng năm. Trên giao diện Bắc - Trung, xu hướng truyền tải từ miền Trung ra miền Bắc đóng vai trò chủ đạo. Truyền tải Trung - Bắc dự kiến tăng từ 17 tỷ kWh năm 2030 lên 135 tỷ kWh năm 2050.
Ngoài ra, trên giao diện Trung - Nam, truyền tải từ miền Trung vào miền Nam vẫn chiếm chủ đạo, sản lượng truyền tải trong khoảng từ 37-42 tỷ kWh. Truyền tải Nam - Trung tăng trưởng đáng kể, đạt 29 tỷ năm 2050.
Về lưới truyền tải liên miền, theo Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII các đường dây liên kết vùng miền đến năm 2030 xem xét định hướng phát triển sơ bộ gồm tăng cường liên kết Bắc Trung Bộ - Bắc Bộ: Chương trình phát triển tối ưu nguồn điện cho thấy có nhu cầu truyền tải cao từ Bắc Trung Bộ ra Bắc Bộ, cần 8 mạch đường dây 500kV (tăng thêm 1 mạch so với Quy hoạch điện VIII).
Liên kết Trung Trung Bộ - Bắc Trung Bộ, hiện gồm 4 mạch đường dây 500kV hiện hữu với 2 mạch đơn Vũng Áng - Đà Nẵng và 1 đường dây mạch kép Quảng Trạch - Dốc Sỏi.
Trường hợp phát triển nguồn năng lượng tái tạo và tăng cường nhập khẩu điện Lào tại khu vực Quảng Trị, xem xét xây dựng mới đường dây 500kV mạch kép trạm cắt 500kV Quảng Trị 2 - trạm cắt Vũng Áng 2 hoặc cải tạo 2 mạch đường dây 500kV Quảng Trị - Vũng Áng thành 2 đường dây mạch kép.
Liên kết Tây Nguyên - Trung Trung Bộ, có 5 mạch đường dây 500kV. Trong đó có 4 mạch đường dây hiện hữu, bao gồm 2 mạch đơn Dốc Sỏi - Pleiku, Thạnh Mỹ - Pleiku và 1 đường dây mạch kép Dốc Sỏi - Pleiku 2. Giai đoạn 2026-2030, dự kiến cải tạo đường dây 500kV mạch đơn Pleiku - Thạnh Mỹ thành mạch kép.
Về khả năng nhập khẩu điện, ông Cao Đức Huy cho biết, Việt Nam có khả năng nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào vì đây là những nước đang dư thừa nguồn điện (đặc biệt là nguồn thủy điện) và có kế hoạch xuất khẩu điện sang các nước láng giềng.
Bên cạnh đó, về khả năng xuất khẩu điện Việt Nam hiện đang xuất khẩu điện cho Campuchia khoảng 250 MW thông qua đường dây mạch kép truyền tải 220kV Châu Đốc - Tà Keo dài 77km.
Trong giai đoạn quy hoạch, Việt Nam có thể xem xét nghiên cứu việc trao đổi mua - bán và xuất khẩu điện sang các nước láng giềng để tăng khai thác hiệu quả công suất/sản lượng dư thừa trong một số thời điểm, đồng thời tăng cường khả năng hình thành lưới liên kết khu vực trong tương lai.
Nguy cơ ảnh hưởng hệ sinh thái
Cũng tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó trưởng Phòng Môi trường và Phát triển bền vững (Viện Năng lượng) cho biết trong quá trình đánh giá môi trường, các kịch bản phát triển nguồn điện và lưới điện đã được xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên bền vững.
"Trong công tác bảo vệ môi trường, các yếu tố như nước thải và chất thải rắn từ nhà máy nhiệt điện, thủy điện, điện hạt nhân sẽ được quản lý và xử lý nghiêm ngặt. Một trong những sáng kiến quan trọng là tái chế và sử dụng lại chất thải, đặc biệt là tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện, để giảm thiểu tác động môi trường. Đến năm 2050, dự kiến, lượng tro, xỉ sẽ không còn là vấn đề nổi cộm như trước", bà Nguyễn Thị Thu Huyền nói.
Bà Huyền cũng lưu ý rằng, quy hoạch phát triển điện lực cần có sự điều chỉnh linh hoạt trong quá trình triển khai, đặc biệt về nhu cầu đất đai. Mặc dù hiện nay diện tích đất đã được phân bổ hợp lý, nhưng cần có sự xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo tính khả thi trong các giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là giai đoạn từ 2031 - 2050.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó trưởng Phòng Môi trường và Phát triển bền vững (Viện Năng lượng).
Đồng thời bà cũng đưa ra những phân tích về tác động của phát triển nguồn điện đối với tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa và môi trường sinh thái. Bà nhấn mạnh rằng, việc phát triển các nguồn điện, đặc biệt là thủy điện, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tài nguyên nước và các di sản thiên nhiên nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Trong khi đó, các dự án thủy điện mở rộng và thủy điện nhỏ sẽ tiếp tục được triển khai trong khuôn khổ quy hoạch điện hiện nay.
Bà cũng đề cập đến nguy cơ lớn từ các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời tập trung và các dự án điện gió trên mặt đất, do việc chiếm đất và mặt nước lớn có thể làm thay đổi hệ sinh thái tự nhiên.
Trong lĩnh vực điện hạt nhân, tác động đến tài nguyên thiên nhiên và di sản thiên nhiên không đáng kể, nhưng đối với các dự án truyền tải điện, nguy cơ phá vỡ các vùng sinh thái quan trọng là một vấn đề cần được lưu ý. Bà Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết, việc phát triển truyền tải điện trong bối cảnh quy hoạch điện điều chỉnh có thể gây khó khăn trong việc bảo vệ các hệ sinh thái.
Ngoài ra, bà Huyền cũng nhấn mạnh, các chỉ tiêu phát triển bền vững của Việt Nam cần được đảm bảo, như việc giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các hệ sinh thái rừng và nguồn nước.
Bà cũng đề xuất những giải pháp công nghệ và quản lý liên quan đến xử lý nước thải, khí thải tại các nhà máy năng lượng, nhằm đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Trong quá trình thực hiện quy hoạch điện điều chỉnh, sẽ có các kịch bản phát triển nguồn điện tái tạo, như điện mặt trời, điện gió và điện hạt nhân. Các giải pháp này nhằm giảm áp lực lên tài nguyên đất, nước và nguyên liệu, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, việc triển khai các dự án điện hạt nhân mới cũng sẽ đòi hỏi một cơ chế đầu tư và chính sách thuận lợi để đáp ứng các tiêu chuẩn và cam kết quốc tế về an toàn môi trường.