Cần 10.000 tỷ đồng để triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao phát thải thấp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn chỉ đạo các ngân hàng thương mại ưu tiên bố trí gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng triển khai bước đầu Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Chính phủ đặc biệt quan tâm tới Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chính phủ đặc biệt quan tâm tới Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho biết, sau khi Đề án 1 triệu ha lúa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ NN&PTNT đã thực hiện thí điểm và đạt được kết quả bước đầu.

Theo đó, Bộ NN&PTNT đã cùng các địa phương và Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) tổ chức triển khai 7 mô hình thí điểm trên địa bàn 5 tỉnh, thành gồm: Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng. Hiện 4/7 mô hình thí điểm vụ Hè - Thu năm 2024 đã báo cáo kết quả đạt rất tích cực. Cụ thể, giảm chi phí 20 - 30% (giảm trên 50% lượng giống, giảm trên 30% lượng phân bón đạm, giảm 2 - 3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm khoảng 30 - 40% lượng nước tưới), tăng năng suất 10%, tăng thu nhập cho nông dân thêm 20 - 25% (lợi nhuận tăng thêm từ 4 - 7,6 triệu đồng/ha so với đối chứng), giảm trung bình 5 - 6 tấn CO2 tương đương trên 1ha và tất cả sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp đăng ký bao tiêu với giá mua cao hơn 200 - 300 đồng/kg.

Về huy động nguồn lực triển khai đề án 1 triệu ha lúa, ngay từ cuối năm 2023, Bộ NN&PTNT đã xây dựng đề xuất dự án “Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long” vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) với trị giá 430 triệu USD. Tuy nhiên, qua làm việc với Bộ Tài chính cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ NN&PTNT sẽ phải thay đổi cách tiếp cận từ “Dự án” thành “Chương trình đầu tư công hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long” sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi, được quy định tại khoản 5, khoản 9 Điều 4 Luật Đầu tư công (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới.

Trước tình hình trên, lãnh đạo Bộ NN&PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho hoàn thiện hồ sơ thí điểm chính sách đặc thù đối với Chương trình đầu tư công “Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long” sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi từ WB, dự kiến khoảng 330 triệu USD. Sau đó, Bộ NN&PTNT báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết tại kỳ họp gần nhất. Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ và ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm chính sách đặc thù, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố, nhà tài trợ chuẩn bị và hoàn thiện các tài liệu cần thiết để đảm bảo Chương trình đầu tư công này có thể đi vào thực hiện ngay từ năm 2026.

Trước những kiến nghị, đề xuất của Bộ NN&PTNT, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo lập Quỹ hỗ trợ 1 triệu ha lúa. Trong đó, bao gồm vốn nhà nước, vốn bán tín chỉ carbon, vốn hỗ trợ của các đối tác, vốn xã hội hóa... Mục đích lập quỹ là để có nguồn vốn sử dụng nhanh, không phải qua nhiều thủ tục. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Chính phủ, kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chỉ đạo Bộ Tài chính lập Quỹ hỗ trợ 1 triệu ha lúa, để có ngay ngân sách năm 2025.

Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính còn chỉ đạo Bộ NN&PTNT cũng như các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương phối hợp thực hiện đạt mục tiêu 1 triệu ha lúa sớm hơn kế hoạch đề ra. Để làm được điều đó, đơn vị thực hiện phải “thổi hồn vào cây lúa” bằng công nghệ số, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, phải “yêu quý cây lúa như chính bản thân mình”, có như vậy mới tạo được cuộc cách mạng về cây lúa.

Gia Hồng

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/can-10000-ty-dong-de-trien-khai-de-an-1-trieu-ha-lua-chat-luong-cao-phat-thai-thap-post529156.html
Zalo