Kinh doanh lỗ ròng, doanh thu vài chục triệu đồng, Finy lấy tiền đâu 'cho vay không cần thẩm định, 15 phút có tiền'?

Hai trong số các cổ đông sáng lập của Finy là ông Nguyễn Việt Hưng và Lendbiz là những cái tên quen thuộc với mô hình kinh doanh liên quan tới hoạt động P2P Lending độc đáo nhưng từng bị Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước cảnh báo tiềm ẩn rủi ro.

Thời gian gần đây, trên thị trường cho vay tiêu dùng tiếp tục xuất hiện cái tên mới tài chính tiện lợi Finy. Theo quảng cáo, Finy hướng đến việc cho vay nhanh tức khắc, không cần thẩm định, chỉ 15 phút là có tiền.

Với những lời quảng cáo “có cánh”, 15 phút có tiền, thủ tục siêu gọn nhẹ, không thẩm định nơi ở; hợp đồng minh bạch, Finy giới thiệu có hệ thống phòng giao dịch tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Ngoài cho vay, Finy còn hợp tác với nhiều tổ chức uy tín cho phép khách hàng có thể mua bảo hiểm, thanh toán hóa đơn điện nước, internet, cước viễn thông, hóa đơn trả góp hoặc các dịch vụ bán lẻ khác như nạp thẻ điện thoại, nạp thẻ game...

Dữ liệu doanh nghiệp thể hiện, chuỗi cho vay Finy đang liên tục mở các phòng giao dịch do Công ty Cổ phần Finy điều hành. Pháp nhân chỉ vừa đi vào hoạt động từ tháng 5/2023.

Ai đứng sau Finy?

Finy có vốn điều lệ 6 tỷ đồng với cổ đông sáng lập của Finy gồm Công ty Cổ phần Lendbiz; Nguyễn Việt Hưng, Lê Hoàng Nguyên. Trong đó, ông Nguyễn Việt Hưng cũng chính là CEO của Lendbiz từng gây chú ý với việc đưa ra mô hình kinh doanh liên quan tới hoạt động P2P Lending.

Doanh nghiệp này có 10 nhân viên. Ngay trong năm đầu thành lập 2023, Finy đã lỗ ròng 1,4 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu chỉ còn gần 4,6 tỷ đồng. Doanh thu của năm chỉ vỏn vẹn hơn 52 triệu đồng. Tổng tài sản tính đến cuối 2023 đạt gần 6 tỷ đồng.

Trong khi đó, cổ đông sáng lập của Finy là Lendbiz thành lập tháng 10/2017, vốn điều lệ tính đến cuối 2023 là 8,4 tỷ đồng và cũng có 10 nhân viên. Quy mô doanh nghiệp này có xu hướng mở rộng qua từng năm. Đến cuối 2023, tổng tài sản của Lendbiz đạt gần 130 tỷ đồng, gấp 8 lần thời điểm cuối năm 2019 và chỉ thấp hơn đôi chút so với lúc đỉnh điểm cuối 2021.

Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu của Lendbiz vào cuối năm 2023 chỉ còn 3,3 tỷ đồng, chủ yếu do nhiều năm kinh doanh thua lỗ. Năm 2023, doanh nghiệp này lỗ gần 2,6 tỷ đồng, sâu nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong 5 năm gần nhất, Lendbiz chỉ có lãi duy nhất năm 2022 với lợi nhuận ròng 1,6 tỷ đồng.

Thực tế, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này gặp khá nhiều khó khăn. Doanh thu hàng năm rất khiêm tốn chỉ vài tỷ đồng. 2022 ghi nhận doanh thu cao nhất trong nhiều năm nhưng con số cũng chỉ chưa đến 9 tỷ đồng. Năm 2023 vừa qua, doanh thu thuần của Lendbiz đã giảm 23% so với năm trước, xuống còn 6,7 tỷ đồng.

Mô hình kinh doanh nhiều rủi ro?

Đáng chú ý, phương thức P2P Lending từng bị Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước cảnh báo tiềm ẩn rủi ro. Theo thông tin công bố của Lendbiz, doanh nghiệp này là Công ty hàng đầu Việt nam trong lĩnh vực đầu tư ngang hàng (P2P Lending) giúp kết nối giữa các Doanh nghiệp, Hộ kinh doanh với cộng đồng các Nhà đầu tư.

Theo các chuyên gia tài chính, hiện nay tại Việt Nam các văn bản quy phạm pháp luật quản lý, điều chỉnh cho phạm vi công nghệ mới chưa được đầy đủ, rõ ràng, các chính sách pháp lý bổ sung ban hành còn chậm so với tốc độ phát triển khá nhanh của công nghệ. Khuôn khổ pháp lý về cơ bản mới chỉ đáp ứng được một phần cho lĩnh vực fintech trong hoạt động thanh toán, chưa đầy đủ và đồng bộ cho các hoạt động khác, như hoạt động P2P Lending.

Đáng chú ý, liên quan đến hoạt động P2P Lending Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản số 5228/NHNN/CSTT về hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) gửi đến các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về hoạt động cho vay ngang hàng.

Nội dung văn bản cho biết, thời gian qua, sự bùng nổ các ứng dụng từ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đã thúc đẩy nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, trong đó có ứng dụng cho vay P2P Lending.

Liên quan đến lĩnh vực này, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cần thận trọng.Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước, P2P Lending là hoạt động được thiết kế và xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính như tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Toàn bộ hoạt động, vay, trả nợ (gốc, lãi) giữa người đi vay và người cho vay được nền tảng giao dịch trực tuyến của công ty vận hành ghi nhận và lưu trữ bằng các bảng ghi điện tử, số hóa trên hệ thống cơ sở dữ liệu của công ty P2P Lending, được đăng tài cho khách hàng đăng ký tham gia nền tảng truy cập.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, tại Việt Nam một số công ty đã đăng ký hành nghề kinh doanh là tư vấn tài chính, môi giới tài chính và tự giới thiệu là công ty P2P Lending cung cấp dịch vụ kết nối nhà đầu tư và người đi vay, tuy nhiên pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định về lĩnh vực này.

Trước những rủi ro tiềm ẩn, Bộ Công an đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quản lý loại hình công ty cho vay trực tuyến, vay ngang hàng (P2P Lending).

Quỳnh Chi

Nguồn Doanh nhân & Pháp luật: https://doanhnhan.vn/kinh-doanh-lo-rong-doanh-thu-vai-chuc-trieu-dong-finy-lay-tien-dau-cho-vay-khong-can-tham-dinh-15-phut-co-tien-78530.html
Zalo