Cảm xúc ở thành phố hòa bình

Vào những ngày tháng tư lịch sử, Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh (quận 1, TPHCM) trở thành điểm hẹn thiêng liêng của biết bao đoàn học sinh, cựu chiến binh, người dân và du khách thập phương. Mỗi câu chuyện, mỗi kỷ vật trưng bày tại triển lãm '50 năm vang mãi bản hùng ca' là cầu nối quá khứ với hiện tại, làm sống dậy những khoảnh khắc hào hùng của dân tộc ta.

Ánh mắt trong veo của Lê Nam Hùng, cậu bé học lớp 3, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TPHCM) dường như dán chặt vào mô hình chiếc xe tăng số hiệu 848. Nam Hùng thích làm bộ đội, đam mê xe tăng. Hôm nay, tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh, giấc mơ về những cỗ xe thép và màu áo xanh bộ đội trong em càng thêm cháy bỏng.

Nam Hùng dù chưa được học môn lịch sử nhưng rất yêu thích lịch sử Việt Nam qua lời kể của mẹ. Em và các bạn cũng thường xuyên được thầy, cô giáo dẫn đi tham quan các di tích lịch sử và địa chỉ đỏ ở thành phố. Nam Hùng kể rành mạch từng chiếc xe tăng mình thích và nhớ rất rõ lời cô thuyết minh về ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

“Con nhớ chiếc xe tăng số hiệu 390 đã húc đổ cổng Dinh Độc Lập và ông Bùi Quang Thận là người cắm lá cờ cách mạng trên nóc Dinh Độc Lập vào ngày 30-4-1975”, Nam Hùng kể với chúng tôi, cũng kể về ước mơ một ngày được trở thành người lính xe tăng.

 Trải nghiệm may cờ giải phóng. Ảnh: CẨM TUYẾT

Trải nghiệm may cờ giải phóng. Ảnh: CẨM TUYẾT

Đến tham quan triển lãm “50 năm vang mãi bản hùng ca”, Đại tá Nguyễn Cảnh Miều, nguyên Chính ủy Trường Quân sự Quân khu 7, lặng người khi những kỷ vật, dấu tích, hình ảnh xưa cũ ùa về, chân thật như mới hôm qua…

Đại tá Nguyễn Cảnh Miều là cựu chiến binh, đã trải qua những trận đánh ác liệt nhất ở chiến trường Quảng Trị. Giọng ông trầm, không bi lụy, nhưng đủ để chúng tôi cảm nhận được sự trân trọng, tự hào lẫn day dứt: “Nhìn vật nghĩ đến người. Không phải là hiện vật vô tri mà hình ảnh đồng đội ngã xuống, là máu xương của rất nhiều anh hùng liệt sĩ. Các anh viết nên trang sử hào hùng bằng chính máu xương của mình”.

Những ngày này, Đại tá Nguyễn Cảnh Miều thường xuyên gặp gỡ, ôn lại ký ức với đồng đội cũ. Trong niềm vui chung hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông chia sẻ: “TPHCM nay trở thành cầu nối, là thành phố của hòa bình, vươn lên trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước, cùng cả nước, vì cả nước”.

Ông cũng rất vui vì có nhiều bạn trẻ đến tham quan triển lãm, hiểu và trân trọng lịch sử dân tộc Việt Nam. “Nhìn rất nhiều đoàn từ khắp mọi miền đất nước đang đổ về thành phố để tham quan, chứng kiến sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong cuộc diễu binh, diễu hành, chúng ta càng trân trọng hơn giá trị của hòa bình”.

Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc Bảo tàng Quân khu 7, triển lãm chuyên đề “50 năm vang mãi bản hùng ca” do Cục Chính trị Quân khu 7 phối hợp Cục Chính trị Quân đoàn 34 và Sở VH-TT TPHCM tổ chức thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, các nhà nghiên cứu, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên đến tham quan. Hiện nay triển lãm đón từ 500-1.000 lượt khách/ngày, dự kiến trong các ngày tới lượng khách tham quan sẽ tăng cao.

Triển lãm giới thiệu gần 500 hình ảnh, tư liệu, hiện vật; gồm 4 phần trưng bày chính là “Con đường giải phóng”, “Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”, “Lực lượng vũ trang Quân khu 7 trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975” và “Tự hào Thành phố mang tên Người - Hồ Chí Minh”.

Một số hoạt động trải nghiệm như: di chuyển dưới giao thông hào, hầm chữ A; nhà lợp lá trung quân tại căn cứ cách mạng; may cờ giải phóng, nón tai bèo; thưởng thức món ăn của du kích trong kháng chiến (khoai mì, muối đậu). Triển lãm diễn ra từ ngày 8-4 đến ngày 8-5-2025.

THU HOÀI - CẨM TUYẾT

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cam-xuc-o-thanh-pho-hoa-binh-post790671.html
Zalo