Cam kết lâu dài: Điều kiện cần thiết để xe Trung Quốc chinh phục khách Việt
Trong làn sóng xe Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam, đến nay có khoảng hơn chục hãng xe đang có mặt trên thị trường. Cũ có, mới có, ở cả mảng xe động cơ đốt trong lẫn xe xanh với các sản phẩm rất đa dạng. Mỗi hãng có một hướng đi, cách tiếp cận thị trường khác nhau. Một số hãng cho thấy sự nghiêm túc, cam kết lâu dài ngay từ ban đầu trong việc đầu tư xây nhà máy, phát triển đại lý. Tuy nhiên, cũng có những hãng lớn làm thị trường theo hướng ngược lại, khiến người tiêu dùng Việt còn nhiều nghi ngại.

Mặc dù so với các nước trong khu vực, dung lượng thị trường xe Việt vẫn còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên, thị trường ô tô Việt Nam còn nhiều tiềm năng, tỉ lệ sở hữu xe ô tô trên 1.000 dân ở Việt Nam hiện đạt khoảng 63 xe so với hơn 300 xe ở Thái Lan, dự kiến tăng trưởng thị trường xe bình quân đến 2030 từ 14%-16%/năm, tổng lượng xe ô tô tiêu thụ đạt 1 - 1.1 triệu xe, tầm nhìn đến 2045 dự kiến đạt 4.5 – 4.7 triệu xe.
Nhằm đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô, trong Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014 đã nhấn mạnh việc phát huy nội lực của mọi thành phần kinh tế trong nước; chú trọng liên kết, hợp tác với các tập đoàn sản xuất ô tô lớn trên thế giới để phát triển ngành công nghiệp ô tô đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông, đáp ứng cơ bản nhu cầu trong nước về các loại xe có lợi thế cạnh tranh; nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới; tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế cả nước theo hướng hiện đại.
Đặc biệt, tại Quyết định số 589/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 - 2020 xét đến 2025, cũng nêu rõ: “Khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển ngành công nghiệp ô tô, không phân biệt doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Chính phủ tiếp tục củng cố thể chế, chính sách tốt hơn, có lợi cho sản xuất, cho người dân và không trái với thông lệ, cam kết hội nhập quốc tế”. Đây được xem là trợ lực cần thiết để ngành công nghiệp ô tô trong nước bứt phá.
Trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng thị trường ô tô Việt Nam đang giữ ở mức cao. Nhiều chính sách quan trọng từ Chính phủ để phát triển ngành công nghiệp ô tô đang được xây dựng và sẽ sớm thông qua, nhằm thúc đẩy sản xuất và tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Trước thực tế về chính sách của chính phủ Việt Nam trong giai đoạn mới, một số hãng ô tô vào Việt Nam đã cho thấy sự nghiêm túc và cam kết lâu dài trong việc đầu tư tại thị trường nội địa. Việc làm này là rất quan trọng để giải quyết định kiến lâu nay của người tiêu dùng. Đơn cử như công ty cổ phần Tasco và Geely Auto Group đã chính thức ký kết Hợp đồng liên doanh lắp ráp và phân phối xe ô tô tại Việt Nam, cũng như ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác chiến lược 3 bên với BQL Khu Kinh tế và các khu CN tỉnh Thái Bình. Liên doanh sản xuất lắp ráp xe ô tô giữa Tasco và Geely là một dự án CKD (Completely Knocked Down: lắp ráp trong nước với linh kiện được nhập khẩu), có công suất thiết kế đạt 75.000 xe/năm cho giai đoạn 1, quy mô diện tích đất 30ha, phục vụ cho nhu cầu trong nước và đặc biệt là xuất khẩu sang các nước có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Tổng vốn đầu tư của dự án dự kiến khoảng 168 triệu USD, trong đó Tasco sẽ góp vốn đầu tư 64% và Tập đoàn Geely sẽ góp vốn 36%.

Tasco và Geely Auto Group đã chính thức ký kết Hợp đồng liên doanh lắp ráp và phân phối xe ô tô tại Việt Nam.
Theo kế hoạch, liên doanh sẽ bước đầu lắp ráp các dòng xe thuộc thương hiệu Lynk & Co và Geely Auto, trong tương lai có thể mở rộng lắp ráp các thương hiệu xe khác. Nhà máy dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trong nửa đầu năm 2025 và bàn giao mẫu xe đầu tiên tới khách hàng trong đầu năm 2026.
Một cái tên lớn khác là Chery cũng đã thông báo liên doanh giữa Tập đoàn Geleximco và Tập đoàn Chery quốc tế sẽ xây dựng nhà máy sản xuất ô tô thương hiệu Omoda & Jaecoo được xây dựng tại KCN Hưng Phú, tỉnh Thái Bình vào năm 2025.
KCN Hưng Phú là địa điểm có Dự án Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN Hưng Phú do Công ty cổ phần Khu công nghiệp Geleximco Hưng Phú - một thành viên thuộc Tập đoàn Geleximco được triển khai tại xã Nam Hưng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình với tổng vốn đầu tư lên đến gần 2.000 tỷ đồng.
Vào tháng 11/2023, Tập đoàn Geleximco và Tập đoàn Chery đã công bố việc ký Hợp đồng nguyên tắc xây dựng nhà máy ô tô tại Thái Bình để sản xuất các mẫu xe mang thương hiệu Omoda và Jaecoo có công suất lên tới 200.000 xe/năm, tổng vốn đầu tư là 800 triệu USD. Nhà máy được khởi công xây dựng giai đoạn 1 vào quý II/2024 và hoàn thành đầu tư xây dựng nhà máy giai đoạn 1 vào quý III/2025. Ra mắt sản phẩm tại Việt Nam vào quý IV/2025.
Đáng chú ý, bên cạnh Malaysia, Việt Nam đang được Tập đoàn Chery chọn là hai điểm đến tại khu vực Đông Nam Á trong việc xây dựng chuỗi nhà máy toàn cầu. Đặc biệt, Chery xác định Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất ô tô chủ lực của khu vực Đông Nam Á. Dự án khi đi vào hoạt động dự kiến sẽ tạo ra hơn 10.000 việc làm, không chỉ là lao động giản đơn mà cả lao động có trình độ cao sử dụng được công nghệ hiện đại.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, với vị thế là một trong những hàng đầu thế giới vào Việt Nam, BYD gây bất ngờ với người tiêu dùng Việt khi hồi tháng 5/2023, hãng này đã tiết lộ dự kiến sẽ chi khoảng 250 triệu USD để xây dựng một nhà máy lắp ráp xe điện tại Việt Nam. Thậm chí, trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, ông Wang Chuanfu, Chủ tịch BYD cũng từng đưa ra mong muốn Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để BYD hoàn tất thủ tục đầu tư và bắt đầu đi vào sản xuất. Nhưng đến cuối tháng 3/2024, BYD đã bất ngờ tuyên bố hoãn kế hoạch xây dựng nhà máy tại Việt Nam vì có những sự thay đổi “vì một số lý do khách quan” trong chiến lược, tình hình suy thoái chung của thị trường xe điện toàn cầu và xây dựng nhà máy tại Campuchia.
BYD có lẽ là cái tên nhận được nhiều sự chú ý khi là một gã khổng lồ trong ngành xe điện trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, khi vào Việt Nam, rất nhiều câu hỏi đặt ra với hãng xe này. Câu hỏi lớn nhất đối với BYD là phân phối xe điện nhưng lại “chưa có kế hoạch” triển khai trạm sạc. Trong khi đó, hệ thống trạm sạc được coi như “mạch máu” của xe điện. Và thực tế là sau đó BYD đã gặp nhiều khó khăn trong việc đẩy doanh số bán hàng khi thiếu đi hệ sinh thái hỗ trợ sau bán hàng.
Với người tiêu dùng, một chiếc xe là một tài sản lớn và người Việt không chỉ quan tâm đến giá bán tức thời mà còn chú trọng dịch vụ hậu mãi, chi phí sửa chữa. Có lẽ nhận thấy sự khó khăn trong mảng xe điện, BYD đã thay đổi chiến lược tiếp cận thị trường khi tấn công vào mảng xe PHEV với mẫu Sealion 6 với 2 phiên bản, bao gồm Dynamic giá 839 triệu đồng và Premium giá 936 triệu đồng.

BYD vừa lấn sân sang mảng xe PHEV sau khi gặp khó với xe điện tại Việt Nam.
Có thể nói chiến lược của BYD là khá hợp lý ở thời điểm hiện tại khi Sealion 6 với công nghệ plug-in hybrid thực tế hơn rất nhiều khi dễ tiếp cận khách hàng từ mảng xe xăng chuyển sang. Nhằm khỏa lấp sự khó khăn ở mảng EV, Sealion 6 có thể coi là “lá bài tẩy” của BYD khi có thiết kế 5 chỗ ngồi, di chuyển phạm vi tối đa khoảng 1.200 km sau mỗi lần sạc đầy pin, xăng đổ đầy bình.
Nằm ở phân khúc SUV cỡ C, Sealion 6 ở mảng PHEV sẽ cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ như Honda CR-V e:HEV RS (giá 1,259 tỷ đồng) hay Haval H6 HEV (giá 986 triệu đồng). Cả hai đối thủ cũng nhập khẩu Thái Lan như Sealion 6.
Nhưng thực tế, ở phân khúc 800 - 900 triệu, Sealion 6 ra mắt vào đúng thời điểm những mẫu xe động cơ đốt trong rất hot như Mazda CX-5 hay Ford Territory đang xả hàng mạnh với nhiều khuyến mại. Tiếp đến, một hãng xe đồng hương khác là Omoda & Jaecoo đã ngay lập tức tung ưu đãi cho mẫu xe J7 PHEV với gói hỗ trợ 10 năm đổ xăng, tương đương 90 triệu đồng. Nếu so sánh về mức giá và thông số kỹ thuật, J7 PHEV đang chiếm ưu thế hơn và đặc biệt được cộng đồng người dùng quan tâm hơn bởi yếu tố “có nhà máy tại Việt Nam”.
Ngay sau khi Sealion 6 chính thức được giới thiệu, cộng đồng người dùng cũng đã nổ ra nhiều luồng ý kiến trái chiều về giá bán, hậu mãi và vấn đề cam kết thương hiệu tại Việt Nam. Theo các chuyên gia trong ngành, rõ ràng dù là một hãng lớn trên thế giới nhưng BYD vẫn không dễ chinh phục thị trường Việt khi người tiêu dùng đem lên “bàn cân” so sánh sự tin tưởng với những hãng xe đồng hương khác đã cam kết có nhà máy sản xuất trực tiếp tại Việt Nam. Đặc biệt, khi trong quá khứ BYD đã từng có ý định và bất ngờ khước từ.
Hiện người tiêu dùng Việt đang ngày càng trẻ hóa, am hiểu, yêu thích công nghệ và ngoài một sản phẩm tốt họ quan tâm đến các thương hiệu có cam kết lâu dài với dịch vụ hậu mãi, khả năng sửa chữa dễ dàng khi xảy ra sự cố mới là yếu tố quyết định. Thời gian có lẽ sẽ là câu trả lời của người tiêu dùng Việt với các hãng xe Trung Quốc, trong đó có BYD.