Cai thuốc lá: Vì khó nên cần quyết tâm cao

Tại sao phải cai thuốc lá khi có nhiều người hút thuốc vẫn sống khỏe mạnh - Đó là thắc mắc nhưng cũng là lời biện hộ của một số người khó rời bỏ được ma lực của khói thuốc. Trong thực tế, hút thuốc mà khỏe mạnh, sống lâu, chỉ là hiện tượng cá biệt.

 Ths. Nguyễn Thị Phương Anh - Bệnh viện Phổi Trung ương

Ths. Nguyễn Thị Phương Anh - Bệnh viện Phổi Trung ương

Đừng mong bản thân cá biệt

Ths. Nguyễn Thị Phương Anh - Bệnh viện Phổi Trung ương đã nêu lên thực tế đáng suy ngẫm: Nếu tính trên toàn thể cộng đồng thì 90% số người ung thư phổi, 75% số người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là người hút thuốc lá.

"Do sức đề kháng đối với bệnh tật của mỗi người mỗi khác, có những người bệnh xuất hiện chỉ sau một thời gian ngắn hút thuốc, nhưng có những người mắc bệnh muộn hơn, thậm chí là sau 30 năm kể từ khi hút thuốc. Vì vậy, tốt nhất là không hút thuốc, nếu đã hút thì bỏ thuốc càng sớm càng tốt", Ths. Nguyễn Thị Phương Anh khuyến cáo.

Tổng chi phí điều trị và tổn thất cho mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh trong số 25 bệnh do hút thuốc gây ra tại Việt Nam là 23 nghìn tỷ đồng mỗi năm

Tổng chi phí điều trị và tổn thất cho mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh trong số 25 bệnh do hút thuốc gây ra tại Việt Nam là 23 nghìn tỷ đồng mỗi năm

Cũng có không ít người cho rằng, thuốc lá "nhẹ" sẽ ít hại cho sức khỏe hơn. Thực tế là không có loại thuốc nào an toàn cho sức khỏe! Nhiều người chọn hút thuốc lá ít hắc ín (low tar), nhẹ (light), siêu nhẹ, dịu êm vì tin rằng loại thuốc lá này ít các chất độc hại hơn các loại thuốc lá khác.

Tuy nhiên, Ths. Nguyễn Thị Phương Anh chỉ ra rằng, các nghiên cứu cho thấy sử dụng các loại thuốc khác này không hạn chế được tác hại của thuốc lá. Nguyên nhân do mỗi người nghiện thuốc đều cần một "ngưỡng" nicotine nhất định. Vì vậy, khi hút các loại thuốc nhẹ họ sẽ buộc phải hít sâu hơn, hút nhiều hơn để bù lại hàm lượng nicotine mà cơ thể đã quen đòi hỏi. Chính việc hút bù này làm cơ thể tiếp xúc nhiều hơn với các chất độc hại có trong khói thuốc.

Lên dây cót để cai thuốc lá

Theo Ths. Nguyễn Thị Phương Anh, cai thuốc sẽ cải thiện được sức khỏe, ăn ngon miệng hơn, ngửi mùi tốt hơn, vận động khỏe mạnh và hơn hết là tiết kiệm được tiền. Cùng với đó, nhà cửa, xe ô tô, quần áo và hơi thở thơm tho hơn vì không có mùi. Sức khỏe con cái sẽ tốt hơn. Bố không hút thuốc còn làm tấm gương tốt cho con và giảm thiểu khả năng chúng sẽ hút thuốc trong tương lai. Người cai được thuốc lá sẽ cảm thấy thể chất tốt hơn, thực hiện các công việc chân tay tốt hơn và cải thiện dáng vẻ bề ngoài bao gồm giảm nếp nhăn, da và răng.

Các biện pháp cai thuốc lá chỉ có 3 bước, đó là tự hay đổi hành vi; hỗ trợ dùng thuốc; kết hợp thay đổi hành vi và sử dụng thuốc cai nghiện. Hiện có 3 loại thuốc được WHO khuyến cáo trong điều trị nghiện thuốc lá là: nicotin thay thế, bupropion, varenicline.

Ths. Nguyễn Thị Phương Anh cũng khẳng định, người nghiện thuốc lá có thể bỏ thuốc lá sau 5 ngày nếu có quyết tâm và sự kiên trì. Trước hết phải lập kế hoạch bỏ thuốc. Hãy chọn ngày bỏ thuốc là ngày không có quá nhiều vấn đề phức tạp phải giải quyết để có thể chỉ tập trung vào việc bỏ thuốc. Liệt kê các lý do đi đến quyết định bỏ thuốc.

Tuyên bố với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp rằng bạn đang tiến hành bỏ thuốc. Tìm xem ai có thể hỏi và chia sẻ khi cần sự giúp đỡ. Và thử nghĩ xem bản thân sẽ làm gì với số tiền tiết kiệm được khi không phải mua thuốc lá, và dừng mua thuốc lá.

"Nghiêm túc nhìn nhận khi nào và tại sao bạn lại hút thuốc. Hãy suy nghĩ xem có gì thay thế điếu thuốc trong tay bạn và hãy nghĩ đến những thói quen sinh hoạt và làm việc thường ngày khác thay thế cho hút thuốc. Xem lại khi nào và tại sao bạn hút thuốc và tìm cách khắc phục vượt qua. Suy nghĩ về cách vượt qua cơn thèm thuốc", Ths. Nguyễn Thị Phương Anh chia sẻ cách bỏ thuốc lá.

Một ngày trước khi quyết định "ngày bỏ thuốc" hãy giặt toàn bộ quần áo để không còn mùi thuốc lá. Dọn hết toàn bộ thuốc lá ở nhà và nơi làm việc. Bỏ hết diêm, bật lửa, gạt tàn ở nhà và nơi làm việc. Buổi tối hút điếu thuốc cuối cùng để chia tay kẻ thù của mình và "lên dây cót" một lần nữa: "Cai thuốc là chiến lược đúng, mình có thể làm được".

Ths. Nguyễn Thị Phương Anh cũng đưa ra khuyến cáo về những điều nguy hiểm cần tránh khi cai thuốc: Hút một điếu sẽ chẳng sao, nhưng nếu hút lại là thất bại dù chỉ là một hơi. Các buổi tiệc thường có bia rượu, hãy cẩn thận đừng cho phép mình hút thuốc mà hãy cho phép mình được khỏe mạnh. Lúc căng thẳng hãy tự nhủ: "Mọi chuyện rồi cũng phải qua đi, nếu lại hút thuốc bạn hãy tưởng tượng rằng phải bắt đầu cai nghiện từ đầu khi mọi chuyện qua đi". Và hơn hết, hãy duy trì cuộc sống thoải mái không lệ thuộc thuốc lá.

"Tuy nhiên, nếu bạn có quyết tâm cai nghiện thuốc lá mà không thể tự mình thực hiện được hãy tìm đến những trung tâm tư vấn và điều trị nghiện thuốc lá, các chuyên gia sẽ hỗ trợ bạn thực hiện quyết tâm cai nghiện thuốc lá thành công", Ths. Nguyễn Thị Phương Anh khuyên.

Bài và ảnh: An Khê

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cai-thuoc-la-vi-kho-nen-can-quyet-tam-cao-20241012095038698.htm
Zalo