Cải thiện môi trường kinh doanh, tăng năng lực nội sinh cho doanh nghiệp
Năm 2024, Chính phủ đặt mục tiêu số doanh nghiệp (DN) gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) ít nhất tăng 10% so với năm 2023. Trong bối cảnh khó khăn vẫn còn tiếp diễn, các cấp, ngành sẽ phải tìm cách cải thiện môi trường kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động.
Nghị quyết số 02/NQ-CP (NQ02) về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 đã được Chính phủ ban hành ngay từ đầu năm, dựa vào đó, các địa phương, trong đó có Đồng Nai, triển khai những giải pháp của mình.
* Thúc đẩy DN gia nhập thị trường
Năm 2023, số liệu khảo sát của Tổng cục Thống kê thể hiện cả nước có 159,3 ngàn DN đăng ký thành lập mới, tăng 7,2%. Bên cạnh đó, có 58 ngàn DN quay trở lại hoạt động, nâng tổng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong năm 2023 lên 217,7 ngàn. Bình quân một tháng có 18,1 ngàn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Trong khi đó, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 89,1 ngàn, tăng gần 21% so với năm 2022; đồng thời, 65,5 ngàn DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng gần 29% và 8 ngàn DN hoàn tất giải thể. Mỗi tháng có khoảng 14,4 ngàn DN rút lui khỏi thị trường.
Khó khăn của năm 2023 như vậy, nhưng sang năm 2024 dự báo tình hình vẫn còn tiếp tục trở ngại đối với sự phát triển của DN. Trong bối cảnh ấy, Chính phủ đặt ra mục tiêu năm 2024 là số DN gia nhập thị trường ít nhất tăng 10% so với năm 2023, số DN rút lui khỏi thị trường năm 2024 tăng dưới 10% so với năm 2023 là một mục tiêu rất lớn.
Riêng với Đồng Nai, năm 2023 có gần 4 ngàn DN thành lập mới, dù có giảm nhẹ so với năm trước song đây cũng là nỗ lực lớn của chính quyền và cộng đồng DN. Một điều khả quan hơn là số vốn chi cho đầu tư phát triển từ khối DN tư nhân tăng hơn 14% và đạt hơn 52 ngàn tỷ đồng. Mặc dù trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn nhưng một số DN vẫn đầu tư mở rộng nhà xưởng và đầu tư sửa chữa, mua sắm tài sản cố định. Đặc biệt, khu vực kinh tế ngoài nhà nước năng động, có tiềm lực phát triển nhanh, nguồn vốn đầu tư thực hiện của khu vực này tăng trưởng trong những năm gần đây, giúp nâng cao năng lực nội sinh của sự phát triển nền kinh tế.
* Giảm thiểu các rủi ro phát sinh
Mùa sản xuất của năm 2024 đã bắt đầu, các DN đều cho rằng, trong bối cảnh thị trường còn nhiều thách thức, đơn hàng giảm, cần giảm chi phí kinh doanh để duy trì sản xuất. Hiện ở nhiều nơi, nhiều chỗ, vấn đề chi phí kinh doanh rất cao. Quốc hội đã chấp thuận gia hạn chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% đến giữa năm 2024, song theo các DN thì chi phí về thủ tục hành chính, những khoản về thanh tra, kiểm tra định kỳ không cần thiết cũng cần được giảm thiểu.
Để tiếp tục thực thi cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, Bộ KH-ĐT đã có văn bản kiến nghị các bộ, ngành đảm bảo tính ổn định của chính sách, không đề xuất hay ban hành mới các quy định tạo thêm gánh nặng chi phí kinh doanh, chi phí tuân thủ pháp luật cho người dân, DN.
Theo các chuyên gia, năm 2023, bên cạnh sự tác động từ thế giới thì trong nước cũng phát sinh nhiều vấn đề nóng ảnh hưởng đến cộng đồng DN và hoạt động đầu tư, kinh doanh. Có thể kể tới như tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy làm cho nhiều dự án đầu tư, công trình xây dựng bị chậm trễ, phát sinh nhiều chi phí. Một số tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy quá cao và cách áp dụng hồi tố và cứng nhắc tạo ra ách tắc. Việc hoàn thuế VAT chậm trễ làm cho DN nhiều ngành như: gỗ, điện tử... gặp khó khăn, thiếu dòng tiền cho sản xuất.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam đánh giá, trong năm 2024, các vấn đề phát sinh cần được phân tích rõ nguyên nhân và có giải pháp cụ thể. Để tiếp tục tăng sức cạnh tranh của môi trường kinh doanh, Việt Nam phải tiến hành đồng thời nhiều giải pháp như: nâng cao chất lượng hạ tầng, chất lượng nhân lực, thúc đẩy sản xuất công nghiệp nội địa... Trong đó tập trung vào hai nhóm giải pháp chính là: giảm chi phí kinh doanh, cải cách chất lượng quy định pháp luật và thực thi pháp luật.
Đối với Đồng Nai, theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, trọng tâm trong công tác thu hút đầu tư, phát triển kinh tế và đồng hành cùng DN là phải đảm bảo tính “sẵn sàng” đáp ứng. Đồng Nai có mức độ phát triển kinh tế cao, có nhiều kinh nghiệm trong thu hút đầu tư, nhất là DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hiện nay, sự cạnh tranh về thu hút đầu tư giữa các địa phương trong cả nước ngày càng lớn. Đồng Nai có vị thế, đẳng cấp, nhưng muốn giữ được vị thế đó phải luôn chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố như: quỹ đất, nhân lực và các chính sách thuận lợi hơn cho DN đầu tư.