Nhiều cơ hội để Việt Nam đạt tăng trưởng 8% năm 2025

Theo TS Lương Văn Khôi – Phó Viện trưởng CIEM, Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS Lương Văn Khôi – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, với những nỗ lực trong thực hiện đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tinh gọn bộ máy… Việt Nam có nhiều cơ hội đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025.

TS Lương Văn Khôi - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). Ảnh H.A

TS Lương Văn Khôi - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM). Ảnh H.A

- Kinh tế Việt Nam năm 2024 đã khép lại với mức tăng trưởng GDP đạt 7,09%, cao hơn mục tiêu đề ra. Ông đánh giá như thế nào về kết quả này?

TS Lương Văn Khôi: Kinh tế Việt Nam năm 2024 có rất nhiều sự bứt phá, với mức tăng trưởng GDP cao hơn dự báo và kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu đề ra. Để có được kết quả trên, trước tiên phải nói đến sự điều hành quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Chính phủ đã có những phiên họp thường kỳ hàng tháng đưa ra những nghị quyết để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ thì tăng trưởng kinh tế năm 2024 còn được hỗ trợ bởi nhu cầu thế giới với hàng Việt Nam tăng mạnh, dù kinh tế thế giới năm 2024 có nhiều biến động, nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt được kết quả đáng kinh ngạc, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam ổn định và vốn FDI giải ngân tăng mạnh.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam dù đối mặt với khó khăn, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đã có dấu hiệu giảm vào những tháng cuối năm. Đặc biệt, nhìn vào tổng vốn tổng đầu tư toàn xã hội cũng có những tín hiệu tích cực, đầu tư của khu vực tư nhân chiếm tỷ trọng lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thực hiện đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh rất mạnh mẽ từ trung ương đến địa phương. Đây là những yếu tố quan trọng, kích thích tăng trưởng kinh tế năm 2024 và những năm tiếp theo.

- Theoông, đâu là cơ hội để ViệtNam đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025?

TS Lương Văn Khôi: Mục tiêu tăng trưởng GDP 8% vào năm 2025 có nhiều cơ hội, thứ nhất thị trường xuất khẩu vẫn có xu hướng tăng mạnh, vì Việt Nam hiện đã có 16 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được ký kết, trong đó có những FTA thế hệ mới lớn như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp đinh Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP). Đây là những thị trường Việt Nam đã khai thác tốt, có hiệu quả và đóng góp cho tăng trưởng thương mại trong thời gian qua.

Một cơ hội nữa hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025 đó là, tới đây ông Donald Trump sẽ có nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ thứ 2. Việc ông Donald Trump lên nắm quyền sẽ có những chính sách mới ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Nhưng cũng có những chính sách hứa hẹn mang lại những cơ hội cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, mở ra cơ hội để Việt Nam thu hút thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhất là vào các lĩnh vực như công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao…

Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện mở ra cơ hội cho Việt Nam trong thu hút FDI. Ảnh minh họa

Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện mở ra cơ hội cho Việt Nam trong thu hút FDI. Ảnh minh họa

Ngoài ra, sự tích cực trong các hoạt động chuyển đổi số của Bộ Chính trị, Chính phủ thời gian gần đây cũng sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế năm 2025. Bởi theo tính toán, nếu thực hiện tốt cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và chuyển đổi số thì có thể đến 2030 kinh tế Việt Nam sẽ tăng thêm 54 tỷ USD.

Cùng với sự quyết liệt trong chính sách của Chính phủ thì năm 2025 và những năm tiếp theo môi trường đầu tư kinh doanh sẽ tiếp tục được cải thiện, khu vực đầu tư tư nhân sẽ phát triển mạnh mẽ và vốn đầu tư sẽ tăng mạnh hơn. Năm 2025 cũng có nhiều dự án đầu tư công liên quan đến cơ sở hạ tầng, liên kết vùng, kết nối Bắc-Nam hay các công trình lớn. Điển hình như dự án xem xét phát triển điện hạt nhân và nhiều công trình điện đã được thực hiện đưa vào vận hành trong năm 2024, tạo nguồn lực đáp ứng năng lượng điện.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đầu tư sân bay Long Thành, như vậy hệ thống hạ tầng hàng không, đường bộ đồng bộ sẽ tạo mối liên kết giữa các vùng, khu vực, tỉnh thành phố và tạo ra các vành đai công nghiệp và mức lưu chuyển hàng hóa rất lớn. Đặc biệt, 2025 và những năm tiếp theo 63 tỉnh, thành cả nước sẽ thực hiện đồng loạt quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch này đều dựa trên tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố, bên cạnh đó là sự phát triển của các đầu tàu kinh tế như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… sẽ mở ra cơ hội cho kinh tế Việt Nam phát triển.

- Để giảm thiểu những tác động trong chính sách mới của Tổng thống Mỹ trong thời gian tới, Việt Nam cần lưu ý điều gì, thưa ông?

TS Lương Văn Khôi: Có thể nói, chính sách điều hành của Tổng thống Mỹ trong thời gian tới vẫn đang là ẩn số và được cả thế giới quan tâm. Các chính sách này sẽ ít nhiều sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam, vì Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, có thặng dư thương mại lớn, nên chính sách của ông Donald Trump sẽ áp thuế vào nước có xuất siêu vào Mỹ, Việt Nam là một trong những nước đó. Để giảm thiểu những tác động, Việt Nam cần đảm bảo cân bằng để làm sao Việt Nam nhập khẩu những sản phẩm hàng hóa từ Mỹ.

Một nội dung nữa là, ông Donald Trump trong thời gian tranh cử Tổng thống Mỹ có hứa sẽ rút khỏi Thỏa thuận Paris về khí hậu, nếu ông thực hiện việc này sẽ có nhiều tác động, trong đó có cam kết Net Zero của Việt Nam vào năm 2050. Do vậy, những hỗ trợ quốc tế đối với các khoản đầu tư liên quan đến chuyển đổi năng lượng công bằng sẽ ảnh hưởng rất lớn, và cũng sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam...

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hòa (thực hiện)

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhieu-co-hoi-de-viet-nam-dat-tang-truong-8-nam-2025-369396.html
Zalo