Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh – Hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững
Trên cơ sở xác định thu hút đầu tư là động lực tăng trưởng chính trong phát triển kinh tế của tỉnh, năm 2024, Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi; đồng thời tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích, thu hút, kêu gọi đầu tư. Theo đó, các dự án đầu tư tiếp tục được áp dụng chế độ miễn, giảm tiền thuê đất tùy theo lĩnh vực đầu tư. Các dự án sản xuất, chế biến nông, lâm thủy sản và các dự án đầu tư thí nghiệm nghiên cứu khoa học được giảm 50% giá thuê đất. Các dự án đầu tư nước ngoài, dự án đầu tư nằm trong danh mục A Nghị định 35/2002/NĐ-CP về việc sửa đổi bổ sung Danh mục A, B và C ban hành tại Phụ lục kèm theo NĐ 51/1999/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi) và dự án đầu tư có sử dụng từ 50 lao động trở lên còn được miễn tiền thuê đất trong 10 năm và được giảm 50% tiền thuê đất trong 10 năm tiếp theo. Để khuyến khích việc thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh, nếu nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động tại Hà Nam, thu hút được thêm nhà đầu tư mới về đầu tư tại tỉnh còn được giảm 50% tiền thuê đất trong suốt thời gian thực hiện dự án. Các nhà đầu tư kinh doanh nhà ở phục vụ khu công nghiệp (KCN) hoặc cho thuê đất để xây dựng, kinh doanh nhà ở với mức giá đất tối thiểu trong khung giá các loại đất và được chậm nộp tiền sử dụng đất hay thuê đất tối đa đến 7 năm… với giá thuê đất thô áp dụng mức giá cạnh tranh nhất so với các tỉnh xung quanh Thủ đô Hà Nội. Một số khu công nghiệp có mức giá thuê thấp như: Khu công nghiệp Đồng Văn I mở rộng từ 100 - 115 USD/m2 (đến ngày 22/3/2071); Khu công nghiệp Thái Hà 90 USD/m2 (đến 15/11/2069). Tại các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ bằng tiền (sau đầu tư) một phần các chi phí làm hạ tầng trong hàng rào dự án; hỗ trợ đào tạo về nhân lực, phát triển thị trường theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ. Ngoài ra, đối với các dự án ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao, dự án công nghiệp hỗ trợ… nhà đầu tư sẽ được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong vòng 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư luôn được xác định là khâu quan trọng nhằm thu hút đầu tư hiệu quả. Cùng với đó, công tác giải phóng mặt bằng cũng được coi là một trong những yếu tố góp phần “mở cửa” gọi dòng vốn vào tỉnh. Vì vậy, năm 2024, cùng với việc cải cách thủ tục hành chính; UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án; đồng thời, tích cực hoàn thiện, nâng cao chất lượng hạ tầng của các KCN đang hoạt động; phát triển mạnh và đồng bộ các dịch vụ hỗ trợ cho phát triển công nghiệp như: điện, nước, dịch vụ viễn thông, vận tải, nhà ở công nhân... Việc số lượng các nhà đầu tư tiếp tục tìm đến, nghiên cứu và thực hiện các dự án mới trên địa bàn tỉnh Hà Nam thời gian qua, đã phần nào khẳng định vị thế của một trong những địa phương được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá là có chất lượng điều hành kinh tế tốt trên cả nước với môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hiệu quả.
Mục tiêu của Hà Nam là tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, đẩy mạnh thu hút các dự án công nghệ hiện đại, hiệu quả cao, trong đó ưu tiên hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Vì vậy, thời gian qua, Hà Nam đã, đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch theo hướng đồng bộ, thống nhất, liên kết, bảo đảm phát huy, sử dụng có hiệu quả tiềm năng lợi thế và nguồn lực; xây dựng bổ sung cơ chế khuyến khích, hỗ trợ theo các tiêu chí cụ thể, bảo đảm phù hợp với quy định của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, nhằm thu hút các dự án lớn, trọng điểm, dự án công nghệ cao, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo tại tỉnh theo chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức các hoạt động đối thoại, lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh (do Ban Quản lý các KCN tỉnh tổ chức vào cuối tháng 8 vừa qua), khi trao đổi về môi trường đầu tư tại Hà Nam, ông Ryoichi Nakagawa, cố vấn Japan Desk Hà Nam đã khẳng định: Các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá rất cao môi trường đầu tư của tỉnh Hà Nam. Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh luôn quan tâm, tạo những điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, tại một số KCN vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc về hạ tầng, chất lượng dịch vụ, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp... Đây là vấn đề tỉnh cần hết sức lưu ý để phát huy những kết quả tích cực đã đạt được.
Với quan điểm coi thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh, thời gian qua, không chỉ đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, Hà Nam còn tập trung huy động các nguồn lực đầu tư đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và dịch vụ phục vụ trong các khu, cụm công nghiệp; đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư cả trong và ngoài nước theo hướng chuyên nghiệp, chủ động, đúng trọng tâm, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư FDI thuộc lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Nhìn lại tốc độ thu hút đầu tư của tỉnh, những năm trở lại đây, có thể khẳng định: môi trường đầu tư của Hà Nam đã được cải thiện rất nhiều so với thời gian trước. Thứ hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng cao qua các năm. Đặc biệt, theo kết quả được VCCI công bố vào tháng 5/2024: Năm 2023, Hà Nam đạt 66,47 điểm, tăng 2,47 điểm so với năm 2022, xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 10 bậc so với năm 2022). Trong 10 chỉ số thành phần thì có tới 6 chỉ số tăng cao so với năm 2022, nổi bật là các Chỉ số gia nhập thị trường, Chỉ số tiếp cận đất đai, Chỉ số chi phí thời gian và Chỉ số đào tạo lao động... Đặc biệt, với 7,10 điểm, Hà Nam lọt vào tốp 30 địa phương có điểm số cao nhất trong Chỉ số thành phần số 4 "Chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ”. Sức hút của Hà Nam còn được thể hiện qua những con số về dòng vốn FDI đầu tư vào tỉnh đang ngày càng tăng và Hà Nam đang là điểm đến của “làn sóng” dịch chuyển đầu tư mới hiện nay.
Đến nay, Hà Nam đã có 8 KCN đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 85,7%; tỉnh cũng được bổ sung quy hoạch 4 KCN mới với tổng diện tích 940 ha. Một số cụm công nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả, cơ bản lấp đầy 100%; 6 cụm công nghiệp thành lập mới đang hoàn thiện hồ sơ đầu tư hạ tầng. Môi trường đầu tư minh bạch cùng những lợi thế so sánh về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, chi phí, nguồn nhân lực… chính là những yếu tố mang tính bứt phá để công tác thu hút đầu tư của Hà Nam đạt được nhiều thành quả trong thời gian qua.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tính từ ngày 1/1/2024 đến ngày 30/9/2024, toàn tỉnh thu hút được 59 dự án (tăng 47,5% so với cùng kỳ năm 2023) và thực hiện điều chỉnh tăng, giảm vốn đầu tư 43 dự án (tăng 72%) với tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh là 7.118,1 tỷ đồng (giảm 1%) và 454,1 triệu USD (tăng 21,6%). Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 1.229 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 828 dự án trong nước và 401 dự án FDI với vốn đăng ký là 176.223 tỷ đồng và 6.492,1 triệu USD. Hàn Quốc vẫn là quốc gia dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp FDI với 127 doanh nghiệp. Đài Loan (Trung Quốc) là nhà đầu tư lớn thứ 3 về số lượng dự án (52 dự án) nhưng đứng thứ nhất về tổng vốn đầu tư (1,825 tỷ USD, tương đương gần 30% tổng vốn FDI tại Hà Nam). Những dự án đầu tư này đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động địa phương và khu vực lân cận.
Với nhiều giải pháp trọng tâm, trọng điểm trong phát triển kinh tế, nhiều năm liền, Hà Nam luôn nằm trong top 10 tỉnh có tăng trưởng cao của cả nước. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh ước tăng 10,89% so với cùng kỳ năm trước; được đánh giá là địa phương có mức tăng trưởng cao thứ nhất vùng đồng bằng sông Hồng và xếp vị trí thứ 4 toàn quốc. Ngày 1/11 vừa qua, tại Hội thảo khu vực đồng bằng sông Hồng về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hướng tới nền kinh tế xanh và phát triển bền vững (do VCCI tổ chức tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), Hà Nam được đánh giá là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng mạnh trong mấy năm gần đây và cũng là địa phương có tỷ trọng đầu tư xã hội/GRDP tăng rất cao so với bình quân chung của cả nước. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), hiện, đồng bằng sông Hồng đang là vùng thu hút được nhiều nguồn lực và đang có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước và là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Không chỉ có hạ tầng giao thông kết nối vùng tốt hơn nhiều so với các vùng khác, kết quả PCI những năm gần đây cho thấy chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương nằm trong khu vực đồng bằng sông Hồng có xu hướng cải thiện. Một số chỉ tiêu của tính năng động, tiên phong của bộ máy chính quyền và chất lượng lao động của khu vực đứng đầu cả nước; cải cách hành chính cũng liên tục đứng đầu các vùng trong 3 năm gần đây. Cùng với đó, điểm số Chỉ số Xanh cấp tỉnh của khu vực đồng bằng sông Hồng đứng thứ 2/6 khu vực... Theo đó, đầu tư FDI đang có xu thế dịch chuyển về vùng đồng bằng sông Hồng. Đây chính là cơ hội để Hà Nam nắm bắt, tiếp tục khơi thông và thu hút dòng vốn đầu tư nói chung, vốn FDI nói riêng. Đặc biệt, tới đây, khi Dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam hoàn thành, Hà Nam sẽ có thêm lợi thế về giao thông, tăng cơ hội kết nối giao lưu, phát triển kinh tế giữa các vùng trọng điểm kinh tế trong cả nước...
Hướng tới mục tiêu trở thành một trong những địa phương dẫn đầu khu vực phía Bắc về thu hút đầu tư, hạ tầng giao thông vẫn được Hà Nam xác định là động lực quan trọng cho sự phát triển. Theo ông Phạm Hồng Thanh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, để có được những con số ấn tượng trong lĩnh vực thu hút đầu tư, hiện, tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công một số dự án giao thông trọng điểm (Dự án đầu tư xây dựng nút giao Phú Thứ dọc cao tốc Bắc - Nam; dự án cầu Tân Lang; dự án đường nối 2 đền Trần; Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ song hành QL21 thuộc địa phận huyện Kim Bảng (đoạn từ ĐH.05 huyện Kim Bảng đến nút giao đường T3 với QL21); Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai T4 (đoạn tiếp nối với TP Phủ Lý đến đường ĐT.499B huyện Thanh Liêm…). Đồng thời, tỉnh tăng cường công tác quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp; đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng KCN đồng bộ, hiện đại; xúc tiến thương mại, đầu tư và kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn lớn nghiên cứu hợp tác đầu tư các lĩnh vực có thế mạnh và tỉnh có lợi thế cạnh tranh, hướng tới một nền công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.
Trên nguyên tắc hợp tác cùng phát triển, Hà Nam sẽ tiếp tục có những bứt phá trong thu hút đầu tư FDI, tạo sức bật cho sự phát triển kinh tế của tỉnh những năm tiếp theo.
Thực hiện: Minh Thu
Thiết kế: Đức Huy
www.baohanam.com.vn
1285
05:30 18/11/2024
bình luận