Cải tạo, chỉnh trang đô thị: Khuyến khích chủ sở hữu tự bảo tồn, chỉnh trang

Điều 20 của Luật Thủ đô năm 2024 đã đưa ra nhiều chính sách mới, tháo gỡ các vướng mắc của các bên liên quan trong việc cải tạo, chỉnh trang đô thị.

Cải tạo, chỉnh trang đô thị phải phù hợp quy hoạch

Cải tạo, chỉnh trang để diện mạo đô thị ngày càng xanh, hiện đại, nâng cao chất lượng sống, hướng tới phát triển bền vững là một trong các mục tiêu được thành phố Hà Nội hướng tới.

Điều 20 của Luật Thủ đô năm 2024 đã đưa ra nhiều chính sách mới, tháo gỡ các vướng mắc của các bên liên quan trong việc cải tạo, chỉnh trang đô thị như Nhà nước, chủ đầu tư, người dân trong phạm vi cải tạo, chỉnh trang đô thị bảo đảm phù hợp với thực tiễn,

Cụ thể, Luật quy định việc cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn Thành phố phải phù hợp quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, thiết kế đô thị; bảo vệ các di sản văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, kiến trúc, cảnh quan của Thủ đô; bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy; nâng cao tiện ích đô thị, cải thiện môi trường sống cho dân cư ở khu vực cải tạo, chỉnh trang.

Việc cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn Thành phố được triển khai thực hiện theo dự án bao gồm: Dự án tái thiết một khu vực đô thị cụ thể, trừ dự án phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng; Dự án chỉnh trang công trình hoặc một nhóm công trình xây dựng tại một khu vực cụ thể; Dự án bảo vệ, tu bổ công trình hoặc một nhóm công trình, khu vực có giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, kiến trúc, cảnh quan đô thị; Dự án cải tạo, chỉnh trang hỗn hợp là dự án đầu tư xây dựng trong đó có thể bao gồm các công trình xây dựng mới, công trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và bảo vệ, tu bổ.

Việc cải tạo, chỉnh trang đô thị nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân. Ảnh: Phương Ngân

Việc cải tạo, chỉnh trang đô thị nhằm nâng cao chất lượng sống cho người dân. Ảnh: Phương Ngân

Cũng theo Luật Thủ đô, việc cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn Thành phố được thực hiện trong các khu vực như: Khu vực đô thị có các công trình xây dựng có kết cấu, khoảng cách giữa các công trình không bảo đảm quy chuẩn theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

Khu vực đô thị có các công trình xây dựng thuộc diện nguy hiểm, xuống cấp, có nguy cơ sập đổ thuộc trường hợp buộc phải phá dỡ theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về nhà ở; khu vực có hạ tầng giao thông không bảo đảm yêu cầu về an toàn giao thông theo quy định của pháp luật về giao thông.

Khu vực đô thị không bảo đảm đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của đơn vị ở mà không còn đủ quỹ đất để phát triển bổ sung hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội...

Tự đề xuất thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị

Đáng quan tâm, các chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất tại khu vực đô thị có quyền tự đề xuất thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị khi được toàn bộ số chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất nằm trong ranh giới dự án đề xuất cải tạo, chỉnh trang đô thị đồng thuận góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai.

Việc cải tạo, chỉnh trang đô thị trong trường hợp này phải được lập thành dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị, do doanh nghiệp được các chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất thống nhất lựa chọn làm chủ đầu tư. Chủ đầu tư có trách nhiệm lập quy hoạch chi tiết, lập dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt và triển khai thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang đô thị, bảo đảm phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.

Trường hợp các chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất góp quyền sử dụng đất để mở rộng quỹ đất sử dụng vào mục đích công cộng không nhằm mục đích kinh doanh phục vụ cải tạo, chỉnh trang đô thị và không tự lựa chọn chủ đầu tư thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện vai trò chủ đầu tư dự án.

Trường hợp cấp bách cần cải tạo, chỉnh trang đô thị mà không lựa chọn được nhà đầu tư theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 20 thì Ủy ban nhân dân Thành phố thu hồi đất, tổ chức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.

Số tiền thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất lớn hơn số tiền chi cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tiếp tục phân chia và chi trả cho các chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất bị thu hồi đất. Việc sử dụng đất trúng đấu giá phải phù hợp với quy hoạch và mục tiêu cải tạo, chỉnh trang đô thị.

Phụ nữ phường Thanh Xuân Nam tham gia vệ sinh môi trường, làm đẹp ngõ phố

Phụ nữ phường Thanh Xuân Nam tham gia vệ sinh môi trường, làm đẹp ngõ phố

Đối với nhà chung cư cũ trong khu chung cư hoặc khu đô thị, việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ theo quy định của pháp luật về nhà ở chỉ được thực hiện khi phù hợp với quy hoạch đô thị và yêu cầu cải tạo, chỉnh trang đô thị đối với cả khu chung cư.

Đối với các công trình kiến trúc có giá trị có nhiều chủ sở hữu, Ủy ban nhân dân Thành phố bố trí kinh phí theo trình tự, thủ tục của pháp luật về ngân sách Nhà nước để hỗ trợ kiểm định chất lượng công trình; hỗ trợ cá nhân, tổ chức thực hiện cải tạo, chỉnh trang đô thị.

Cần ưu tiên bảo tồn các biệt thự cũ

Tại Hội thảo khoa học về triển khai Luật Thủ đô mới đây do thành phố Hà Nội tổ chức, Sở Xây dựng Hà Nội đã tham luận về “Cải tạo, chỉnh trang đô thị, thực hiện Điều 20 của Luật Thủ đô 2024”.

Từ thực tiễn quản lý, Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, đối với các công trình do nhà nước đang quản lý, cần ưu tiên bảo tồn các biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 có giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, đã được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, xếp nhóm 1, nhóm 2.

Ưu tiên các biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 thuộc sở hữu Nhà nước; các biệt thự nằm trong danh mục biệt thự không được bán, các biệt thự 1 chủ quản lý, sở hữu, sử dụng; các biệt thự đang sử dụng làm trụ sở, các đại sứ quán.

Ưu tiên các biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 nằm ở những vị trí (như ở góc phố, quảng trường, những khu vực có tầm nhìn tốt...) có khả năng tạo điểm nhấn cho cảnh quan đô thị; ở những tuyến phố đặc trưng cho một thời kỳ (những tuyến phố có nhiều biệt thự cũ, công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954); công trình có khuôn viên đất rộng, bề mặt thoáng, có cây xanh, cổng, hàng rào; không bị che lấp, được lộ diện ở lớp thứ nhất.

Đồng thời, thành phố Hà Nội bố trí một phần kinh phí từ Quỹ Bảo vệ di sản và phát triển văn hóa Thủ đô để bảo tồn, chỉnh trang biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 do Thành phố quản lý.

Đối với các biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 thuộc sở hữu tư nhân, cần khuyến khích việc giãn dân tại những biệt thự, khuyến khích việc quy gom về một chủ sở hữu đối với các biệt thự cũ theo các quy định của pháp luật; hỗ trợ nhà ở tái định cư hoặc hỗ trợ bằng tiền cho hộ gia đình, cá nhân, khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phá dỡ, tháo bỏ các diện tích xây dựng thêm trong khuôn viên đất vườn, đất lưu không của nhà biệt thự (đặc biệt phần mặt tiền biệt thự cũ).

Khuyến khích các chủ sở hữu, sử dụng tự bỏ kinh phí bảo tồn, chỉnh trang; được hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi tại các ngân hàng thương mại và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp như cơ chế cải tạo chung cư cũ; được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp khi thực hiện bảo tồn, chỉnh trang các biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954...

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/cai-tao-chinh-trang-do-thi-khuyen-khich-chu-so-huu-tu-bao-ton-chinh-trang-182434.html
Zalo