'Cái lý' cũng cần 'cái tình'

Sau khi Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đề xuất có thêm đơn vị cùng tham gia dịch vụ vận chuyển du lịch bằng xe buýt mui trần hai tầng, Công ty CP Vận tải du lịch và Truyền thông Viet Bigbus, Công ty TNHH Ảnh Việt Hop on-Hop off Việt Nam (Công ty Ảnh Việt) đã có kiến nghị bức thiết gửi Bộ Giao thông Vận tải.

Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, hiện Thành phố có hai doanh nghiệp (DN) thí điểm khai thác hai tuyến xe buýt hai tầng, thoáng nóc chở khách du lịch, trong đó Công ty Ảnh Việt đảm nhận tuyến DL01, hoạt động từ tháng 1/2020, đến ngày 29/5 đã qua khai trương thêm tuyến xe buýt hai tầng DL03. Công ty CP Du lịch Việt Nam - Hà Nội khai thác tuyến DL02 vào tháng 8/2022, đến ngày 7/7 vừa qua khai trương thêm tuyến DL04. Phạm vi hoạt động của Viet Bigbus gồm hai tuyến tại khu vực quận 1 và quận 5, một phần các quận 3, 4, 6, 10 và TP. Thủ Đức.

Trong kiến nghị gửi Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan chức năng TP.HCM, Công ty Ảnh Việt kiến nghị: “Không cấp phép, xét duyệt hồ sơ xin cấp phép tham gia thí điểm dịch vụ vận chuyển du lịch bằng ô tô hai tầng, thoáng nóc của các đơn vị khác đến năm 2030”. Đồng thời yêu cầu cơ quan chức năng cân nhắc không mở thêm các tuyến vận chuyển hành khách du lịch bằng ô tô hai tầng, thoáng nóc trùng với tuyến DL01, DL03 do Ảnh Việt đã được phép khai thác.

Rất nhiều ý kiến trái chiều và phần đông không đồng thuận đề xuất của Công ty Ảnh Việt vì cho rằng, đề xuất này là đi ngược xu thế thị trường, đi ngược quyền được kinh doanh và cạnh tranh vốn là tất yếu.

Tại Hội nghị Đối thoại giữa doanh nghiệp ngành du lịch và chính quyền Thành phố diễn ra vào ngày 23/7 vừa qua, sau khi nghe ý kiến của đại diện Ảnh Việt, cả hội trường đã xôn xao bàn tán không đồng tình. Đại diện Sở Du lịch TP.HCM khẳng định: “Với số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng đều mỗi năm thì việc có thêm doanh nghiệp lữ hành cũng như cung ứng dịch vụ du lịch là cần thiết. Nếu doanh nghiệp có khả năng đáp ứng đủ điều kiện của pháp luật thì sẽ nhận được giấy phép hoạt động”.

Nếu nhìn vấn đề ở góc độ lý lẽ và luật pháp thì những ý kiến trái chiều này đều hợp tình hợp lý, kể cả khẳng định của đại diện Sở Du lịch. Tuy nhiên, trong “cái lý” vẫn cần cân nhắc “cái tình” và cả yếu tố thực tiễn.

Thứ nhất, xét về thực trạng hệ thống giao thông TP.HCM hiện nay là khá chật chội do sự gia tăng lượng xe máy, ô tô, xe buýt, dẫn đến ùn tắc, kẹt đường. Vậy nên việc mở rộng xe buýt du lịch liệu có “góp phần” tăng thêm sự ùn tắc giao thông, chưa nói đến việc quy hoạch bến đậu cho các xe này?

Thứ hai, việc mở thêm xe buýt du lịch bên cạnh hàng trăm đơn vị vận chuyển khác cũng đang vận chuyển khách du lịch đến các điểm tham quan trên địa bàn Thành phố có tạo nên thị trường hỗn loạn và dư nguồn cung?

Qua tìm hiểu, hiện trung bình mỗi ngày từ 7 giờ đến 17 giờ, Công ty Ảnh Việt có 200 khách du lich mua vé, trung bình có 10 khách/xe 60 chỗ. Tỷ lệ lấp đầy chỉ mới đạt 16%. Vậy nên, nếu có dịch vụ tương tự cùng kinh doanh trên tuyến đường mà Ảnh Việt đã được cấp phép thì chẳng qua chỉ là sự chuyển giao tệp khách hàng từ công ty này sang công ty khác mà thôi.

Thứ ba, việc đồng ý cho doanh nghiệp khác mở thêm tuyến xe buýt hai tầng trùng với tuyến DL01 và DL03 của Ảnh Việt đang khai thác không chỉ gây nhầm lẫn thương hiệu cho đơn vị đang kinh doanh trước mà còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, đặc biệt họ đang trong giai đoạn bù đắp khoản nợ vay dài hạn để mua xe và xây dựng cơ sở hạ tầng, lại đang gặp nhiều khó khăn trong thu hồi vốn đầu tư.

Thực tế, khi Công ty CP Du lịch Việt Nam - Hà Nội vận chuyển du khách bằng ô tô hai tầng, thoáng nóc tại TP.HCM (tuyến DL02) từ tháng 8/2022, Công ty Ảnh Việt đã gặp khó khăn khi có nhiều du khách đã nhầm lẫn thương hiệu giửa hai công ty.

Cuối cùng là “cái tình”. Ngược lại cách đây 10 năm (năm 2014), khi ông Nguyễn Khoa Luân - CEO Công ty Ảnh Việt triển khai xe buýt hai tầng mui trần phục vụ khách du lịch đến Hà Nội và TP.HCM, không thể kể hết đoạn trường “vạn sự khởi đầu nan” của một công ty tiên phong trong dịch vụ mới mẻ này.

Dù kế hoạch của CEO Ảnh Việt đã được Chính phủ ủng hộ, nhưng lại chưa có quy định cho dòng xe hai tầng lưu thông trên đường. Ông Luân đã phải kiên trì chờ đợi, thuyết minh, thậm chí bán nhà, bán đất để đầu tư vào rất nhiều công đoạn, như nâng cấp hạ tầng, ngầm hóa cáp viễn thông, cáp điện, cáp truyền hình và cải tạo hệ thống cây xanh nhằm đảm bảo chiều cao tĩnh không cho xe hai tầng lưu thông an toàn.

Do nguồn lực tài chính có hạn, năm 2015, Công ty Ảnh Việt chỉ vận hành được xe buýt một tầng vì xe hai tầng có chi phí quá cao. Ông Luân tìm đến các ngân hàng đề nghị cho vay vốn, nhưng cũng không dễ. Sau đó, Ảnh Việt được ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trường Hải hỗ trợ tìm kiếm, đưa xe buýt hai tầng về Việt Nam.

Mãi đến năm 2016, Ảnh Việt mới được cấp phép vận hành tuyến buýt số 120, 121 và sau đó là tuyến DL01 vào năm 2020. Ngay sau đó Ảnh Việt đã gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đến năm 2023, tình hình kinh doanh của Ảnh Việt mới khởi sắc trở lại. Hiện nay, tại TP.HCM, mỗi ngày Ảnh Việt vận hành 27 chuyến buýt với tần suất 30 phút/chuyến. Năm 2024, Ảnh Việt mạnh dạn đầu tư 4 xe mới tại TP.HCM và nhiều xe ở một số tỉnh, thành phố.

Vẫn biết khi “miếng bánh thị trường” bỗng chốc “ngọt ngào” thì việc nhiều “bướm ong” cùng muốn nhảy vào cũng là lẽ thường và hợp với quy luật cạnh tranh. Song, với hành trình 10 năm tiên phong mở đường, kiên trì vượt qua khó khăn và luôn học hỏi, biến ước mơ đưa xe buýt hai tầng vào phục vụ du lịch thành hiện thực và được du khách trong và ngoài nước đón nhận, nhất là có công đóng góp vào việc quảng bá du lịch TP.HCM và Việt Nam ra quốc tế, Công ty Ảnh Việt cũng như cá nhân ông Nguyễn Khoa Luân rất đáng được khuyến khích, động viên về tinh thần, nếu không nói là cần có chính sách bảo vệ. Nói một cách dân dã, đó là “cái tình” để những người dám nghĩ, dám làm, dám đi trước không chỉ được động viên, khích lệ tinh thần mà họ còn yên tâm để làm tiếp, đóng góp tiếp.

Với những tổn thất, gian khó, có cả công sức, tiền của, nước mắt và mồ hôi “trả giá” cho sự “đi trước” thì nhu cầu được bảo hộ hay bảo vệ cho những công ty tiên phong trong một giai đoạn nào đó (chứ không vĩnh viễn) để họ có thời gian, cơ hội “bù đắp” cho những tổn thất vì sự dám làm, dám thử nghiệm là hoàn toàn xứng đáng và cần sự cân nhắc của những cơ quan quản lý trước khi đưa ra bất cứ một quyết định nào làm tăng thêm “cái chưa thật cần thiết”.

Hiện TP.HCM đang có 2 doanh nghiệp thí điểm khai thác xe buýt 2 tầng. tỷ lệ lấp đầy của công ty Ảnh Việt chỉ mới 16%

Lữ Ý Nhi

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/cai-ly-cung-can-cai-tinh-312674.html
Zalo