Cải lương sử Việt: Chỉ nhộn nhịp dịp liên hoan

Mỗi dịp liên hoan hay hội diễn sân khấu, các vở cải lương tuồng cổ đậm tinh thần sử Việt chiếm số lượng áp đảo và gặt hái cơn mưa huy chương. Nhưng khi đêm trao giải khép lại, vở chật vật bán vé, vở ngậm ngùi cất kho. Tung hoành trên sân khấu mỗi đêm vẫn là cải lương tuồng cổ có tuồng tích nước ngoài.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, đề xuất phương hướng, giải pháp để giữ gìn, phát triển cải lương tuồng cổ, ngày 18/9, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Thực trạng và giải pháp phát triển sân khấu cải lương tuồng cổ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh”.

Vở "Rạng ngọc Côn Sơn" khai thác về vụ án oan của dòng tộc Nguyễn Trãi.

Vở "Rạng ngọc Côn Sơn" khai thác về vụ án oan của dòng tộc Nguyễn Trãi.

Theo các nhà nghiên cứu, cải lương tuồng cổ là một thể tài của nghệ thuật cải lương, với những vở diễn được xây dựng dựa trên cốt truyện xa xưa, có thể là một giai đoạn lịch sử đã qua của dân tộc; có thể là một điển tích (điển cố) trong văn học sử Trung Quốc; cũng có thể là một câu chuyện cổ tích, huyền thoại, truyền thuyết của Việt Nam và các nước được truyền tụng từ đời này qua đời khác trong đời sống dân gian.

Trước năm 1975, cải lương tuồng cổ vẫn sử dụng nhiều bài nhạc Hồ Quảng có nguồn gốc từ Trung Hoa và thịnh hành với cốt truyện lấy từ văn học, lịch sử nước bạn. Từ sau 1975, với tinh thần chống lai căng và mất gốc của âm nhạc truyền thống dân tộc Việt, cải lương tuồng cổ được khoác lên mình tấm áo mới. Các soạn giả Việt hóa cải lương tuồng cổ bằng cách bớt đi bài nhạc Hồ Quảng để thêm vào nhiều bài bản cải lương truyền thống. Bên cạnh tuồng tích lấy từ nước ngoài thì những tuồng có nội dung lịch sử Việt Nam xuất hiện nhiều hơn.

NSND Thanh Tòng và nhạc sĩ Đức Phú của đoàn Minh Tơ là người có công lớn trong cuộc “lột xác” này. Hai nghệ sĩ đã sáng tạo, cải biến, vẫn vận dụng trình thức, vũ đạo, thể loại âm nhạc nghe rất gần âm nhạc Hồ Quảng nhưng không phải là nhạc Hồ Quảng. Đó là hệ thống bài bản đờn ca tài tử Nam Bộ, kết hợp các bài dân ca, điệu lý, tân nhạc phù hợp.

Vũ đạo cũng được giản lược từ vũ đạo Hát Bội để nhìn không rườm rà mà đẹp mắt, còn lối diễn xuất tập trung đặc tả nội tâm nhân vật. Nhờ đó, hàng loạt vở diễn đậm tinh thần dân tộc của hai đoàn Minh Tơ và Huỳnh Long như “Câu thơ yên ngựa”, “Bão táp Nguyên Phong”, “Bức ngôn đồ Đại Việt”, “Tô Hiến Thành xử án”, “Ngọn lửa Thăng Long”, “Trưng nữ vương”… ra đời và tỏa sáng rực rỡ trên sân khấu cải lương bấy giờ.

“Đây không chỉ là những vở cải lương tuồng cổ mẫu mực mà còn là những bản anh hùng ca về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết chống giặc ngoại xâm và khát vọng bảo vệ hòa bình của dân tộc Việt Nam. Trên hành trình phát triển của bộ môn nghệ thuật cải lương tuồng cổ tại TP Hồ Chí Minh, nhiều bài học lịch sử về công lao dựng nước, giữ nước, nhân sinh quan và phẩm chất tốt đẹp của những nhân vật lịch sử qua góc nhìn soi chiếu của con người hiện đại hôm nay vẫn còn nguyên giá trị” - đạo diễn Thanh Hiệp, Trưởng ban Lý luận Phê bình Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh nhận định. Bên cạnh mượn chuyện của tiền nhân để nhắc nhở hậu bối, những vở cải lương sử Việt còn là bài học lịch sử sống động, hấp dẫn với thế hệ trẻ.

Ý nghĩa là vậy nhưng nhìn vào thực tế sàn diễn hôm nay, những vở cải lương sử Việt dần vắng bóng, lép vế hoàn toàn trước sự áp đảo của cải lương tuồng cổ lấy tích truyện Tàu như “Loạn thế anh hùng”, “Ngọc Kỳ Lân”, “Bao Công sát thủ hoa hồng”, “Xử án Bàng Quý Phi”, “Mạnh Lệ Quân”... Năm 2024, tiếng vang của các vở sử Việt “Cô đào hát”, “Đêm trước ngày hoàng đạo” (Sân khấu Đại Việt); “Khúc tráng ca thành Gia Định” (Nhà hát Trần Hữu Trang); “Xuân về trên đất Thăng Long" (đoàn Đồng ấu Bạch Long); “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” (Sân khấu Sen Việt), “Thủy chiến” (Sân khấu Chí Linh - Vân Hà)… vẫn là đốm sáng le lói giữa đời sống nhộn nhịp của cải lương tuồng cổ.

Trái lại, ở các mùa liên hoan hay hội diễn, đề tài lịch sử nước nhà lại chiếm số lượng áp đảo vì dễ giật giải. Tại Liên hoan Sân khấu Cải lương toàn quốc năm 2024 xuất hiện ba vở sử Việt gồm “Người mang chín án tử”, “Tây Sơn nữ tướng” và “Truyền thuyết Cổ Loa xưa”. Soạn giả Phạm Văn Đằng ngậm ngùi: “Chúng ta chỉ có thể bắt gặp các vở diễn đề tài này trong các cuộc thi, hội diễn mà thôi. Chẳng hạn như các vở “Mai Hắc Đế” (Nhà hát Cải lương Việt Nam); “Trung thần” (Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh); “Chân dung người mở cõi” (Công ty Sự kiện và Giải trí We)… Sự thiếu hụt này đã tạo nên tình trạng mất cân đối về mặt thể tài, đặc biệt trong bối cảnh cải lương tuồng cổ xuất hiện với số lượng nhiều và tần suất dày đặc trên các sân khấu TP Hồ Chí Minh thời gian gần đây”.

Theo đạo diễn Thanh Hiệp, đầu tiên, sự khan hiếm của cải lương sử Việt đến từ bài toán doanh thu. Sàn diễn cải lương tuồng cổ rộ lên nhiều suất diễn, nhưng thực tế tuổi thọ của vở diễn cực ngắn, khó "trụ" đến suất thứ ba như nghệ sĩ Bình Tinh (Trưởng đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long) thừa nhận: “Đoàn chúng tôi khi dựng vở sử Việt thật sự là bán vé rất khó”.

Ðây là lý do mà các sân khấu xã hội hóa ngại chọn dựng mảng đề tài lịch sử khi mức đầu tư quá cao, mà doanh thu là áp lực lớn. So với cải lương tâm lý xã hội, mức vé của một vở cải lương tuồng cổ khá cao, khoảng 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng/vé. Với những vở có ngôi sao, giá vé chợ đen có khi đẩy lên 3 triệu đồng/vé. Mức giá này khiến khán giả ngần ngại bỏ tiền nhưng nếu hạ giá vé thì đoàn cầm chắc lỗ.

Cảnh trong vở "Nam quốc sơn hà".

Cảnh trong vở "Nam quốc sơn hà".

Cũng theo ông, sự thiếu hụt lực lượng sáng tác cũng là rảo cản lớn mà cải lương sử Việt gặp phải. Từ năm 1981, Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh tổ chức nhiều lớp tập huấn để các nghệ sĩ biểu diễn của hai gia tộc Minh Tơ, Huỳnh Long tham gia học tập. Nhờ vậy nổi lên các cây bút sâu sắc như Thanh Tòng, Bạch Mai, Bo Bo Hoàng, Bửu Truyện… Chính lực lượng này đã xông vào đời sống đương đại, tìm góc nhìn của thế hệ trẻ về các nhân vật lịch sử, từ đó đã cho ra đời nhiều kịch bản hay. Bây giờ, không có bồi dưỡng, không có chiến lược để đào tạo thì chả trách sao nghệ sĩ lại thờ ơ, bỏ mặc việc học nghề sáng tác và hệ lụy là sàn diễn tuồng cổ cứ ăn mòn những vở cũ, nghiêng hẳn về tuồng Tàu, chưa kể nguy hại hơn khi dựa theo phim Trung Quốc để sáng tác

Khai thác đề tài sử Việt không dễ và khó qua ải kiểm duyệt nên người làm nghề càng chùn chân. Để viết nên kịch bản cải lương sử Việt cần bám sát các sự kiện của nhân vật lịch sử, nhưng rồi đặc trưng của cải lương nói chung và tuồng cổ nói riêng đều phải có cặp đào kép chánh để ca diễn, để thể hiện tính trữ tình. Hư cấu một mối tình hoặc khai thác diễn biến tâm lý về sự mâu thuẫn, xung đột dẫn đến cao trào, sự hư cấu dễ bị hội đồng phúc khảo bắt bẻ. Nếu không biết cách cân đong liều lượng sẽ làm cho vở cải lương tuồng cổ bị khô cứng hay xuyên tạc, bóp méo chính sử.

Soạn giả Phạm Văn Đằng thừa nhận khâu kiểm duyệt dù đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn còn khá chi tiết, khắt khe. Điều này hạn chế tư duy sáng tạo của người viết, làm cho tác phẩm trở nên ít hấp dẫn hơn, từ đó khó thu hút người xem.

Theo các nhà chuyên môn, để kịch bản về lịch sử cha ông có thể tung hoành trên sàn diễn như dấu son của đoàn Minh Tơ và Huỳnh Long một thời, cần có sự tiếp sức của Nhà nước cho đội ngũ sáng tác, tạo đầu ra cho tác phẩm. Bởi nếu để các đơn vị cải lương tự lực cánh sinh (với sân khấu xã hội hóa) hay rót nguồn kinh phí khiêm tốn (với sân khấu công lập) thì vở khó có thể trụ rạp khi chi phí dàn dựng, phục trang, thuê mặt bằng luôn tăng cao.

Để khuyến khích đội ngũ tác giả, ngoài việc tăng mức thù lao, cần mở các lớp tập huấn, trại sáng tác. Nếu có chiến lược tập huấn sẽ giúp đội ngũ tác giả, đạo diễn cải lương tuồng cổ sáng tác bài bản hơn, được quyền hư cấu nhưng không vượt qua logic lịch sử. Bởi câu chuyện của người xưa chưa bao giờ thôi cuốn hút và mời gọi những người yêu nguồn cội khám phá với muôn lăng kính.

Mai Quỳnh Nga

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/cai-luong-su-viet-chi-nhon-nhip-dip-lien-hoan-i745393/
Zalo