Cái giá đắt đỏ của giảm cân 'tiện lợi'

'Đánh bay mỡ thừa, giảm cân cấp tốc' là những cụm từ quảng cáo quen thuộc của một số loại thuốc, trà, thực phẩm chức năng giảm cân. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo những sản phẩm này thiếu cơ sở khoa học, nguy cơ có chất cấm.

Tổn thương não vì giảm cân

Nhu cầu giảm cân nhanh chóng, dễ dàng khiến nhiều người tìm đến các sản phẩm như thuốc, trà hay thực phẩm chức năng với hy vọng loại bỏ mỡ thừa mà không cần thay đổi lối sống hay tập luyện. Tuy nhiên, không ít mặt hàng tiềm ẩn rủi ro nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng.

Tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), các bác sĩ thường xuyên tiếp nhận các ca cấp cứu liên quan đến thuốc giảm cân chứa chất cấm. Điển hình là trường hợp anh N.V.V (27 tuổi, Thanh Hóa), nhập viện trong tình trạng suy thận, rối loạn tri giác và tổn thương não, mờ mắt.

Theo người nhà, anh V. đã sử dụng sản phẩm giảm cân mua trên mạng. Kết quả xét nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm Quốc gia cho thấy sản phẩm này chứa sibutramine - chất bị cấm lưu hành do nguy cơ gây hại.

Tháng 3 vừa qua, một nữ bệnh nhân được đưa vào Trung tâm trong tình trạng bất tỉnh, không đáp ứng kích thích. Kết quả chụp não ghi nhận tổn thương vùng đồi thị hai bên do sử dụng thực phẩm chức năng giảm cân chứa sibutramine không rõ nguồn gốc mua qua TikTok.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết sản phẩm mà nữ bệnh nhân sử dụng có bao bì ghi chữ nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt, quảng cáo "giảm 7kg trong 7 ngày".

Sản phẩm giảm cân nữ bệnh nhân mua trên TikTok. Ảnh: BSCC.

Sản phẩm giảm cân nữ bệnh nhân mua trên TikTok. Ảnh: BSCC.

Kết quả xét nghiệm xác nhận sản phẩm chứa sibutramine - chất kích thích hệ thần kinh, làm tăng tiêu thụ năng lượng nhưng gây tổn hại nghiêm trọng đến tim mạch và não.

2 chất độc được trộn vào những viên giảm cân

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ, cựu nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu ung thư quốc gia City of Hope (Mỹ), vấn nạn sản phẩm giảm cân chứa chất cấm không phải mới mà đã kéo dài nhiều năm. Người bán hàng đánh vào tâm lý muốn giảm cân nhanh chóng mà không cần ăn kiêng hay tập luyện.

Những lời quảng cáo hấp dẫn như “giảm 1-4kg trong 14 ngày”, “không gây mệt mỏi” hay “không cần tập thể dục” khiến nhiều người dễ dàng tin tưởng. Tuy nhiên, các sản phẩm như trà giảm cân, bột giảm cân hay viên uống thường bị “lén trộn” các chất nguy hiểm như sibutramine và phenolphthalein.

Sibutramine từng được sử dụng trong điều trị béo phì nhưng đã bị cấm lưu hành từ tháng 10/2010 do nguy cơ gây tăng huyết áp, nhịp tim, đột quỵ và các vấn đề tim mạch, đặc biệt ở những người có tiền sử bệnh lý. Chất này còn có thể tương tác với các loại thuốc khác, dẫn đến nguy cơ tử vong.

Phenolphthalein được dùng trong thuốc trị táo bón, cũng bị Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấm từ năm 1999 do nghi ngờ gây ung thư. Theo FDA, hiện không có loại thuốc nào tại Mỹ sử dụng phenolphthalein trong thành phần hoạt tính.

Một ví dụ nổi bật là sản phẩm “Trà giảm cân thảo dược Golean Detox” bị phát hiện chứa sibutramine và phenolphthalein vào năm 2019. Những sản phẩm này thường được quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội, tận dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng để trục lợi.

Tiến sĩ Vũ nhấn mạnh: “Chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh thực phẩm chức năng hay trà giảm cân có thể giúp giảm cân an toàn mà không cần kết hợp chế độ ăn kiêng và tập luyện. Giảm cân là một quá trình đòi hỏi thời gian, kiên trì và lối sống lành mạnh".

Phương Thúy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cai-gia-dat-do-cua-giam-can-tien-loi-2403749.html
Zalo