Cài đặt, sử dụng chữ ký số: Vì lợi ích quốc gia và chính mình

Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đang tích cực triển khai chữ ký số cá nhân và đã đạt được những kết quả nhất định. Điều này phục vụ tích cực trong thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia cũng như nhu cầu của tổ chức, cá nhân trong thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Tuy nhiên, một bộ phận người dân chưa thấy hết được mục đích, ý nghĩa và tác dụng của chữ ký số. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn ông Đào Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ.

Ông Đào Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ, trao đổi về giải pháp chuyển đổi số.

Ông Đào Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ, trao đổi về giải pháp chuyển đổi số.

P.V: Thưa ông, chữ ký số cá nhân đóng vai trò như thế nào trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, nhất là trong việc thúc đẩy các giao dịch trực tuyến và dịch vụ công trực tuyến?

Ông Đào Ngọc Tuất: Quá trình chuyển đổi đang diễn ra mạnh mẽ trên mọi mặt của đời sống xã hội. Quyết định số 749/QĐ-TTg về chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Nghị quyết số 01-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đã cụ thể các mục tiêu về chuyển đổi số, trong đó lấy người dân là trung tâm, khuyến khích người dân số hóa mọi hoạt động cá nhân. Do đó, việc phát triển chữ ký số (CKS) cho cá nhân sẽ góp phần gỡ bỏ nút thắt quan trọng cuối cùng trong việc số hóa nền kinh tế.

Trong bối cảnh thúc đẩy xây dựng Chính phủ số, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số và xã hội số, việc sử dụng CKS trong các giao dịch điện tử, dịch vụ công trực tuyến hay các thủ tục hành chính liên thông... đã được xác định là một giải pháp quan trọng và mang lại rất nhiều tiện ích cho người dân cũng như doanh nghiệp.

CKS được hiểu đơn giản là một dạng chữ ký điện tử được tạo ra bởi công nghệ mã hóa công khai. Đối với cá nhân, CKS được xem như chữ ký của mỗi cá nhân được dùng với mục đích xác thực danh tính người sử dụng. Việc sử dụng CKS có ý nghĩa quan trọng, giúp cho người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công và thủ tục hành chính được nhanh chóng, thuận tiện hơn. Đồng thời đảm bảo tính pháp lý trong giao dịch dịch vụ công trực tuyến và các giao dịch khác như: Giao dịch tài chính, kê khai thuế, ký kết hợp đồng... một cách dễ dàng trên môi trường điện tử được pháp luật công nhận, từ đó sớm hoàn thiện các điều kiện hình thành công dân số trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ xã Phú Tiến (Định Hóa) hướng dẫn cài đặt và sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh tại cơ sở.

Cán bộ xã Phú Tiến (Định Hóa) hướng dẫn cài đặt và sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh tại cơ sở.

P.V: Việc sử dụng rộng rãi CKS cá nhân sẽ mang lại những lợi ích cụ thể gì cho người dân và doanh nghiệp trong giao dịch điện tử, thưa ông?

Ông Đào Ngọc Tuất: Hiện nay, CKS mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trong việc xác định tính pháp lý khi tham gia các hoạt động, giao dịch trên môi trường điện tử, là điều kiện không thể thiếu để hướng tới chuyển đổi số, Chính phủ số. Lợi ích thiết thực đầu tiên là tiết kiệm thời gian, chi phí. Người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện các giao dịch nhanh chóng mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước hay đối tác, các thủ tục hành chính có thể được xử lý nhanh chóng trên môi trường mạng, giảm thiểu thời gian chờ đợi.

Bên cạnh đó, sử dụng CKS cũng giúp các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tiết kiệm chi phí tối ưu cho việc in ấn văn bản giấy. Với các giao dịch ở ngoại tỉnh hay nước ngoài, việc sử dụng CKS cũng giúp tiết kiệm khoản chi phí đáng kể đối với việc đi lại, lưu trú,…

Lợi ích tiếp theo là việc sử dụng CKS giúp bảo vệ thông tin cá nhân và dữ liệu nhạy cảm trong các giao dịch điện tử, giảm thiểu nguy cơ bị lừa đảo hoặc rò rỉ thông tin. Bên cạnh đó, dữ liệu được ký số không thể bị thay đổi mà không bị phát hiện, đảm bảo tính toàn vẹn của thông tin. Vì vậy, sử dụng CKS đảm bảo độ an toàn, chính xác và bảo mật cao đối với các giao dịch. Từ đó, nó tạo được niềm tin trong giao dịch.

Sử dụng CKS còn thúc đẩy thương mại điện tử. Việc áp dụng CKS giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường. Doanh nghiệp có thể tiếp cận khách hàng trên toàn quốc và quốc tế một cách dễ dàng hơn, từ đó mở rộng thị trường và tăng doanh thu.

Cán bộ Công an thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeID tích hợp chữ ký số và các ứng dụng tiện ích khác cho người dân.

Cán bộ Công an thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeID tích hợp chữ ký số và các ứng dụng tiện ích khác cho người dân.

P.V: Việc sử dụng CKS có đảm bảo tính pháp lý và an toàn cho các giao dịch điện tử, thưa ông?

Ông Đào Ngọc Tuất: Việc sử dụng CKS đảm bảo tính pháp lý và an toàn cho các giao dịch điện tử. CKS đã được công nhận về mặt pháp lý tại nhiều quốc gia, bao gồm Việt Nam. Theo Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành, CKS có giá trị pháp lý tương đương với chữ ký tay. Bên cạnh đó, CKS được cấp bởi các tổ chức chứng thực CKS (CA) cấp phép, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về giao dịch điện tử.

CKS sử dụng công nghệ mã hóa khóa công khai (PKI) để bảo vệ thông tin, mỗi CKS được tạo ra dựa trên một cặp khóa (khóa công khai và khóa bí mật), đảm bảo rằng chỉ người sở hữu khóa bí mật mới có thể tạo ra chữ ký. CKS giúp xác thực danh tính của người ký, đảm bảo rằng giao dịch được thực hiện bởi đúng người có thẩm quyền.

P.V: Việc triển khai và phổ biến CKS cá nhân trên địa bàn tỉnh gặp những khó khăn gì và đã đạt được những kết quả ra sao, mục tiêu trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Ông Đào Ngọc Tuất: Trong quá trình triển khai cài đặt, tích hợp Sổ sức khỏe điện tử, CKS công cộng trên ứng dụng VNeID còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: một bộ phận người dân chưa có điện thoại thông minh hoặc điện thoại cấu hình thấp không cài đặt được ứng dụng; không đem theo điện thoại khi đi khám bệnh; một số người chưa hợp tác cài đặt ứng dụng mặc dù đã được tuyên truyền với lý do mất thời gian, nhiều người cao tuổi “ngại” tiếp cận với công nghệ…

Mặc dù trong quá trình triển khai gặp phải một số khó khăn, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, các tổ công nghệ cộng đồng nỗ lực “đi từng ngõ, gõ từng nhà” đến nay, việc cài đặt CKS trong cộng đồng đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Mục tiêu đưa ra tại Kế hoạch số 03/KH-TCTTKĐA ngày 07/01/2025 của Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh thực hiện đợt cao điểm triển khai nhiệm vụ của Đề án 06/CP phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh là có 50% dân số trưởng thành được cài đặt CKS công cộng trong I/2025.

Kết quả, toàn tỉnh đã cấp được 453.825 CKS công cộng, vượt 5,81% so với chỉ tiêu. Đây là cơ sở, động lực để Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến toàn dân hiểu về lợi ích, ý nghĩa, cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeID và CKS trong thời gian tới.

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Hoàng Anh (Thực hiện)

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/nghi-quyet-57/202504/cai-dat-su-dung-chu-ky-so-vi-loi-ich-quoc-gia-va-chinh-minh-3583089/
Zalo