Cái chết của tình yêu
Tôi gặp Jean Charvin trong chuyến thăm trại cùng với sĩ quan chỉ huy. Jean dáng người dong dỏng cao, khuôn mặt tuấn tú với những đường nét góc cạnh.
- Anh ta ở đây vì tội gì? - Tôi hỏi.
- Anh ta giết vợ, nhưng chỉ bị sáu năm thôi.
Tôi gặp Jean thêm hai lần trong thời gian ở nhà tù St. Laurent. Anh kể tôi nghe chuyện của mình và giờ tôi sẽ thuật lại bằng lời của tôi.
Jean Charvin được sinh ra ở cảng biển Le Harve. Sau khi học xong, anh thực hiện nghĩa vụ quân sự và đi tìm việc. Năng khiếu tính toán dễ dàng giúp anh kiếm được vị trí kế toán của một hãng xuất khẩu lớn. Tương lai của anh vậy là được đảm bảo. Anh có nguồn thu nhập đủ để sống trong sự sung túc và phù hợp với giai cấp của mình. Suốt thời niên thiếu, anh bầu bạn với Henri Renard.
Jean và Henri không bao giờ cãi vã và dính nhau như sam. Khi bắt đầu tìm việc, họ quyết định sẽ vào cùng một công ty. Nhưng dù Jean đã cố giúp Henri tìm việc trong hãng xuất khẩu mình đang làm nhưng không có kết quả. Henri là một thanh niên vô tư lự, anh ta tận hưởng sự nhàn rỗi của mình bằng những cuộc nhảy đầm. Nhờ vậy mà quen được một cô gái vừa chuyển đến Le Harve. Marie Louise khi đó mười tám tuổi, ở cô có sức hấp dẫn khiến cho cả Henri và Jean mê mẩn.
Henri lúc ấy sống nhờ vào đồng lương của cha, chắc chắn không được mẹ của Marie Louise chấp nhận. Nhưng với quỹ thời gian dư giả, anh có thể gặp gỡ Marie thường xuyên hơn Jean.
Marie biết Henri và Jean yêu mình. Cô thích cả hai, nhưng giấu nhẹm tình cảm bởi lẽ Marie không biết bản thân thích ai hơn. Chỉ duy nhất một điều cô biết rõ, Henri không có điều kiện cưới mình.
Jean không hề giữ bí mật việc anh yêu Marie, nhưng Henri đã gặp cô trước nên giữa họ hiểu ngầm với nhau rằng Jean không nên ngáng đường. Cuối cùng Marie cũng đưa ra lựa chọn. Một ngày nọ, Henri chờ Jean tan làm và bảo rằng Marie đã đồng ý lấy mình. Ngay khi tìm được việc, cha Henri sẽ đến gặp mẹ cô và chính thức ngỏ lời.
Jean bị sốc nặng, anh khó có thể tỏ ra vui mừng trước những kế hoạch mà bạn mình đang hăm hở vạch ra cho tương lai. Nhưng anh quá thân với Henri nên không thể cay cú với bạn, anh cũng không thể trách Marie.
Thế nhưng Henri không tìm được việc. Cha anh đã quá mệt mỏi nên đành phải viết thư gửi tới khắp nơi để xin việc cho Henri. Cuối cùng ông nhận được thư từ người họ hàng đang tìm một người làm ở Phnom Penh nhằm thu mua lụa bản địa. Nếu Henri chấp nhận thì người này sẽ giúp anh.
Cha mẹ của Henri không thích để anh đi xa, nhưng cũng không còn cách nào khác. Anh cũng không thấy miễn cưỡng gì vì nghĩ rằng Marie sẽ đi theo mình. Nhưng anh đã lầm, cô không thể bỏ mặc mẹ già, bà đang rất yếu và sau khi định cư yên ổn, cô không muốn rời bỏ tới vùng đất mới. Henri đành phải đi một mình vì cha không cho phép anh từ chối công việc khó khăn lắm mới tìm được. Không còn Henri ngáng đường, Jean tự tin với địa vị của mình, thì chỉ một thời gian nữa Marie sẽ trở thành vợ của anh. Đột nhiên mọi hy vọng của Jean tan tành. Công ty vận chuyển nơi anh làm việc có một vị trí bỏ trống và Henri đã nhanh chóng gửi đơn. Một người đồng nghiệp bảo Jean rằng Henri sẽ sớm được nhận. Jean Charvin rơi vào tuyệt vọng. Rồi một ngày nọ, Giám đốc công ty cho gọi anh đến.
Kể đến đây, Jean ngừng lại, trong mắt anh hiện lên vẻ cắn rứt.
“Đó là điều ô nhục duy nhất tôi làm trong đời. Tôi không biết Giám đốc muốn gì nơi mình. Ông ta nhìn tôi đầy dò xét.
- Anh đã làm ở đây khá lâu nên tôi rất tin tưởng và muốn hỏi anh một chuyện hệ trọng. Tôi rất cẩn trọng về tư cách của nhân viên và trong trường hợp này lại càng không thể phạm sai lầm. Một phần trong công việc của Henri sẽ là trả lương cho thủy thủ của hãng. Vì biết Henri Renard là bạn tốt của anh nên tôi muốn anh dùng danh dự cho tôi biết liệu có đúng đắn khi thuê anh ta hay không?
Tôi hiểu ngay câu hỏi có ý gì. Nếu Henri được nhận thì cậu ấy sẽ ở lại và cưới Marie. Cái miệng tôi lúc đó như bị ma quỷ điều khiển.
- Ngài giám đốc, Henri và tôi là bạn từ nhỏ. Ông đang yêu cầu tôi phản bội bạn mình. Tôi không thể và sẽ không trả lời câu hỏi đó.
Giám đốc ném cho tôi một nụ cười ẩn ý.
- Câu trả lời của anh rất đáng khen, nó đã cho tôi đáp án rồi. Đôi khi ta buộc phải lựa chọn giữa trung thực và tình cảm. Dù đó là một lựa chọn chua chát nhưng ta không được do dự. Tôi sẽ không quên thái độ của anh trong trường hợp này.
Henri nhận được thư báo rằng cậu ấy không được nhận. Một tháng sau, cậu ấy lên tàu đi về phương Đông xa xôi”.
Sáu tháng sau, Jean Charvin và Marie Louise kết hôn. Hôn sự bị đẩy nhanh vì bệnh tình mẹ Marie ngày càng nghiêm trọng. Biết mình không thể sống lâu, bà rất nóng lòng muốn thấy con gái yên bề gia thất. Jean viết thư cho Henri báo tin và Henri chân thành chúc mừng anh. Jean tự nhủ với bản tính sớm nắng chiều mưa vốn có thì Henri chẳng mấy chốc sẽ quên Marie thôi.
Trong năm đầu tiên, Jean và Marie sống hạnh phúc. Cô nội trợ giỏi và biết chiều ý chồng. Trước khi cưới, Jean nghĩ sự quyến rũ của cô nằm ở tính cách dè dặt và nghiêm nghị, nhưng theo thời gian, Jean cảm thấy cô thật tẻ nhạt. Một suy nghĩ nảy ra trong đầu, có lẽ anh không nên làm trò dơ bẩn để có được cô.
Rồi một việc khủng khiếp xảy ra. Henri trúng thương hàn và qua đời. Đó là cú sốc lớn nhất đời của cả Jean và Marie. Cô thăm viếng, chia buồn với cha mẹ của Henri rất phải phép nhưng không hề ăn uống ít ngon lành hơn chút nào. Jean cáu tiết trước sự điềm tĩnh của cô.
Jean có cảm giác như mình đã giết bạn, nếu lúc đó anh nói khác đi với ông giám đốc thì giờ Henri vẫn còn sống. Anh khóc thương Henri. Marie an ủi: “Anh không nên đau buồn quá làm gì. Vì rồi anh cũng không gặp Henri trong nhiều năm, thời gian thay đổi con người, Henri sẽ như một người xa lạ với anh mà thôi”.
Anh biết Marie đang nghĩ gì. Nếu đi theo Henri và trở thành góa phụ ở tuổi 21 thì cô sẽ ra sao? Cô may mắn thoát nạn và vui mừng với quyết định đúng đắn của bản thân.
Jean bị giày vò trong ân hận. Anh đau đớn đến mức đã có lúc muốn đi thú tội với Marie. Nhưng anh biết phản ứng của cô. Cô sẽ không sốc mà cho rằng đó là một nước đi thông minh, thậm chí còn đắc ý vì cô mà anh đã làm vậy. Chính cô là nguyên nhân khiến anh làm ra chuyện đáng hổ thẹn ấy. Và cô là gì chứ? Một người đàn bà tầm thường!
Nhưng đương nhiên Jean không thể trách cô vì việc anh phản bội bạn bè. Anh buộc mình phải ngọt ngào, dịu dàng và yêu thương cô. Anh tự nhủ rằng dù sao cô cũng là một người vợ đảm và ngoại hình của cô đã giúp anh nở mày nở mặt. Tất cả là thật, nhưng cô vẫn là nguyên nhân gián tiếp giết chết Henri. Cô làm anh phát ngán làm đôi lúc anh muốn giết cô. Và chuyện đó xảy ra mười tháng sau cái chết của Henri.
Cha mẹ Henri, ông bà Renard đã tổ chức bữa tiệc mừng lễ đính hôn con gái. Jean hiếm khi gặp họ từ lúc Henri chết và anh không muốn đi. Nhưng Marie bảo nhất định phải tới, bởi lẽ anh đã từng là bạn thân nhất của Henri, thêm nữa sẽ vô cùng thất lễ nếu không tham dự một dịp quan trọng như vậy.
Đến bữa tiệc, Jean đau đớn khi thấy gia đình dùng phòng cũ của Henri làm chỗ để áo cho khách. Jean nốc một lượng lớn sâm panh để nhấn chìm nỗi ân hận đang giày vò mình. Anh muốn dập tắt tiếng cười của Henri luôn luẩn quẩn trong tâm trí. Khi hai vợ chồng về nhà thì đã ba giờ sáng, Jean nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
Phần còn lại của câu chuyện được kể bằng lời của Jean Charvin.
“Khi tỉnh dậy thì tôi thấy Marie đang ngồi ở bàn trang điểm chải tóc. Tôi có thói quen tập thể dục mỗi buổi sáng, dù sáng hôm đó không có hứng lắm, nhưng vì số rượu đã uống tối qua tôi cảm thấy nên tập một chút. Tôi ra khỏi giường và nhấc tạ cầm tay để tập như thường lệ. Phòng ngủ khá rộng nên có đủ chỗ để tập giữa giường và bàn trang điểm.
Nhìn dáng lưng Marie, tôi thấy đến phát tởm, những nhúm tóc lởm chởm trên cổ cô ấy khiến tôi buồn nôn. Marie đặt lược xuống, dặm phấn rồi đột nhiên phát ra một tiếng cười nhỏ xấu xí.
- Em cười gì vậy? - Tôi hỏi.
- Bà Renard mặc lại chiếc đầm ở đám cưới của chúng mình. Dù đã nhuộm màu và sửa lại nhưng tất nhiên đâu thể qua mắt được em. Em nhìn một cái là biết ngay!
Đó là lời nói ngu si đến mức khiến tôi tức điên lên. Tôi bị nhấn chìm trong cơn cuồng nộ và bằng hết sức bình sinh, tôi nện tạ vào đầu cô ấy.
Tôi bị xử tội giết người. Tôi biện hộ rằng đó chỉ là một tai nạn khi quả tạ không may bị tuột khỏi tay, nhưng bên công tố phản bác lại rằng vết thương của Marie Louise chỉ có thể gây ra bởi một cú đánh tàn bạo có chủ ý. May cho tôi là họ không tìm ra động cơ gì. Các nhân chứng đều nói rằng tôi vẫn luôn ân cần với Marie Louise. Dẫu sao chúng tôi cũng được coi là một cặp vợ chồng hạnh phúc. Lý lịch của tôi sạch sẽ và ông giám đốc dùng những lời lẽ tốt đẹp nhất để nói về tôi. Sau cùng thì tôi bị kết án sáu năm. Tôi không hối hận về việc đã làm, vì từ cái ngày đó tôi đã có thể ngừng lo lắng về Henri và lương tâm cũng được nghỉ ngơi. Sau tất cả sự giày vò phải chịu đựng giờ thì tôi có thể đối mặt với cuộc đời lần nữa”.
Tôi không biết liệu Jean Charvin có kể sự thật hay không, thế nhưng những lời anh ta nói nghe rất thuyết phục. Nói thật thì nếu không do chính tai mình nghe, tôi không chắc đã tin vào câu chuyện này.