Cải cách tư pháp 2024 ở Mexico: Quốc gia đầu tiên thẩm phán do dân bầu
Sắc lệnh cải cách tư pháp nhằm mục đích chuyển đổi hệ thống tư pháp từ hệ thống bổ nhiệm, chủ yếu tập trung vào thâm niên làm việc, kinh nghiệm và trình độ chuyên môn, sang hệ thống bầu cử, đưa Mexico trở thành quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới có toàn bộ thẩm phán do dân bầu.
Các thẩm phán được bầu trực tiếp
Theo văn bản mới ban hành, tất cả các thẩm phán, cả liên bang và tiểu bang, từ cấp thấp nhất đến Tòa án Tối cao sẽ do cử tri bầu trực tiếp. Cụ thể, các cuộc bầu cử thẩm phán Tòa án Tối cao, Tòa án Bầu cử và Tòa án Kỷ luật tư pháp diễn ra trên toàn quốc. Trong khi đối với các vị trí khác, cuộc bầu cử sẽ diễn ra ở cấp địa phương.
Tất cả các thẩm phán, ngoại trừ thành viên Tòa án Tối cao, sẽ được bầu với nhiệm kỳ 9 năm, với khả năng được bầu lại một lần liên tiếp. Còn các thẩm phán Tòa án Tối cao sẽ được bầu với nhiệm kỳ 12 năm (trước kia là 15 năm). Các cuộc bầu cử tư pháp sẽ do Viện Bầu cử Quốc gia (INE) giám sát.
Trước cải cách, các vị trí thẩm phán ở Mexico được bổ nhiệm thông qua một hệ thống tuyển chọn dựa trên kỳ thi, cơ hội bình đẳng và thành tích của những cá nhân muốn tham gia vào sự nghiệp tư pháp. Các thẩm phán cấp thấp thăng tiến lên các vị trí ở tòa án cấp cao hơn thông qua các đợt đánh giá định kỳ, giống như những kỳ thi nâng ngạch. Đối với vị trí thẩm phán của Tòa án Tối cao, Thượng viện sẽ lựa chọn các thành viên từ danh sách rút gọn do Tổng thống đề xuất.
Tiêu chuẩn đối với ứng cử viên
Tiêu chuẩn đầu tiên để một cá nhân có thể ứng cử vào vị trí tư pháp phải là công dân Mexico khi sinh ra.
Các biện pháp cải cách cũng hạ bớt các tiêu chuẩn để trở thành thẩm phán. Theo đó, ứng cử viên chỉ cần có bằng luật và tối thiểu 5 năm kinh nghiệm để ứng cử vào tất cả vị trí thẩm phán cấp dưới. Riêng vị trí tại Tòa án Tối cao yêu cầu 10 năm kinh nghiệm.
Các biện pháp cải cách cũng sẽ hủy bỏ các kỳ thi chuyên môn hiện đang được áp dụng để đánh giá các vị trí ứng tuyển. Thay vào đó, các ứng cử viên chỉ cần có bằng luật với điểm trung bình là 8 và thư giới thiệu. Cụ thể, các ứng viên phải cung cấp 5 lá thư từ hàng xóm, đồng nghiệp hoặc những người khác, khẳng định họ phù hợp với vai trò này. Các ứng viên cũng được yêu cầu nộp một đơn xin việc giống như một bài luận dài 3 trang, trong đó họ giải thích lý do cho việc ứng tuyển của mình.
Để tránh xung đột lợi ích, quy định mới cũng yêu cầu các ứng cử viên không được giữ các vị trí như thành viên nội các liên bang, tổng chưởng lý, tổng thống, phó liên bang, thượng nghị sĩ hoặc thống đốc trong năm trước khi ứng cử bầu cử.
Bao nhiêu vị trí sẽ được bầu lại?
Tổng cộng có gần 7.000 vị trí sẽ phải ra tranh cử. Cuộc bầu cử đặc biệt để bầu ra các thẩm phán mới của Tòa án Tối cao và khoảng một nửa số thẩm phán, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6.2025. Một nửa vị trí còn lại sẽ được tiến hành trùng với cuộc tổng tuyển cử toàn quốc năm 2027. Tuy nhiên, nhiều chi tiết về cách tổ chức bỏ phiếu vẫn chưa rõ ràng.
Khi những cải cách này diễn ra, các thẩm phán hiện tại – khoảng 7.000 người – sẽ mất chức nhưng họ có cơ hội ứng cử vào chính những vị trí đang nắm giữ. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng sẽ có rất nhiều gương mặt mới, có thể chưa từng làm việc ở những vị trí tương tự có thể trúng cử.
Những ý kiến trái chiều
Các chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng, cuộc cải cách tư pháp ở Mexico chưa giải quyết được các vấn đề cơ bản trong cơ cấu và đội ngũ công tố viên hiện tại, những người thường thiếu đào tạo đầy đủ và thường xuyên quá tải vì khối lượng công việc. Trong khi đó, hình thức bầu chọn thẩm phán vẫn chưa rõ ràng và tiềm ẩn nhiều thách thức.
Liệu cử tri có dành thời gian để nghiên cứu và xem xét sơ yếu lý lịch của hàng trăm ứng cử viên tương đối vô danh để có thể đưa ra lựa chọn hợp lý không? Ai sẽ tài trợ cho các chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên? Mỗi lá phiếu sẽ có bao nhiêu ứng cử viên? Các chuyên gia cho rằng, đây đều là những câu hỏi chưa có lời giải đáp và chưa có quy định cụ thể.
Các chuyên gia cũng lo ngại quy trình mới này có thể dẫn đến tình trạng can thiệp vào quá trình bầu cử và nguy cơ gây ảnh hưởng của các tổ chức mafia lớn để đưa người vào hệ thống tư pháp quốc gia.
Ông Adriana Delgado, Giám đốc Azteca Opinion tại TV Azteca, một tập đoàn đa phương tiện của Mexico, chia sẻ với đài Al Jazeera rằng: “Cuộc cải cách tư pháp bị ảnh hưởng bởi các cuộc tranh luận chính trị hơn là giải pháp kỹ thuật thực sự. Cuộc cải cách chỉ thay đổi cách bầu thẩm phán và quan tòa bằng hình thức bỏ phiếu phổ thông, điều này làm dấy lên lo ngại về nguy cơ các tổ chức tội phạm có thể xâm nhập hoặc các nhóm lợi ích chính trị và kinh tế có thể gây ảnh hưởng trong quá trình vận động tranh cử”.
Theo luật sư Ramos Sobarzo, Giám đốc Trung tâm Điều tra và thông tin pháp lý thuộc Đại học Luật Mexico, những cải cách này đặt hệ thống tư pháp vào một tình thế khó khăn. Đối với Tòa án Tối cao, “chúng tôi rất lo ngại vì quy định này có thể làm suy yếu tính độc lập của tư pháp theo nhiều cách vì nó làm xói mòn phần lớn tính độc lập của ngành tư pháp”.