Chuyện cũ chưa qua, chuyện mới đã tới

Sau lần đầu tiên năm ngoái, năm nay, Ả Rập Saudi tiếp tục mời các quốc gia Ả Rập và Hồi giáo trên thế giới tham dự một cuộc gặp cấp cao tổ chức ở thủ đô Riyadh

Tổ chức sự kiện này là thành công ngoại giao rất quan trọng của Ả Rập Saudi, giúp vương triều này gia tăng vị thế trong quan hệ với Mỹ và ảnh hưởng trong thế giới Ả Rập cũng như thế giới Hồi giáo.

Sự trở lại cầm quyền tới đây của ông Donald Trump tại Mỹ báo hiệu nhiều điều bất lành hơn tốt lành về chính trị, an ninh và ổn định ở khu vực này.

Đối với các quốc gia Ả Rập và Hồi giáo ở đó, chuyện cũ là xung đột giữa Israel và nhóm vũ trang Hamas ở Dải Gaza, giữa Israel với phong trào Hezbollah ở Lebanon và xung khắc giữa Israel với Iran vẫn dai dẳng đầy bất định.

Giờ đây, tình hình thêm khó lường với việc ông Trump sắp trở lại Nhà Trắng. Tổng thống đắc cử Mỹ coi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thân thiết như thủ túc, sẽ lại hậu thuẫn Israel bằng mọi giá và gần như vô điều kiện trong tất cả việc ông Netanyahu đang và sẽ còn làm trong các cuộc xung đột liên quan ở khu vực.

Hội nghị thượng đỉnh Ả Rập và Hồi giáo tổ chức ở thủ đô Riyadh của Ả Rập Saudi hôm 11-11. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Hội nghị thượng đỉnh Ả Rập và Hồi giáo tổ chức ở thủ đô Riyadh của Ả Rập Saudi hôm 11-11. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Ở cuộc gặp năm ngoái, các quốc gia Ả Rập và Hồi giáo tập trung trước hết vào việc thống nhất quan điểm và phối hợp hành động nhằm thúc đẩy giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc xung đột Israel - Hamas theo hướng "giải pháp hai nhà nước", có nghĩa là thành lập nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền và lãnh thổ cùng tồn tại hòa hình với nhà nước Israel.

Năm nay, các bên dự họp phải bàn thảo cách thức ứng phó ông Trump, người vốn không thiện chí với Palestine và đối địch Iran quyết liệt nên chắc chắn sẽ khích lệ và hậu thuẫn ông Netanyahu thực hiện bằng được những gì đang theo đuổi trong các cuộc đối đầu tại khu vực.

Nhưng đồng thời, ông Trump chắc chắn sẽ còn tìm mọi cách để thuyết phục, thôi thúc và ép buộc các quốc gia Ả Rập và Hồi giáo ở Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh bình thường hóa quan hệ với Israel, qua đó phân rẽ nội bộ khối các nước này cũng như chia rẽ các quốc gia này với Palestine.

Kết quả cuộc gặp nói trên được thể hiện cụ thể trong bản tuyên bố chung công bố sau đó. Những nội dung trong đó cho thấy chính những gì đang diễn ra ở khu vực và viễn cảnh gần về sự trở lại cầm quyền của ông Trump ở nước Mỹ đã làm các nước Ả Rập và Hồi giáo phải và đã xích lại gần nhau hơn.

Cụ thể, các nước khẳng định rất mạnh mẽ và rõ ràng sự ủng hộ dành cho Palestine, cho việc thành lập nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền và lãnh thổ ở phạm vi ranh giới trước cuộc chiến tranh ở Trung Đông hồi năm 1967, yêu cầu Israel không chỉ chấm dứt xung đột hiện nay mà còn phải chấm dứt cả sự chiếm đóng trái phép những vùng lãnh thổ - được thực hiện thông qua các cuộc chiến đã tiến hành cho đến nay ở khu vực này.

Cũng có thể hiểu theo cách khác, là các bên tham dự hội nghị đã phòng ngừa ông Trump lại sử dụng cách "đánh lẻ, đánh tỉa" như đã từng áp dụng ở nhiệm kỳ đầu tiên để chia rẽ nội bộ khối các quốc gia Ả Rập và Hồi giáo. Chuyện cũ chưa qua đã lại sắp có thêm chuyện mới khiến cả khu vực lớn này chưa thể yên bình trong thời gian tới.

Ngải Sa

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chuyen-cu-chua-qua-chuyen-moi-da-toi-196241116210556455.htm
Zalo