Cải cách thể chế và phát triển xanh - chìa khóa để Việt Nam đạt thu nhập cao
Theo hai báo cáo mới được công bố ngày 22/5/2025 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hoàn toàn có thể hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 nếu kiên định theo đuổi hai động lực chiến lược: cải cách thể chế sâu rộng và chuyển đổi phát triển xanh.
Trong bối cảnh thế giới đang đứng trước nhiều thách thức, từ suy thoái tăng trưởng đến biến đổi khí hậu, những khuyến nghị từ hai báo cáo “Việt Nam 2045 - Đột phá: Thể chế cho một Tương lai Thu nhập cao” và “Việt Nam 2045 - Tăng trưởng Xanh hơn: Con đường Hướng tới Tương lai Bền vững” chính là lời nhắc nhở mạnh mẽ về những quyết định chính sách cấp bách mà Việt Nam cần thực hiện trong giai đoạn tới.
Báo cáo “Việt Nam 2045 - Đột phá: Thể chế cho một Tương lai Thu nhập cao” nhận định rằng, để duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức cao để đạt mục tiêu đề ra, Việt Nam cần củng cố hệ thống pháp luật và môi trường pháp lý, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư công cả về quy mô và chất lượng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia vượt qua bẫy thu nhập trung bình và vươn lên vị thế thu nhập cao đều nhờ liên tục cải thiện chất lượng thể chế.
Bà Mariam J. Sherman - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia và Lào - nhấn mạnh: “Quá trình hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 đã cho thấy rõ vai trò quan trọng của thể chế trong việc đảm bảo tăng trưởng bền vững. Những nỗ lực cải cách gần đây thể hiện quyết tâm của Việt Nam, song để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần thực hiện những cải cách quyết liệt hơn nữa - ‘một cú hích thể chế mang tính đột phá’ - nhằm phát huy tối đa tiềm năng của khu vực tư nhân trong thúc đẩy tăng trưởng và tạo ra việc làm chất lượng cho người dân”.

Bà Mariam J. Sherman
Báo cáo nhấn mạnh, một số cải cách sẽ có ý nghĩa quyết định đối với giai đoạn phát triển tiếp theo của Việt Nam. Đầu tư công cần được quản lý hiệu quả hơn, từ khâu lựa chọn dự án, triển khai đến giám sát thực hiện. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện khung pháp lý và quy định sẽ giúp môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định và dễ dự đoán hơn. Quản trị địa phương cũng cần được nâng cao thông qua việc trao quyền tự chủ, tăng trách nhiệm giải trình và phối hợp tốt hơn giữa các tỉnh, thành. Để trở thành quốc gia thu nhập cao, Việt Nam cũng cần xây dựng một bộ máy công vụ hiệu quả và có trách nhiệm giải trình với quy mô hợp lý, chế độ đãi ngộ tốt hơn và được hậu thuẫn bởi các thể chế bảo đảm quy trình tố tụng hợp pháp, tính minh bạch và cơ chế giám sát độc lập.
Tuy nhiên, động lực thể chế sẽ không đủ nếu thiếu đi sự chuyển mình về mô hình phát triển. Trong báo cáo thứ hai, Ngân hàng Thế giới đặt trọng tâm vào con đường tăng trưởng xanh không chỉ để bảo vệ môi trường, mà còn là yếu tố sống còn bảo đảm năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của nền kinh tế Việt Nam.
Báo cáo nhấn mạnh rằng, đầu tư vào thích ứng khí hậu sẽ giúp giảm thiểu tác động của các cú sốc khí hậu đối với khu vực nông nghiệp, doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Dự báo cho thấy, với kịch bản mực nước biển dâng từ 75 đến 100 cm, gần một nửa diện tích Đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa, trái cây và thủy sản của cả nước - có thể bị ngập vào giữa thế kỷ này. Các ngành xuất khẩu chủ lực như may mặc, điện tử cũng đang đối mặt với rủi ro do nhiệt độ tăng cao, khiến 1,3 triệu lao động bị đặt vào tình trạng dễ tổn thương.
Nếu không có các biện pháp thích ứng phù hợp, tác động của biến đổi khí hậu có thể làm giảm 12,5% sản lượng kinh tế vào năm 2050. Ngược lại, các khoản đầu tư kịp thời vào thích ứng khí hậu có thể giúp giảm mức tổn thất xuống chỉ còn 6,7% GDP - một chênh lệch đủ lớn để định đoạt khả năng Việt Nam đạt hay không đạt mục tiêu thu nhập cao.
Bà Sherman nhấn mạnh: "Ngay từ bây giờ chúng ta đã có thể thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ đất đai, cộng đồng và cơ sở hạ tầng trước những cú sốc do biến đổi khí hậu gây ra. Điều quan trọng là xây dựng các cơ chế và chính sách phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp và người dân chủ động thích ứng, đồng thời lồng ghép quản lý rủi ro khí hậu vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế”.
Đáng chú ý, báo cáo khuyến nghị Việt Nam tận dụng vai trò trung tâm của khu vực tư nhân trong quá trình chuyển đổi năng lượng và giảm phát thải. Việc mở rộng năng lượng tái tạo - đặc biệt là điện gió ngoài khơi với tiềm năng lên tới 475 GW - cùng với khai thác kinh tế biển bền vững sẽ không chỉ giúp Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, mà còn tạo thêm dư địa cho đổi mới sáng tạo, tạo việc làm và tăng trưởng.
Khoảng 30% dân số Việt Nam sống ven biển và gần một nửa dân số phụ thuộc trực tiếp vào hệ sinh thái biển để mưu sinh. Vì vậy, phục hồi rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và rạn san hô không chỉ mang lại lợi ích môi trường mà còn là đầu tư cho an sinh và phát triển dài hạn.
Hai báo cáo nằm trong chuỗi nghiên cứu Việt Nam 2045, tập trung phân tích các lựa chọn chính sách và đầu tư quan trọng mà Việt Nam cần thực hiện để đạt được các mục tiêu phát triển dài hạn. Hai báo cáo này được thực hiện với sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Australia, thông qua Chương trình Đối tác Chiến lược Australia - Ngân hàng Thế giới Giai đoạn 2 (ABP2).