Cải cách môi trường kinh doanh 2025: Bài toán từ những thành công đơn lẻ

Cải cách môi trường kinh doanh, cải cách thể chế rất khó khăn nếu chỉ xuất phát đơn lẻ, dù từ các kiến nghị của doanh nghiệp hay từ chính các cơ quan thực thi pháp luật.

Các doanh nghiệp, hiệp hội kiến nghị nhiều biện pháp cải cách môi trường kinh doanh, cải cách thể chế để kinh tế Việt Nam vượt qua sóng gió

Các doanh nghiệp, hiệp hội kiến nghị nhiều biện pháp cải cách môi trường kinh doanh, cải cách thể chế để kinh tế Việt Nam vượt qua sóng gió

Gọi tên vướng mắc

Một danh sách gồm 22 đầu mục cần khơi thông vừa được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) gửi tới Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn và các bộ trưởng: Công thương, Nông nghiệp và Môi trường, Tài chính.

Mặc dù mục tiêu là đề xuất Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó sau khi Hoa Kỳ áp thuế đối ứng với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, song có nhiều quy định liên quan đến an toàn thực phẩm, kiểm dịch, quy tắc xuất xứ, ghi nhãn sản phẩm, thuế suất thuế giá trị gia tăng… tại nhiều nghị định, thông tư mà VASEP không ít lần từng kiến nghị sửa đổi, bổ sung, nhưng chưa được giải quyết.

“Hai gói hỗ trợ mà chúng tôi đề xuất, một mặt để đối phó với những bất ổn, duy trì sản xuất, củng cố chuỗi cung ứng, nhưng mặt khác quan trọng hơn là hỗ trợ cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, từ đó mở rộng thị trường xuất khẩu… Hơn thế, các bộ, ngành đang tổng hợp, thống kê các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh để thực hiện Nghị quyết 66/2025/NQ-CP về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026”, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng thư ký VASEP lý giải về kiến nghị bao hàm rất nhiều lĩnh vực.

Phải nhắc lại, theo thời hạn của Nghị quyết 66/2025/NQ-CP, các bộ, ngành sẽ phải hoàn thành nhiệm vụ tổng hợp số lượng thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành trước ngày 30/4/2025. Trong đó, các bộ, ngành không chỉ thống kê danh sách, mà phải làm rõ thời gian giải quyết, chi phí tuân thủ các loại thủ tục, điều kiện ở mọi hình thức.

Chỉ có doanh nghiệp mới thực sự hiểu rõ, hiểu sâu đâu là những quy định, những điều kiện kinh doanh không cần thiết, cần bãi bỏ. Các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp phải tham gia ý kiến một cách thiết thực.

Như vậy, ông Nam kỳ vọng, tình trạng tồn ứ lượng lớn cá ngừ do ngư dân khai thác trong gần 1 năm qua ở nhiều địa phương miền Trung đến nay chưa thể xuất khẩu được do quy định liên quan đến kích thước khai thác tối thiểu của cá ngừ tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thủy sản sẽ có mặt trong bản tổng hợp.

Tương tự, quy định không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu cũng đang làm khó cho doanh nghiệp trong thực thi, vì không phù hợp với thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng được nhắc đến. Thực tế, doanh nghiệp sản xuất ra thành phẩm của một lô hàng có nguyên liệu từ nhiều loài, nhiều mặt hàng, từ các nguồn khác nhau như khai thác và nhập khẩu là hoàn toàn bình thường và là thông lệ trong giao thương quốc tế, miễn là chứng minh được là không vi phạm quy định IUU, được kiểm soát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và có đủ giấy tờ cần thiết để xuất khẩu.

“Đáng nói là, các quốc gia đang cùng xuất khẩu hải sản khai thác vào EU không có quy định nào tương tự”, ông Nam giải thích tác động tích cực hơn cho doanh nghiệp Việt nếu gỡ được rào cản mà Nghị định 37/2024/NĐ-CP đưa ra.

Cơ chế thấu hiểu

Không ít quy định đang làm khó việc tiếp cận cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp là thực trạng đã được nhận diện, nhưng điều ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) vẫn băn khoăn khi gửi đi các kiến nghị, đề xuất sửa đổi chính sách là làm thế nào để các cơ quan soạn thảo tiếp nhận và có giải trình rõ ràng về việc tiếp thu hay không và tại sao.

“Chúng tôi vừa gửi Thủ tướng Chính phủ một loạt kiến nghị về việc hỗ trợ nhà thầu trong nước tham gia thực hiện Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, trong đó đề xuất sửa đổi Luật Đấu thầu, các quy định về tiêu chuẩn, kỹ thuật áp dụng cho các dự án, công trình đường sắt nói chung và đường sắc tốc độ cao nói riêng… cũng như các quy định về định mức, đơn giá xây dựng, đơn giá tiền lương. Các kiến nghị này thực ra không mới, nhưng nếu không gỡ, thì cơ hội để nhà thầu Việt có thể tham gia vào dự án này gần như bằng không, vì quy định về năng lực tài chính và quy mô gói thầu”, ông Hiệp cho hay.

Với quy mô 67 tỷ USD của Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, phần xây dựng ước tính là 40 tỷ USD, được kỳ vọng là cơ hội để các nhà thầu Việt Nam bước lên nấc thang mới về chất lượng. Tuy nhiên, ông Hiệp cho biết, ngay cả khi kiến nghị của Hiệp hội về việc tách phần xây dựng cơ bản các công trình hạ tầng, nhà ga, chia thành các gói thầu riêng lẻ được chấp thuận, thì quy mô mỗi gói thầu xây lắp là khoảng 2 tỷ USD (khoảng 50.000 tỷ đồng), nếu không được phép cộng dồn năng lực tài chính của các thành viên trong tổ hợp nhà thầu, thì hầu như không nhà thầu nào của Việt Nam đủ điều kiện quy mô vốn chủ sở hữu không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư của dự án.

Cùng với đó, VACC kiến nghị việc xây dựng và áp dụng các định mức, đơn giá xây dựng phải được thực hiện theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, phù hợp với mặt bằng giá thị trường và không gây ra lãng phí, thất thoát, để qua đó xác định được giá dự toán gói thầu phù hợp. Đối với các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, đặc biệt là Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, do chưa có các tiêu chuẩn, định mức phù hợp, nên VACC đề xuất xây dựng và áp dụng đơn giá tổng hợp. Theo đó, đơn giá tổng hợp chỉ tập hợp những công việc có tính giống nhau, gắn kết với nhau vào cùng một loại, ví dụ công tác đắp nền đường bao gồm từ bóc lớp hữu cơ cho đến bấc thấm và các lớp đất đắp...

“Việc áp dụng đơn giá tổng hợp xây dựng công trình tạo điều kiện cho nhà thầu phát huy đầy đủ năng lực trong thi công xây dựng, như việc áp dụng công nghệ, vật liệu mới, sáng kiến cải tiến nâng cao hiệu quả thi công. Đồng thời, cơ quan quản lý cần có phương pháp phù hợp, dễ áp dụng để xác định đơn giá tổng hợp và thực hiện quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo đơn giá tổng hợp xây dựng công trình”, ông Hiệp nêu.

Cơ chế cải cách bền vững

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội gọi các kiến nghị của VASEP, VACC, cũng như của nhiều hiệp hội doanh nghiệp khác là phần việc đầu tiên, quan trọng để thực hiện yêu cầu là nâng cao chất lượng của các quy định hiện hành.

“Chỉ có doanh nghiệp mới thực sự hiểu rõ, hiểu sâu đâu là những quy định, những điều kiện kinh doanh không cần thiết, cần bãi bỏ. Đây là lúc các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp phải tham gia ý kiến một cách thiết thực, để mục tiêu cuối cùng của cải cách phải là đáp ứng được yêu cầu của đời sống thực tiễn kinh doanh”, ông Hiếu nói.

Theo góc nhìn của vị đại biểu Quốc hội này, môi trường kinh doanh có thể hình dung như một bể bơi, trong đó việc làm sạch nước bể bơi là yêu cầu thường xuyên, liên tục và không có điểm dừng. Nhưng thách thức ở đây không chỉ là đảm bảo kiểm soát nước trong bể bơi, mà còn là kiểm soát nguồn nước chảy vào bể theo cùng một quy trình.

“Lâu nay, các đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh phần lớn xuất phát từ doanh nghiệp, các hiệp hội, đơn vị nghiên cứu. Áp lực bãi bỏ thường là từ sự quyết liệt của Chính phủ. Rất hiếm khi các bộ, ngành chủ động đề xuất. Vì vậy, những thành công thường là đơn lẻ và thiếu tính bền vững”, ông Hiếu thẳng thắn.

Hệ quả của tình trạng này có thể nhận thấy ngay trong nội dung của Nghị quyết 66/2025/NQ-CP, khi mà thêm một lần nữa, yêu cầu bãi bỏ 100% điều kiện đầu tư kinh doanh của các ngành, nghề không thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư được đưa vào nhiệm vụ và phải hoàn tất vào năm 2026.

Tám năm trước, năm 2017, Chính phủ đã liên tục ra các nghị quyết yêu cầu bãi bỏ từ 1/3 đến 1/2 điều kiện đầu tư kinh doanh. Ngay sau đó, Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh. Nghị quyết 19 cùng năm đó đặt mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% số điều kiện kinh doanh trong năm 2018.

Theo thống kê sơ bộ của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (nay là Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược), đến cuối năm 2018, có khoảng 1/3 số điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa, bãi bỏ, ước khoảng 3.000 điều kiện. Luật Đầu tư (sửa đổi) năm 2020 đã bãi bỏ 23 ngành, nghề và bổ sung 10 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, theo đó, khoảng 400 điều kiện kinh doanh tương ứng với 23 ngành nghề này đã được cắt giảm.

Kể từ đó, trong các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh hàng năm, nhiệm vụ rà soát và bãi bỏ ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh luôn được đặt ra.

“Có lẽ chúng ta cần phải thay đổi cách làm, không thể chỉ trông vào những cải cách đơn lẻ, dù đó là nghị quyết của Chính phủ hay hành động của các bộ, ngành, địa phương. Nghĩa là, cần cơ chế để đảm bảo duy trì chất lượng, tần suất và các tốc độ cải cách, không để tình trạng nơi này thì cắt, nơi khác lại mọc thêm như thực tế đã xảy ra”, ông Hiếu nhận định.

Cơ chế này, theo ông Hiếu, phải trả lời rõ các câu hỏi, ai làm, làm thế nào và nếu không làm thì sao. Đặc biệt, vị đại biểu Quốc hội nhắc đến mô hình cơ quan giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế mà nhiều quốc gia như Canada, Hàn Quốc, Anh và cả Hoa Kỳ đã thiết lập trong giai đoạn đầu thúc đấy cải cách thể chế.

Mức độ cao nhất của cải cách thể chế là phải trở thành văn hóa làm việc, nhiệm vụ thường xuyên của bộ, ngành, địa phương, phải xuất phát từ ý thức trách nhiệm trong việc kiến tạo một môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, an toàn cho doanh nghiệp, không phụ thuộc vào có chỉ đạo hay không có chỉ đạo.

“Trước khi đạt được điều này thì vẫn cần có cơ chế hiệu quả để duy trì được tính thường xuyên, liên tục, đặc biệt trong giai đoạn đầu của các chương trình cải cách thể chế”, ông Hiếu nói.

Khánh An

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cai-cach-moi-truong-kinh-doanh-2025-bai-toan-tu-nhung-thanh-cong-don-le-d270330.html
Zalo