Cải cách giấy phép lao động cho người nước ngoài thu hút nhân tài
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, ngày 26/5, EuroCham đã gửi thư kiến nghị tới Bộ Nội vụ, đề xuất các nội dung then chốt liên quan đến dự thảo thay thế Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định hiện hành về việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Việt Nam.
Động thái này tiếp nối cuộc đối thoại chính sách cấp cao “Đóng góp ý kiến cho Quy định giấy phép lao động và sửa đổi Nghị định 152/2020/NĐ-CP”, do EuroCham tổ chức ngày 16/5 tại TP. Hồ Chí Minh, phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham).
Tại cuộc đối thoại, bà Nguyễn Thị Quyên – Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Nội vụ) cho biết, dự thảo nghị định mới sẽ tuân theo chỉ đạo của Thủ tướng về việc cắt giảm tối thiểu 30% thủ tục hành chính, trong đó có những đề xuất có thể đơn giản hóa tới 40% quy trình hiện tại. Nghị định mới dự kiến sẽ được trình Chính phủ vào ngày 31/5/2025.

Cải cách về giấy phép lao động cho người nước ngoài để thu hút nhân tài. Ảnh minh họa
Chia sẻ tại lễ ra mắt Sách trắng gần đây, ông Bruno Jaspaert- Chủ tịch EuroCham cho biết: “Phải mất hơn 6 tháng để có thể đưa một chuyên gia trong lĩnh vực logistics với 25 năm kinh nghiệm vào Việt Nam – chỉ vì ông ấy có bằng cấp trong chuyên ngành sinh học. Đó không chỉ là gánh nặng chi phí mà còn làm chậm quá trình đổi mới và cản trở hoạt động kinh doanh”.
Trong vài thập kỷ qua, nhiều ngành công nghiệp đã phát triển nhanh hơn khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục chính quy và Việt Nam có nguy cơ bỏ lỡ nguồn nhân lực chất lượng cao do các tiêu chí hành chính trong lĩnh vực này còn lạc hậu.
Phó Chủ tịch EuroCham ông Nguyễn Hải Minh cũng nhấn mạnh, ngày càng phổ biến việc chuyên gia học một ngành nhưng phát triển sự nghiệp ở ngành khác. Theo ông, trong thế giới liên ngành như hiện nay, kinh nghiệm thực tiễn cần được đánh giá ngang hàng với giáo dục chính quy.
Trong thư kiến nghị lần này, trọng tâm của EuroCham là vấn đề đang được toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đặc biệt quan tâm: yêu cầu bắt buộc về bằng cấp học thuật chính quy khi xin giấy phép lao động diện chuyên gia – ngay cả trong những lĩnh vực mới xuất hiện và chưa có chuyên ngành đào tạo tương ứng trước đây.
Các doanh nghiệp đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và chuyển đổi số kêu gọi sự linh hoạt hơn trong việc công nhận kinh nghiệm làm việc thay thế cho bằng cấp học thuật.
Đáng chú ý, các cơ quan chức năng cũng thừa nhận mối quan ngại liên quan đến yêu cầu bằng cấp và cho biết đang xem xét việc cho phép thay thế bằng cấp học thuật bằng kinh nghiệm làm việc phù hợp – đặc biệt trong các ngành nghề thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
“Cải cách về giấy phép lao động là bước tiến quan trọng hướng tới một môi trường pháp lý rõ ràng và cạnh tranh hơn trong việc thu hút nhân tài. Trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của khu vực, EuroCham khẳng định sẵn sàng đồng hành cùng các cơ quan chức năng để bảo đảm quy định pháp luật phát triển theo hướng phù hợp với nhu cầu của một nền kinh tế toàn cầu hóa, công nghệ cao”- Phó Chủ tịch EuroCham Jean-Jacques Bouflet nhấn mạnh.