Cái bắt tay cần thiết giữa Trung Quốc và châu Âu

Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách thuế quan đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thúc đẩy hợp tác giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Điều này càng có cơ sở khi châu Âu có kế hoạch giảm bớt hạn chế đối với xe điện từ Trung Quốc, cùng lời kêu gọi hợp tác từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

EU nới lỏng hạn chế nhập khẩu xe điện từ Trung Quốc

Theo Reuters, ngày 11 tháng 4, EU và Trung Quốc bắt đầu quá trình đàm phán để thiết lập mức giá tối thiểu cho xe điện Trung Quốc sản xuất thay vì thuế quan. Trước đó, EU đã áp dụng thuế quan vào tháng 10 năm 2024 và trong một số trường hợp, mức thuế này lên tới 45% ngoài mức thuế nhập khẩu tiêu chuẩn là 10%. Cụ thể đối với xe điện BYD, mức phí là 17%, Geely là 18%, SAIC là 35%.

Trung Quốc đã đệ đơn kiện những mức thuế quan này lên tòa án EU vào đầu năm 2025. Tuy nhiên, những thay đổi có thể sẽ xảy ra, trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại quy mô lớn giữa Mỹ với gần như phần còn lại của thế giới đang diễn ra phức tạp, khó lường.

Xe điện của Trung Quốc chịu mức thuế từ châu Âu. Ảnh: TASS

Xe điện của Trung Quốc chịu mức thuế từ châu Âu. Ảnh: TASS

Vào ngày 2 tháng 4, Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp dụng thuế nhập khẩu đối với 185 quốc gia: mức thuế cơ bản là 10%, nhưng đối với một số quốc gia thì mức thuế này cao hơn nhiều. Vào ngày 9 tháng 4, ông Trump đã hoãn việc tăng phí đối với một số quốc gia trong 90 ngày để tiến hành đàm phán một thỏa thuận thương mại mới. Tuy nhiên, ông Trump vẫn tiếp tục tăng thuế với hàng hóa Trung Quốc

Trong tuần qua, Trung Quốc và Mỹ đã trải qua “cơn sóng thần” thuế quan khi nhiều lần tuyên bố sẽ tăng thuế nhập khẩu của nhau. Đến ngày 11 tháng 4, Mỹ đã tăng thuế lên 145%, còn Trung Quốc lên 125%.

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc công khai kêu gọi các nước châu Âu hợp tác để bảo vệ lợi ích của mình và các quy tắc thương mại quốc tế để chống lại chính sách thuế quan khắc nghiệt của Mỹ. Đây cũng là thông điệp mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi đến Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez trong cuộc gặp song phương ngày 11 tháng 4.

“Quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống giữa Trung Quốc và phương Tây là sự lựa chọn đúng đắn của nhân dân hai nước dựa trên nhu cầu thực tế và lợi ích lâu dài”, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh. Ông Tập cũng khẳng định, Trung Quốc luôn coi EU là một cực quan trọng trong thế giới đa cực. Và cũng không có bên nào chiến thắng trong cuộc chiến thuế quan - đi ngược lại thế giới có nghĩa là tự cô lập.

Thực trạng mối quan hệ giữa Trung Quốc và EU những năm gần đây

Những năm gần đây, mối quan hệ giữa Trung Quốc và EU tương đối căng thẳng. Nguyên nhân chính gây ra tranh chấp kinh tế là việc xe điện Trung Quốc tràn ngập thị trường châu Âu. Trở lại năm 2023, Ủy ban châu Âu đã mở một cuộc điều tra, nghi ngờ rằng “Trung Quốc đã hạ giá một cách bất thường thông qua các khoản trợ cấp quy mô lớn của chính phủ”. Sau đó, châu Âu đã gia tăng thuế quan với ô tô điện Trung Quốc.

Để đáp trả, Chính phủ Trung Quốc đã đệ đơn kiện EU. Ngoài ra, Bắc Kinh đã khởi xướng một cuộc điều tra về việc nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ sữa từ châu Âu.

Nhà phân tích Natalia Milchakova của Freedom Finance Global giải thích rằng về phía châu Âu, việc thay thế thuế bằng một mức giá tối thiểu là một sự nhượng bộ rõ ràng đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, ít nhất là hiện tại, điều này khó có thể tác động đáng kể đến kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và EU: nếu năm 2024 tăng trưởng 0,4% thì đến năm 2025, sau khi bãi bỏ thuế, kim ngạch có thể tăng 0,6 - 0,8%.

Còn theo Kirill Seleznev, chuyên gia về thị trường chứng khoán tại Garda Capital ước tính, tỷ trọng GDP kết hợp của Trung Quốc và EU trong nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tăng và có thể tăng từ mức 30% hiện tại (lần lượt là 17% và 13%) theo giá trị danh nghĩa lên 31% - 33% trong những năm tới. Trong khi, nếu xét GDP theo sức mua tương đương (có tính đến tỷ giá hối đoái, tức là phản ánh chính xác số lượng hàng hóa và dịch vụ mà một quốc gia sản xuất), tổng thị phần của Trung Quốc và EU có thể tăng từ mức 38% hiện tại (lần lượt là 19% và 19%) lên hơn 40% nền kinh tế toàn cầu.

Mặt khác, nhiều ý kiến bày tỏ nghi ngờ về sự thống nhất giữa nền kinh tế EU và Trung Quốc bởi hai bên ngày càng trở thành đối thủ cạnh tranh trên thị trường ô tô, kỹ thuật công nghệ và hàng tiêu dùng. Thay vào đó, nhiều khả năng sẽ diễn ra sự hội nhập có chọn lọc của các nhà sản xuất châu Âu vào chuỗi sản xuất của Trung Quốc và mở cửa một phần thị trường cho các sản phẩm của nhau.

Cuộc chiến thuế quan thương mại diễn ra gay gắt hiện nay. Ảnh: GI

Cuộc chiến thuế quan thương mại diễn ra gay gắt hiện nay. Ảnh: GI

Theo chuyên gia Kirill Kononov tại BCS World of Investments nhận định, vẫn có những điểm tiếp xúc giữa Trung Quốc và EU. Nếu nền kinh tế Trung Quốc ngày càng định hướng lại theo hướng tiêu dùng trong nước, EU có thể tiếp cận thị trường này tốt hơn. Bên cạnh đó, châu Âu cũng quan tâm đến việc tiếp cận nguồn năng lượng và lao động tương đối rẻ của Trung Quốc. Thông qua thị trường Trung Quốc, các công ty châu Âu có thể tiếp cận thị trường Nga và các thị trường khác mà chính quyền EU đã áp đặt các hạn chế thương mại.

Mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và EU sẽ thay đổi?

Bất chấp những khác biệt, các chuyên gia cho rằng mối quan ngại chung về chính sách thuế quan của Mỹ có thể giúp bình thường hóa quan hệ giữa Trung Quốc và EU trong tương lai gần. Chuyên gia Kirill Kononov cho rằng, về mặt tiềm năng, các biện pháp ứng phó với chính sách thuế quan đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump giúp làm gia tăng lòng tin giữa các bên. Thuế quan của Mỹ là vấn đề “đau đầu” chung của cả người châu Âu và người Trung Quốc.

Thực tế là ngày càng có nhiều cuộc tiếp xúc giữa các bên thời gian gần đây. Vào cuối tháng 3, Ủy viên EU về thương mại và an ninh kinh tế Maros Sefcovic đã có chuyến thăm Trung Quốc để gặp Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào và Phó Thủ tướng Hà Lập Phong. Ngày 11 tháng 4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tại Bắc Kinh. Ngoài ra, nhiều thông tin tiết lộ về hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 7 năm 2025 nhằm thảo luận về các biện pháp đối phó chung với chính sách thuế quan của Mỹ.

Rõ ràng, trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump ngày càng siết chặt chính sách thuế quan đối ứng, Brussels có xu hướng tìm kiếm một đồng minh mới hoặc thậm chí là một “người bảo trợ” kinh tế có khả năng cạnh tranh với Mỹ là điều dễ hiểu. Và quốc gia đóng vai trò “người bảo trợ” như vậy chỉ có thể là Trung Quốc, vì đây là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới xét về GDP danh nghĩa và thứ nhất thế giới xét về GDP tính theo sức mua tương đương.

Hùng Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cai-bat-tay-can-thiet-giua-trung-quoc-va-chau-au-10286816.html
Zalo