Café ngày mới: Bên cạnh hạnh phúc vẫn có nỗi đau

Tôi thành hôn với một người chồng nước ngoài khi anh đã có con khá lớn. Thực ra, tôi chỉ hơn con gái chồng tôi 7 tuổi.

Minh họa: ITN

Minh họa: ITN

Vào lúc chúng tôi trở về Zdice quê chồng (Cộng hòa Czech), tôi mới gặp con gái chồng - tên Jana Silbernaglova. Tôi gọi tên thân mật của cô là Jano. Khi ấy, Jano là mẹ đơn thân đã có hai con gái, một cháu lên mười lăm tuổi, và một cháu mới lên năm.

Jano khá thân mật với tôi, người mẹ ghẻ của cô, không chênh tuổi tác so với cô là mấy. Thực ra, chúng tôi có thể trò chuyện thoải mái với nhau. Jano thích các món ăn Việt tôi nấu như súp gà, nem rán, canh măng… Cô còn xin tôi công thức làm các món phở bò, phở gà, nem rán.

Trong giao tiếp, tôi và con chồng sử dụng tiếng Anh nên chúng tôi không cần băn khoăn chuyện vai vế, xưng hô như người Việt với nhau. Jano thỉnh thoảng dẫn tôi vào rừng hái nấm, lên sườn đồi thả diều, đi shopping…

Sau này, khi vợ chồng tôi trở về Việt Nam sinh sống, Jano hay viết thư, nhắn tin cho tôi hơn là cho chồng tôi. Có lần cô nói, cô không hợp nói chuyện với bố Vasek. Bố thường không tán thành những quyết định quan trọng trong đời cô.

Ví dụ, khi cô yêu và cưới người đàn ông là cha đẻ của đứa con thứ nhất, bố cô không đồng ý và đã không tới dự đám cưới. Ông không thích người đàn ông mà cô chọn. Và quả nhiên, một thời gian sau Jano đã ly dị người đàn ông mà bố cô không muốn cô cưới đó. Lần thứ hai, cô có mối quan hệ bí mật với một người đàn ông khác.

Bố Vasek đã không mở lời hỏi một câu xem anh ta là ai. Cho đến khi Jano có bầu, sinh con gái một mình, như một người mẹ đơn thân, cô xin phép lấy họ của Vasek cho con gái. Chồng tôi lúc ấy lại đồng ý.

Vợ chồng tôi thấy Jano ở nhà nuôi con, không đi làm cho tới khi con gái thứ hai lên 6 tuổi, thì đồ rằng cô vẫn đang nhận trợ cấp từ cha đứa bé, người đàn ông bí mật kia. Bản thân tôi, dù khá gần gũi với Jano, cũng ý tứ nên không bao giờ hỏi động chạm một câu nào tới người đàn ông bí mật của cô.

Cho tới năm nay, khi con gái của cô với người đàn ông bí mật đó lên 7 tuổi, thì đột nhiên Jano gửi một lá thư dài cho tôi. Cô kể chuyện cô phải đi làm vì vấn đề kinh tế gia đình cô đang rất khó khăn. Cô làm ở bộ phận chăm sóc khách hàng của một công ty xây dựng.

Công việc khá căng thẳng và không tốt cho tinh thần, vì cô thường xuyên tiếp nhận những lời phàn nàn của khách hàng, thậm chí là mắng mỏ, kiện cáo. Khi khách hàng nặng lời, cô vẫn phải nén cảm xúc để tỏ ra niềm nở vui vẻ với họ. Không những vậy, sếp trực tiếp của cô lại luôn phê bình, chỉ trích cách giao tiếp của cô với khách hàng, chê bai vốn tiếng Anh của cô là tồi tệ.

Jano kể rằng cô đã khóc rất nhiều. Cô luôn muốn bỏ chạy ra khỏi nơi làm việc để khóc với ai đó, nhưng vì hai đứa con, vì biết bao thứ phải chi trả cho một gia đình, nên cô lại nén chịu để nở nụ cười và nhẫn nhục làm việc. Có những lúc cùng cực, khóc cạn nước mắt, cô chỉ ước đến lúc nào đó, cô được giải thoát khỏi tình trạng này, tìm được công việc mơ ước.

Đọc thư của con chồng, tôi thật sự buồn. Không chỉ vì tôi là mẹ ghẻ của Jano, mà tôi còn là một người đàn bà. Tôi cũng từng như Jano, khi ly hôn người chồng cũ, tôi phải gồng gánh làm bao việc để kiếm tiền.

Trong đầu tôi luôn cuồng quay những suy tính để kiếm tiền chi trả biết bao thứ: Học phí, sữa, quần áo, sách vở, xe cộ, thuốc men, thức ăn, điện nước, đưa đón con đi học chính khóa, học thêm… Tôi mất ngủ và bị stress, trầm cảm, rối loạn tiêu hóa… Do đó, tôi thực sự thương Jano. Tôi viết thư cho con chồng, hỏi xem cô cần nhất thứ gì, cứ thông báo, tôi sẽ giúp đỡ. Và mỗi khi cô cần nói ra cho nguôi ngoai, cô cứ nói với tôi.

Quả vậy, mỗi khi người đàn bà gặp vấn đề ở nơi làm việc, trong lúc gánh nặng kinh tế gia đình dồn lên đôi vai họ, thì đó thực sự là thảm họa, họ sẽ không dám bỏ việc, mà cứ nhẫn nhục chịu đựng. Nhưng sự chịu đựng này có vô hạn không?

Jano hỏi một câu khiến tôi lo lắng thêm: Cô muốn một công việc trong mơ. Nhưng thực ra, cô lại không biết công việc trong mơ của cô là gì!

 Minh họa: ITN

Minh họa: ITN

Để chia sẻ với con chồng, và biết đâu, có thể chia sẻ với bao phụ nữ khác cũng đang trong cảnh khốn khổ như Jano, tôi kể lại câu chuyện hiện tại của mình, khi tôi đang có một công việc ước mơ.

Cách nay hơn một năm, tôi rời công việc ở một tập đoàn kinh tế lớn để về làm việc tại một cơ quan mới, mà thu nhập chỉ bằng một phần ba so với thu nhập ở tập đoàn kinh tế kia. Cơ quan mới của tôi là một hội ngành nghề vẫn được Nhà nước bao cấp, nên thu nhập khá thấp so với mặt bằng thuê nhân lực hiện nay.

Nhưng sở dĩ tôi chọn nơi này, vì nghĩ con cái mình đã lớn, tự lập kinh tế, tôi không còn phải nuôi con, chỉ nuôi bản thân, nên lương thấp cũng có thể đủ, đổi lại, tôi được sống trọn vẹn cho văn chương, được làm công việc liên quan đến văn chương, niềm ước mơ của tôi.

Tôi đã dồn sức làm thật nhiều, và quả nhiên, thành công đã đến. Công việc mới của tôi đã đạt kết quả khiến tôi tự hào. Còn gì hạnh phúc hơn khi được làm việc mình yêu thích và lại thu được thành quả rực rỡ?! Thế nhưng, trong lúc tôi như đang bay trên tầng cao vì sung sướng với việc mình làm, thì tai họa xảy ra.

Những người trong nghề, đố kỵ với thành công của tôi, đã tìm cách công kích, thậm chí giở những chiêu trò đen để hạ bệ, bôi nhọ. Tôi khá sốc và buồn, thậm chí mất ngủ, bật khóc đôi khi, nhưng rồi sau đó, tôi tự vực dậy tinh thần, để bước tiếp.

Kể với Jano trải nghiệm mới của tôi, để cô có thể thấy rằng, kể cả khi ta có một công việc trong mơ, thì không phải trên đường đi của ta sẽ trải toàn hoa hồng. Những thách thức, chông gai, sai lầm vẫn bủa vây và giăng bẫy trên con đường đó.

Nỗi đau là vẫn có, bên cạnh hạnh phúc, như tính hai mặt của đời sống vẫn vậy… Ta cần chấp nhận, biết tận hưởng hạnh phúc, biết tự chữa lành vết thương, và tiếp tục đi tới.

Kiều Bích Hậu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cafe-ngay-moi-ben-canh-hanh-phuc-van-co-noi-dau-post725710.html
Zalo