Café chủ nhật: Cõi nhớ
Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.
Gió lạnh se sắt kèm theo mưa phùn khiến bầu trời thêm u ám, ảm đạm. Sáng nay, chị nghỉ làm, nhưng dậy sớm hơn thường ngày, vì còn phải chuẩn bị một vài thứ để sang nhà mẹ. Mẹ đã bỏ cha và mấy anh em đi xa gần một năm nay, nhưng chị vẫn luôn giữ thói quen khi nói chuyện về ngoại là về mẹ. Hôm nay là giỗ đầu của mẹ. Đi thăm mộ mẹ, thắp nén hương trước bàn thờ mẹ, chị nghẹn ngào, nghĩ suy nhiều điều.
Ai cũng biết rằng, sự sống, cái chết của con người cứ vần xoay theo quy luật. Hành trình của sự sống trên thế gian này, dù dài hay ngắn cũng dần đi về cõi vĩnh hằng. Dẫu biết vậy, nhưng đứng trước sinh ly, tử biệt, chúng ta đau đớn vô cùng.
Đặc biệt, người ra đi là những người hằng ngày bên cạnh ta, là những người ta yêu, ta thương. Không giống như bao lần trước trong đời, cái nắm tay này, cái ánh mắt này, cái ôm này là lần cuối; lời nói tạm biệt cũng chẳng còn, thay vào đó là lời vĩnh biệt. Ta sẽ không còn được thêm lần nào thấy dáng lưng còng của mẹ, nụ cười của cha; ta cũng không còn cơ hội nắm tay người bạn đời bao năm đầu gối, tay ấp. Trớ trêu, nhiều khi ta phải ở vào cảnh kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh, lá vàng lay lắt trên cây, ngậm ngùi khóc than lá xanh đột ngột rời cành.
Mất mát, đau đớn và những khoảng trống chẳng có gì có thể lấp đầy. Chứng kiến người thân, người quen, người lạ ra đi, không ít lần ta bất lực thốt lên rằng: Cuộc đời này, hạnh phúc cũng được, bất hạnh cũng được, giàu sang cũng được, nghèo hèn cũng được; chỉ xin đừng sống chết hai cõi chia xa.
Trong tác phẩm “Người trong cõi nhớ”, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã viết: “Ngoài thế giới của người đang sống và cõi im lặng của người đã chết, còn có một cõi thứ ba: cõi của những người đang sống trong trí nhớ của những người khác, những người không bị lãng quên!”.
Thật vậy, ta không thể thay đổi quy luật vần xoay theo vòng quay nghiệt ngã vốn có. Nhưng ta chắc một điều rằng, người thân của ta đã đi vào cõi im lặng, nhưng sẽ sống mãi trong cõi tiếc, cõi thương, cõi nhớ của những người ở lại. Trên đời, và đặc biệt trong trái tim ta, luôn có những người không bị lãng quên như thế.
Cuộc sống cần được tiếp diễn, mưa nắng vẫn đến hẹn lại lên, ta vẫn hàng ngày đi về với bộn bề áo cơm, nhưng trong tim ta luôn có những người đã ra đi. Trong bữa cơm gia đình, ta vẫn nhớ món cà kho cá của mẹ những ngày mưa, ta vẫn nhớ bát nước mắm của cha luôn cho nhiều ớt. Nhìn hàng cau, giàn trầu trước sân, ta vẫn nhớ cái cối và mùi thơm phả ra từ khuôn miệng bỏm bẻm của bà. Ngày lễ tốt nghiệp, ta vẫn hình dung người bạn rất thân đã ra đi vì tai nan, dường như cũng đang mặc áo mũ cử nhân tạo dáng chụp ảnh.
Ta vẫn nhớ món đồ chơi siêu nhân rất yêu thích của cậu con trai năm ấy đột ngột ra đi, hay chiếc váy công chúa của đứa con gái xinh như thiên thần nhưng vắn số. Người ông ta kính, người mẹ ta thương, một người vĩ đại ta biết ơn và ngưỡng mộ, hay người hàng xóm tốt tính vẫn thường qua nhà chuyện trò ngày rỗi rãi… Hồi tưởng, nghĩ đến, nhớ về, trái tim ta muôn phần nhớ thương!
Cuộc sống này thật đẹp biết bao! Thật hạnh phúc khi sáng mai thức dậy, ta vẫn còn thở, tai ta vẫn nghe được tiếng chim hót líu lo chuyền cành, tiếng gió khẽ khàng luồn qua ô cửa nhỏ; mắt ta vẫn nhìn được áng mây bay lững lờ ngang trời hay giọt sương long lanh như ngọc còn đọng trên vòm lá; ta rướn ngực khát khao cảm nhận tất cả hương vị cuộc sống và muốn ôm trọn tất cả vào lòng.
Rồi như một cuộc hẹn, cõi sống dần đi về cõi yên lặng của những người đã khuất. Ta gặp những người xấu số đi trước ở cõi thứ ba, nơi không có khổ đau, không có vất vả, không có bệnh tật, và chắc hẳn sẽ chẳng bao giờ phải lìa xa nữa. Nơi cõi ấy, chỉ có tình yêu và nỗi nhớ.
Nơi ấy ta được gặp những người đã ra đi không chỉ qua nén hương, ngày giỗ, mà trong từng phút giây ta nghĩ về họ. Hay nói cách khác, họ đi nhưng niềm yêu thương ở lại. Họ rời xa chúng ta về mặt thể lý, nhưng ta gặp hình ảnh họ đong đầy trong trái tim khắc khoải của ta. Nhớ thương người đã khuất, nghĩa là họ đang sống trong ta. Quả đúng như ông Elie Wiesel, một nhà văn, nhà hoạt động xã hội người Romania đã nói: “Lãng quên người chết là bắt họ chết thêm lần nữa”.
Đang mải mê suy nghĩ trước bàn thờ mẹ, đứa con gái bé của chị níu tay mẹ hỏi: “Mẹ ơi, bà ngoại đã ở trên thiên đàng, đúng không ạ? Chị cúi xuống, xoa đầu con, nhắc con thắp hương cho bà và nói: “Đúng rồi con, bà ngoại ở Thiên Đàng và ở trong trái tim chúng ta nữa”.