Cách phân biệt bột sắn dây và bột năng
Biết cách phân biệt bột sắn dây và bột năng, bạn có thể sử dụng đúng nguyên liệu cho các mục đích chế biến khác nhau, đảm bảo kết cấu và hương vị món ăn.
Trong ẩm thực Việt Nam, bột sắn dây và bột năng là hai loại bột quen thuộc, thường được sử dụng trong nhiều món ăn và đồ uống; chúng có một số đặc điểm khá giống nhau về hình dạng và màu sắc. Ban cần biết cách phân biệt bột sắn dây và bột năng một cách chính xác để tránh nhầm lẫn hai loại bột này, nhờ đó có thể sử dụng đúng nguyên liệu cho từng món ăn, đảm bảo được hương vị và giá trị dinh dưỡng của món ăn đó.
Công dụng của bột sắn dây và bột năng
Bột sắn dây được chế biến từ củ sắn dây, một loại cây dây leo có rễ củ phát triển dưới đất. Củ sắn dây sau khi thu hoạch sẽ được rửa sạch, xay nhuyễn rồi lọc qua nước nhiều lần để loại bỏ xơ và tạp chất. Phần tinh bột lắng xuống sẽ được phơi khô, tạo thành bột sắn dây. Đây là loại bột được nhiều người yêu thích vì tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thường dùng để pha nước uống, nấu chè hoặc làm các món ăn giúp làm mát cơ thể.
Công dụng nổi bật: Giải nhiệt, làm mát cơ thể, giảm triệu chứng say nắng, nóng trong; hỗ trợ tiêu hóa, làm đẹp da.

Bạn có biết cách phân biệt bột sắn dây và bột năng? (Ảnh: Kingfoodmart)
Bột năng hay bột đao, bột lọc thật ra không phải được làm từ củ năng (củ mã thầy) mà chủ yếu được chế biến từ củ khoai mỳ (còn gọi là củ sắn). Sau khi được làm sạch và nghiền nhỏ, khoai mỳ sẽ được lọc lấy tinh bột, sau đó phơi hoặc sấy khô tạo thành bột năng. Loại bột này thường được dùng làm chất tạo độ dẻo, độ dai trong các món ăn như bánh bột lọc, bánh da lợn, chè trôi nước, súp, hoặc dùng làm chất kết dính trong nước xốt.
Công dụng nổi bật: Tạo độ sánh, dẻo cho món ăn, làm các loại bánh truyền thống, làm chất kết dính trong chế biến thực phẩm.
Cách phân biệt bột sắn dây và bột năng
Bạn có thể nhận biết những điểm khác biệt giữa bột sắn dây và bột năng qua bảng sau:

Cách phân biệt bột sắn dây và bột năng.
Cách phân biệt bột sắn dây và bột năng khi chưa nấu:
- Bột sắn dây có dạng viên hoặc tinh thể không đều nhau, có ánh trắng đục. Trong khi đó, bột năng mịn như bột mì, trắng tinh, không có hình dạng viên.
- Bột sắn dây cứng và khô, bóp không vỡ vụn. Bột năng mịn, dễ vón cục khi có độ ẩm.
- Bột sắn dây có mùi thơm nhẹ tự nhiên, dễ chịu. Bột năng gần như không có mùi hoặc hơi ngái do quá trình sản xuất.
Cách phân biệt bột sắn dây và bột năng sau khi chế biến:
- Khi pha với nước lạnh, bột sắn dây sẽ khó tan hoàn toàn, cần khuấy đều. Bột năng tan nhanh hơn, tạo hỗn hợp sệt.

Bột năng không có dạng viên như bột sắn dây.
- Khi nấu chín, bột sắn dây sau khi nấu có màu trong đục, hơi sánh nhưng không dai. Bột năng lại tạo thành chất sánh, trong veo và có độ dẻo rõ rệt, dùng để tạo kết cấu trong món ăn rất tốt.
Những lưu ý khi sử dụng:
- Bột sắn dây nguyên chất thường có giá cao hơn.
- Không nên dùng quá nhiều bột năng trong một khẩu phần ăn vì khó tiêu nếu ăn quá liều lượng.
- Nếu dùng bột sắn dây để pha nước uống, không nên cho nước sôi trực tiếp mà nên dùng nước nguội hoặc ấm để hòa tan rồi khuấy chín bằng nước nóng sau.
Bột sắn dây và bột năng tuy có vẻ ngoài tương đồng nhưng lại hoàn toàn khác nhau về nguồn gốc, đặc tính và công dụng. Việc phân biệt chính xác hai loại bột này không chỉ giúp bạn lựa chọn đúng nguyên liệu cho từng món ăn mà còn đảm bảo sức khỏe và hiệu quả sử dụng.