Cách người Nhật phòng và điều trị 'căn bệnh quốc dân' về răng miệng

Bệnh nha chu được xem là căn bệnh về răng miệng phổ biến. Từ xa xưa, người Nhật thường dùng loại tăm từ gỗ của cây Kuromoji để vệ sinh răng miệng, giúp lợi khỏe hơn.

 Từ xa xưa, người Nhật đã dùng gỗ của cây Kuromoji để làm tăm xỉa răng. Ảnh: U.T.

Từ xa xưa, người Nhật đã dùng gỗ của cây Kuromoji để làm tăm xỉa răng. Ảnh: U.T.

Bệnh nha chu là bệnh viêm do lây nhiễm vi khuẩn. Ban đầu là chứng viêm lợi, sau đó lan ra phá hủy các tổ chức xung quanh và cuối cùng là gãy răng.

- Trong miệng dính dính vào buổi sáng khi ngủ dậy.

- Thấy hôi miệng.

- Đánh răng thấy chảy máu.

Nếu các tình trạng này lặp lại thường xuyên có thể nghi ngờ là bệnh nha chu.

Bệnh nha chu còn được ghi vào sách Kỷ lục Guinness là “bệnh có nhiều người mắc nhất thế giới”. Tất nhiên, ở Nhật Bản cũng có rất nhiều người gặp vấn đề với căn bệnh này và theo Hiệp hội Phòng tránh các căn bệnh liên quan đến lối sống, sinh hoạt Nhật Bản, số lượng bệnh nhân mắc bệnh nha chu (hay viêm nha chu) vào khoảng 3,315 triệu người. Tỷ lệ mắc bệnh ở nhóm 30 tuổi - 50 tuổi là 80%, nhóm 60 tuổi là 90%. Căn bệnh này có thể gọi là “căn bệnh quốc dân”.

Các thí nghiệm của chúng tôi đã xác định, sử dụng tăm làm từ gỗ Kuromoji giúp tăng cường khả năng phòng tránh bệnh nha chu. Kuromoji là cây bụi rụng lá thuộc chi Lindera, họ nguyệt quế, thường mọc ở các vùng núi thấp hay các triền núi thưa cây như ở khu vực phía Nam Honshu, Shikoku, Kyushu...

Cây có độ cao trung bình khoảng năm mét. Trên thân cây màu xanh hay có các đốm màu đen và người ta cho rằng, các đốm này nhìn giống chữ viết nên loài này được gọi là Kuromoji nghĩa là vết chữ đen.

Cành cây Kuromoji được dùng làm tăm cao cấp, tinh dầu chưng cất được từ cành lá được dùng làm hương liệu. Tuy nhiên, tỷ lệ chiết dầu từ cây này khá thấp nên giá thành rất cao, cao hơn hẳn so với nhóm các loại tinh dầu khác của Nhật. Thành phần chủ yếu của tinh dầu Kuromoji là linalool trên 40%. Sản phẩm chất lượng tương tự như hồng mộc nhưng lại có hương thơm nên được nữ giới rất yêu thích.

Trước kia tinh dầu Kuromoji còn được dùng làm hương liệu trong đồ mỹ phẩm hoặc xà phòng nhưng sau đó nhanh chóng bị ngừng sản xuất, một phần do vấn đề giá thành.

Nhìn chung, họ nguyệt quế có nhiều cây có mùi hương mạnh. Trên thế giới có khoảng 30 chi và 2.500 loài, chủ yếu tập trung ở vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới. Ở Nhật Bản, cùng với Kuromoji còn có khoảng 20 loài khác như Kusunoki, Yabunikkei, Shirodamo hay Shiromoji.

Ở Trung Quốc, cây Kuromoji được gọi là Điếu chương căn bì và được sử dụng như nguyên liệu trong các bài thuốc Đông y. Với thuốc uống, người bệnh cần sắc thuốc để dùng. Vị thuốc này được cho là có công dụng với các chứng bệnh Catarrhal dạ dày cấp tính, nôn mửa, tiêu chảy hay chứng tê phù... Với thuốc dùng ngoài da, thuốc cần được cạo vỏ, mài thành bột để bôi hay nấu thành nước thuốc. Ngoài ra, ở Nhật Bản, loài cây này cũng được dùng làm tăm hoặc lấy rễ làm rượu thuốc.

Tôi sẽ giới thiệu qua với mọi người về thí nghiệm chúng tôi từng tiến hành.

Những câu chuyện kể về cây Kuromoji được dùng làm tăm trong các hội nhóm trà thời Toyotomi Hideyoshi hay các cành cây được nghiền thành bột dùng làm bột đánh răng thời Edo vẫn còn được lưu truyền cho tới ngày nay.

“Từ xa xưa cây Kuromoji có nhiều tác dụng như vậy là vì nó có thể chứa loại “dược hiệu” nào đó cũng nên.”

Cũng chính từ suy nghĩ này mà chúng tôi đã quyết định thực hiện thí nghiệm. Chúng tôi đã dùng tinh dầu chiết xuất từ cành lá Kuromoji (trong nước) để kiểm nghiệm khả năng kháng khuẩn đối với các vi khuẩn đại diện cho vi sinh vật trong khoang miệng như vi khuẩn sâu răng, vi khuẩn bệnh nha chu hay vi khuẩn Candida. Kết quả cho thấy Kuromoji có tính kháng khuẩn với tất cả các loại vi khuẩn kể trên.

Ngoài ra, chỉ số MIC (nồng độ ức chế tăng trưởng tối thiểu = chỉ số tối thiểu ức chế sự tăng trưởng của vi khuẩn) đối với vi khuẩn bệnh nha chu là 0,13%, chỉ số thấp nhất (khả năng kháng khuẩn cao), tiếp đến là vi khuẩn Candida (0,5%) và đến vi khuẩn sâu răng (1%).

Tính kháng khuẩn của tinh dầu lấy từ cành lá Kuromoji đối với các vi sinh vật khoang miệng này được cho là phần lớn do tác dụng của thành phần chính trong tinh dầu là linalool.

Cho đến hiện tại, tăm làm từ Kuromoji vẫn là một đồ dùng không thể thiếu đi cùng các món bánh Nhật trong các buổi tiệc trà. Bên cạnh đó, một số cửa hàng bánh ngọt truyền thống cũng bổ sung tăm Kuromoji kèm theo bánh ngọt. Tôi thật sự không thể tìm được từ nào khác thay cho hai từ ngưỡng mộ trước tinh hoa tri thức của người xưa.

Vậy nhưng, rốt cuộc trong thời đại không làm được các thí nghiệm khoa học, người xưa làm thế nào để phát hiện ra được những công dụng này nhỉ. Càng nghĩ tôi lại càng cảm thấy thật kỳ lạ.

Ryoko Chiba/ Thái Hà Books & NXB Thế giới

Nguồn Znews: https://znews.vn/cach-nguoi-nhat-phong-va-dieu-tri-can-benh-quoc-dan-ve-rang-mieng-post1542837.html
Zalo