Cách Nga sống chung với đòn trừng phạt của phương Tây suốt 3 năm qua

Để hạn chế tác động từ các lệnh cấm vận của phương Tây liên quan đến chiến sự tại Ukraine, Moscow đã tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.

Dòng chảy thương mại của Nga dịch chuyển từ Tây sang Đông

Thế giới đã thay đổi kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2/2022. Với Moscow, sự thay đổi rõ rệt nhất có lẽ nằm ở các dòng chảy thương mại và mức độ phụ thuộc ngày càng lớn vào Trung Quốc.

Nga chuyển hướng xuất khẩu năng lượng sang khu vực châu Á trong 3 năm gần đây. Ảnh: Worldoil.com

Nga chuyển hướng xuất khẩu năng lượng sang khu vực châu Á trong 3 năm gần đây. Ảnh: Worldoil.com

Sau 3 năm xảy ra chiến sự tại Ukraine, bức tranh kinh tế của Nga có sự biến chuyển mạnh mẽ, đặc biệt là trong quan hệ thương mại với thế giới. Theo dữ liệu từ tổ chức Observatory of Economic Complexity (OEC), năm 2021, gần 50% kim ngạch xuất khẩu của Nga hướng đến các nước châu Âu, bao gồm cả Belarus và Ukraine. Phần lớn các mặt hàng xuất khẩu của Moscow là dầu thô và khí đốt.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2023, chỉ chưa đầy 2 năm sau khi chiến sự bắt đầu, bức tranh thương mại của Nga đã hoàn toàn thay đổi.

Theo dữ liệu của OEC, Trung Quốc và Ấn Độ đã vươn lên trở thành hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nga, chiếm lần lượt 32,7% và 16,8% tổng kim ngạch, tức một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu. Trước đó, vào năm 2021, Trung Quốc chỉ chiếm 14,6% trong khi Ấn Độ đóng góp ở mức khiêm tốn 1,56%.

Thực tế này phản ánh sự sụt giảm mạnh mẽ của thị trường châu Âu. Nếu như năm 2021, gần một nửa hàng xuất khẩu của Nga hướng về châu Âu, song đến năm 2023, con số này giảm mạnh xuống mức 15%. OEC chưa công bố số liệu cho năm 2024, nhưng các báo cáo từ nhiều tổ chức khác, bao gồm nhóm nghiên cứu Bruegel tại Brussels, cho thấy xu hướng này vẫn tiếp tục.

Những thống kê trên chủ yếu dựa vào dữ liệu chính thức, trong khi một phần đáng kể dầu mỏ của Nga được vận chuyển thông qua "hạm đội bóng tối" gồm các tàu cũ không có bảo hiểm tiêu chuẩn từ phương Tây.

Nếu tính cả lượng dầu trên, thị phần của Trung Quốc và Ấn Độ trong xuất khẩu của Nga có thể còn cao hơn. Theo Trường Kinh tế Kyiv, khoảng 70% dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga hiện nay nằm trong danh mục này, với Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ chiếm tới 95% lượng mua.

Sự thay đổi trong dòng chảy thương mại của Moscow sau năm 2022 chủ yếu do Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh nhập khẩu dầu khí Nga trong khi Trung Quốc cùng Ấn Độ đẩy mạnh nhập khẩu nhiên liệu giá rẻ từ Nga.

Cụ thể, EU đã giảm tới 90% lượng dầu thô nhập khẩu từ Nga kể từ khi chiến sự bắt đầu, đồng thời thu hẹp đáng kể tỷ trọng khí đốt Nga trong tổng nguồn cung - từ 40% vào năm 2021 xuống còn 15% vào năm 2024.

"Đã có một sự chuyển hướng lớn trong thương mại của Nga, từ phương Tây sang các quốc gia phương Đông này” - nhà nghiên cứu Zsolt Darvas thuộc Bruegel nhận định trên Deutsche Welle (DW).

Theo chuyên gia này, ngoài Trung Quốc, một số quốc gia khác không áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga cũng gia tăng trao đổi thương mại với Moscow, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan và Hungary.

Theo số liệu của OEC, xuất khẩu hàng hóa của Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng từ 4,18% năm 2021 lên 7,86% vào năm 2023, trong khi Kazakhstan và Hungary cũng ghi nhận mức tăng trưởng nhất định.

Tăng tốc hợp tác với Trung Quốc

Sự thay đổi quan trọng nhất trong quan hệ thương mại của Nga trong 3 năm gần đây chính là mối liên kết ngày càng chặt chẽ với Trung Quốc, cả về kinh tế lẫn địa chính trị.

Dữ liệu từ OEC cho thấy, Trung Quốc cung cấp đến 53% tổng kim ngạch nhập khẩu của Nga trong năm 2023, tăng mạnh so với mức 25,7% vào năm 2021. Các quốc gia khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) cũng gia tăng xuất khẩu sang Nga, nhưng không đáng kể so với Trung Quốc.

Trong khi đó, thị phần hàng hóa châu Âu tại Nga lại giảm kỷ lục. Trong năm 2021, EU và Anh chiếm hơn 1/3 nhập khẩu của Nga, nhưng đến cuối năm 2023, con số này chỉ còn dưới 20%.

Trung Quốc cung cấp nhiều loại hàng hóa quan trọng cho Nga, từ thiết bị máy móc (chiếm 38% tổng giá trị hàng xuất khẩu sang Nga, tương đương 110 tỷ USD vào năm 2023) đến phương tiện giao thông như ô tô, xe tải, máy kéo và linh kiện (chiếm 21%).

Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn xuất khẩu một lượng lớn kim loại, nhựa, hóa chất và dệt may sang Moscow.

Ngoài ra, chuyên gia kinh tế Elina Ribakova tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) ở Washington D.C. nói với đài DW rằng Trung Quốc không chỉ bán sản phẩm của mình mà còn đóng vai trò trung gian trong việc cung ứng linh kiện, công nghệ từ phương Tây cho Nga, đặc biệt là các mặt hàng lưỡng dụng có thể dùng cho cả mục đích dân sự và quân sự.

Kinh tế Nga thích ứng với lệnh cấm vận

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Công nghệ tương lai ở Moscow hôm 21/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định, bất chấp mọi khó khăn và thách thức, những lệnh trừng phạt từ phương Tây đã góp phần kích thích các lĩnh vực kinh tế và công nghệ của Nga.

“Các công ty Nga đang ngày càng chuyển hướng sang các nhà khoa học trong nước và nhận được những giải pháp thường hiệu quả hơn các giải pháp thay thế của nước ngoài” - Tổng thống Putin nêu rõ.

Hồi đầu tháng này, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin tuyên bố, tăng trưởng GDP của Nga đạt mức cao kỷ lục trong năm 2024.

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin. Ảnh: RT

Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin. Ảnh: RT

Thủ tướng Mishustin, trích dẫn dữ liệu do cơ quan thống kê nhà nước của Nga (Rosstat) công bố, cho biết GDP của nước này tăng 4,1% trong năm ngoái nhờ hoạt động đầu tư và tiêu dùng khởi sắc.

Theo ông Mishustin, tổng sản phẩm quốc nội của Nga năm 2024 đạt con số kỷ lục 200 nghìn tỷ ruble (hơn 2.000 tỷ USD).

Thủ tướng Mishustin nhấn mạnh rằng nền kinh tế Nga đã thích ứng thành công với các lệnh trừng phạt của phương Tây, tăng trưởng mạnh - trái ngược với tình trạng kinh tế trì trệ tại một số nền kinh tế hàng đầu EU như Đức.

Trước đó, hồi tháng 1, Tổng thống Putin cho biết, năm 2024 là một năm thành công đối với nền kinh tế Nga khi nhấn mạnh rằng các chỉ số kinh tế vĩ mô chính vẫn tích cực. Người đứng đầu Điện Kremlin lưu ý, thâm hụt ngân sách 1,7% của Nga là mức chấp nhận được, đặc biệt khi so sánh với các nền kinh tế phát triển trên thế giới.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/cach-nga-song-chung-voi-don-trung-phat-cua-phuong-tay-suot-3-nam-qua.html
Zalo