Cách nào để ngành logistics Việt Nam đẩy lùi 'độ trễ'?

Ngành logistics Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển mình, bứt phá. Tuy nhiên, điểm nghẽn cố hữu vẫn là chậm trễ và chi phí cao. Vậy, các doanh nghiệp ngành logistics Việt Nam cần làm gì để bắt nhịp với sự thay đổi toàn cầu và gia tăng sức cạnh tranh?

Chia sẻ tại Hội nghị Logistics Việt Nam 2024 tổ chức sáng 31/10 với chủ đề: “Chuyển đổi để bứt phá”, các chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành logistics đều cho rằng, ngành logistics Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển mình, bứt phá. Tuy nhiên, điểm nghẽn cố hữu vẫn là chậm trễ và chi phí cao. Theo đó, chuyển đổi để bứt phá là điều được nhiều doanh nghiệp logistics áp dụng nhằm tăng khả năng cạnh tranh, tiết kiệm chi phí, minh bạch nguồn gốc…

Năm 2023, giá trị thị trường logistics Việt Nam ước đạt khoảng 40 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 14 - 15%, đóng góp khoảng 4 - 5% GDP. Tuy nhiên, chi phí logistics của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, khiến nền kinh tế chịu áp lực lớn.

Ngành logistics Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển mình, bứt phá tuy nhiên chi phí logistics của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Ngành logistics Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để chuyển mình, bứt phá tuy nhiên chi phí logistics của Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Tiến sĩ Yap Kwong Weng, CEO Việt Nam SuperPort, cho hay ASEAN đang trở thành trung tâm sản xuất mới với dòng vốn FDI vào khu vực, đạt 236 tỷ USD năm 2023, tăng mạnh so với mức trung bình 190 tỷ USD trong giai đoạn 2020 - 2022.

Trong đó, lợi thế của ngành logistics Việt Nam là có vị trí địa lý chiến lược trong khu vực Đông Nam Á, tiếp giáp với Trung Quốc và có đường bờ biển dài, thuận lợi cho hoạt động logistics. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là thiếu các trung tâm logistics kết nối với cảng biển và sân bay lớn. Do vậy, việc hình thành các hành lang vận tải đa phương thức là cấp thiết.

Được biết, ngành logistics Việt Nam hiện có hơn 3.000 doanh nghiệp, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phụ thuộc lớn vào vận tải đường bộ và thiếu hụt các cơ sở hạ tầng chiến lược như cảng nước sâu ở Đồng bằng sông Cửu Long. Một trong những rào cản lớn mà Việt Nam phải đối mặt là chi phí logistics cao, chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành sản phẩm. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, để tăng sức cạnh tranh của Việt Nam, đòi hỏi sự phối hợp liên ngành để đưa ra các giải pháp đột phá cho ngành logistics.

Bên cạnh đó, vấn đề nguồn nhân lực logistics vẫn còn thiếu hụt, đặc biệt là những lao động có trình độ cao về công nghệ. Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain) và dữ liệu lớn (Big Data) vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi...

Để cải thiện những bất cập trên, theo nhìn nhận của ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), vấn đề mấu chốt để kéo giảm chi phí logistics là tăng tốc kết nối hạ tầng giao thông với đầu tư phát triển các trung tâm logistics, cảng cạn, đẩy mạnh vận tải đa phương thức.

Theo ông Hải, hạ tầng là yếu tố tiên quyết thúc đẩy phát triển ngành này. Nhiều công trình, dự án lớn được xây dựng, điển hình là Việt Nam đã có sân bay do tư nhân đầu tư. Việt Nam có 3 cảng biển lọt vào top 50 cảng biển lớn nhất thế giới, cùng nhiều tuyến đường cao tốc mới, tới đây lại có chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc.

Bên cạnh hạ tầng giao thông, hạ tầng kho bãi cũng phát triển. Thời gian qua, số lượng kho bãi tăng lên đáng kể, được trang bị hiện đại hơn, ứng dụng công nghệ tự động, quy mô xử lý hàng hóa cũng cao hơn.

“Đó là những hạ tầng chúng ta nhìn thấy, còn gọi là hạ tầng cứng. Về hạ tầng mềm như công nghệ thông tin, nhân lực, môi trường pháp lý… cũng đang hoàn thiện. Tất cả các yếu tố này hòa quyện, tạo nên bức tranh tổng thể, hỗ trợ cho các doanh nghiệp logistics triển khai hoạt động kinh doanh của mình”... Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nói.

Ông Đinh Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc Viettel Post cũng cho rằng, đầu tư vào dữ liệu và công nghệ sẽ giúp cải thiện năng suất và giảm thiểu chi phí. Việc xây dựng một nền tảng dữ liệu số hóa cho phép các doanh nghiệp logistics có thể dự báo và thích ứng tốt hơn với các biến động.

Ngoài ra, theo ông Đinh Thanh Sơn, các doanh nghiệp logistics cũng cần nhanh chóng thích ứng với các công nghệ tiên tiến để giữ vững thị trường. “Một trong những ứng dụng nổi bật là robot kho hàng và hệ thống quản lý hàng tồn kho tự động, giúp tối ưu hóa quy trình làm việc và giảm thời gian hoàn thành đơn hàng. Đây là một trong các giải pháp mà Việt Nam SuperPort đang triển khai...” – vị chuyên gia nhấn mạnh.

Các chuyên gia cũng chỉ ra các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy ngành logistics Việt Nam, bao gồm: Xây dựng khung chính sách hỗ trợ, hoàn thiện cơ sở hạ tầng logistics, đầu tư vào nguồn nhân lực và phát triển các trung tâm logistics chiến lược. Các bộ, ngành và địa phương cần phối hợp chặt chẽ với nhau để thực hiện đồng bộ các giải pháp này. Bên cạnh đó, việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết, liên doanh để mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh là cần thiết.

Đặc biệt, việc đẩy mạnh đầu tư công vào hạ tầng như hệ thống cảng biển, đường bộ và cảng hàng không sẽ góp phần không nhỏ trong việc tăng cường kết nối và giảm chi phí logistics. Các diễn giả cũng kêu gọi Chính phủ hỗ trợ các chính sách khuyến khích chuyển đổi số, giảm chi phí và xây dựng nền tảng công nghệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng ngành.

Hồng Hương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/cach-nao-de-nganh-logistics-viet-nam-day-lui-do-tre-1103368.html
Zalo