BoJ giữ nguyên lãi suất cơ bản, khẳng định vẫn đang đi đúng hướng
Sau quyết định giữ nguyên lãi suất, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn khẳng định quan điểm rằng họ đang trên đà đạt mục tiêu lạm phát, mở ra khả năng tăng lãi suất thêm một lần nữa trong những tháng tới.
Dự đoán tăng lãi suất vào tháng 12 hoặc tháng 1 năm sau
Đồng yên tăng giá sau khi Thống đốc BoJ Kazuo Ueda phát biểu tại một cuộc họp báo rằng biến động tiền tệ đang có tác động lớn đến nền kinh tế Nhật Bản và xu hướng giá cả. Thống đốc Ueda và các thành viên khác trong hội đồng quản trị đã quyết định giữ nguyên lãi suất qua đêm không được bảo đảm ở mức khoảng 0,25%, theo tuyên bố ngày 31/10 của BoJ.
Trong tuyên bố của mình, BoJ cho biết họ sẽ chú ý đến diễn biến của các nền kinh tế khác, đặc biệt là Mỹ. Cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu bầu tổng thống vào tuần tới và các nhà đầu tư đang cảnh giác trước rủi ro biến động lớn trên thị trường.
Tuy nhiên, BoJ vẫn giữ quan điểm rằng họ vẫn đi đúng hướng để tiếp tục tăng lãi suất, mặc dù đã điều chỉnh một số dự báo và hạ đánh giá rủi ro cho năm tài chính hiện tại. Điều đó khiến các nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhà kinh tế băn khoăn liệu động thái tiếp theo của BoJ sẽ diễn ra vào tháng 12 hay tháng 1 năm sau.
Đồng yên hôm 31/10 đã tăng giá 0,9% so với đồng đô la Mỹ lên 152,06 JPY đổi 1 USD sau phát biểu của Thống đốc Ueda. Trong khi đó, chứng khoán Nhật Bản giảm nhẹ trong bối cảnh lo ngại đồng yên tăng giá sẽ gây tổn hại cho các nhà xuất khẩu, với chỉ số Topix giảm 0,3%. Tương tự, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản đã giảm 1,5 điểm cơ bản xuống còn 0,935%.
Toru Suehiro, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng đầu tư Daiwa Securities cho biết: "BoJ cho thấy nhìn chung họ đang đi đúng hướng để tiếp tục bình thường hóa". Mặc dù bất ổn chính trị trong nước gia tăng, "cá nhân tôi không nghĩ rằng sự bất ổn đó sẽ ngăn cản BoJ tăng lãi suất", đại diện Daiwa Securities nói thêm.
Ngoài cuộc đua giữa Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump để giành quyền lãnh đạo Nhà Trắng, sự bất ổn chính trị trong nước cũng là một yếu tố có thể khiến BoJ thận trọng trong thời điểm hiện tại.
Chính phủ hành động ra sao nếu đồng yên trượt sâu một lần nữa?
Cuối tuần qua, đảng Dân chủ Tự do cầm quyền đã hứng chịu kết quả bầu cử tồi tệ nhất trong 15 năm, một kết quả có khả năng làm suy yếu sức mạnh của đảng này trong việc thúc đẩy các biện pháp kinh tế và phối hợp nhanh chóng với BoJ.
Cú lao dốc của thị trường chứng khoán toàn cầu vào tháng 8 năm nay sau khi BoJ tăng lãi suất vào tháng 7 có thể là một yếu tố khác khiến cơ quan này có lý do để giữ nguyên hiện tại. BoJ đã vấp phải sự chỉ trích vì đã góp phần gây ra sự sụt giảm của chứng khoán do đã không báo hiệu đầy đủ về ý định tăng lãi suất trước thời hạn.
Keiichi Iguchi, chiến lược gia cấp cao tại công ty tài chính Resona Holdings cho biết: "BoJ rất khó có thể hành động với tình hình chính trị và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới". "Tuy nhiên, tôi thấy lãi suất sẽ tăng vào tháng 12 vì việc tăng lương đang tiến triển tốt và các công ty, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, liên tục chuyển chi phí cao hơn vào giá cả của họ".
Trong báo cáo triển vọng hàng quý, BoJ đã nhắc lại ý định tăng lãi suất khi triển vọng lạm phát của họ trở thành hiện thực. Cơ quan tiền tệ Nhật Bản tiếp tục khẳng định họ kỳ vọng xu hướng lạm phát cơ bản sẽ phù hợp với mục tiêu ổn định 2% của mình trong nửa sau của dự báo triển vọng 3 năm kết thúc vào tháng 3/2027.
"BoJ không thể chờ quá lâu để kìm hãm thêm các biện pháp kích thích. Với mức lương và giá cả tăng cao, và đồng yên phải đối mặt với áp lực giảm giá mới, rủi ro lạm phát vượt quá mục tiêu 2% có thể tăng lên", Taro Kimura, nhà kinh tế tại Bloomberg Economics, nhận định.
Cơ quan tiền tệ Nhật Bản đã giữ nguyên cảnh báo rủi ro tăng đối với dự báo triển vọng giá cả của mình. Đó là một dấu hiệu cho thấy bất chấp tất cả những bất ổn hiện tại, cơ quan tiền tệ Nhật Bản nhận thấy xu hướng lạm phát dài hạn đang đi đúng hướng với khả năng mạnh lên, một quan điểm ủng hộ khả năng tăng lãi suất thêm nữa trong tương lai.
Cơ quan này cũng dẫn chứng "rõ ràng" việc tăng lương danh nghĩa là một dấu hiệu cho thấy họ đặt niềm tin lớn hơn về một chu kỳ lành mạnh giữa tiền lương và lạm phát mà họ đang tìm kiếm để tăng trưởng giá bền vững.
Nhiều nhà quan sát chính sách của BoJ coi biến động của đồng yên là một trong những yếu tố quyết định thời điểm cơ quan tiền tệ Nhật Bản thực hiện động thái chính sách tiếp theo, vì một đợt trượt giá nữa của đồng yên có thể làm gia tăng áp lực lạm phát khi các hộ gia đình ở đất nước "mặt trời mọc" đang phải vật lộn với chi phí sinh hoạt tăng cao.
Nếu đồng yên trượt giá xuống mức 155 JPY đổi 1 USD, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba có khả năng sẽ ra tín hiệu chấp nhận tăng lãi suất, theo ước tính trung bình của các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát gần đây của Bloomberg. Việc đồng yên tăng giá nhẹ gần đây cho thấy BoJ phần lớn đã đưa ra thông điệp đúng đắn cho hiện tại.
Ngoài kết quả bầu cử tổng thống Mỹ có thể ảnh hưởng đến các thị trường, thì việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) dự kiến cắt giảm lãi suất vào tuần tới có thể giúp ích cho đồng yên.
Bộ Tài chính Nhật Bản sẽ rất kỳ vọng đồng yên tránh xa tỷ giá trên 150 JPY/USD, gần với tỷ giá mà họ đã phải ra tay can thiệp gần đây nhất vào tháng 7. Theo Bloomberg, Bộ Tài chính Nhật Bản đã chi hơn 100 tỷ USD để hỗ trợ đồng yên kể từ đầu năm đến nay.