Kiên Giang - Những cột mốc trong nửa thế kỷ vươn mình: Bài 1: Khôi phục sau chiến tranh

(KGO) - Năm 2025 đánh dấu cột mốc 50 năm tỉnh Kiên Giang được giải phóng, chính thức hòa vào dòng chảy phát triển chung của đất nước. Nửa thế kỷ qua, vượt qua biết bao biến động lịch sử, vùng đất cực Tây Nam Tổ quốc không ngừng vươn lên, khơi dậy và phát huy tiềm năng to lớn trên mọi lĩnh vực. Loạt bài “Kiên Giang - những cột mốc trong nửa thế kỷ vươn mình” là những lát cắt chân thực được đúc kết từ tư liệu lịch sử và ký ức của những người đã đi qua năm tháng. Mỗi bài viết tái hiện một giai đoạn quan trọng trên hành trình phát triển của tỉnh từ những ngày đầu tái thiết sau chiến tranh, đến những bước chuyển mình đầy bản lĩnh và những thành tựu nổi bật trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và hiện đại hóa. Đây là những câu chuyện về vùng đất Kiên Giang gian lao mà anh dũng, đồng thời còn là lời tri ân sâu sắc đến tinh thần kiên cường, ý chí đổi mới và nỗ lực bền bỉ của những con người đã và đang làm nên diện mạo Kiên Giang hôm nay.

Bài 1: Khôi phục sau chiến tranh

Sau tiếng pháo mừng chiến thắng năm 1975, Kiên Giang bước vào một chặng đường mới đầy thử thách. Những gì được lưu lại từ sách vở, báo chí, nghị quyết và cả trong ký ức của những người làm cách mạng cho thấy đây là giai đoạn mà từng tấc đất, từng hạt giống, từng con người đều phải bươn chải để gầy dựng lại cuộc sống sau chiến tranh.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Kiên Giang cùng cả nước bước vào thời kỳ mới thống nhất và xây dựng. Tuy nhiên, cùng với niềm vui thống nhất là hàng loạt vấn đề nan giải chồng chất, trong đó nổi bật nhất là thiếu thốn, cơ chế quản lý chưa phù hợp và những tác động khắc nghiệt từ thiên nhiên.

VƯỢT KHÓ TRÊN ĐỒNG HOANG

Cuối năm 1976, Đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang lần thứ nhất được tổ chức. Nghị quyết của Đại hội xác định nông nghiệp là thế mạnh hàng đầu. Đó không chỉ là lựa chọn phù hợp với thực tế mà còn là niềm tin đặt vào sức lao động của nông dân Kiên Giang, vào đất đai phì nhiêu, vào khả năng tự nuôi sống của vùng đất này. Các trạm, trại phục vụ chăn nuôi, trồng trọt được xây dựng, số lượng máy cày, máy kéo tăng nhanh. Người dân được huy động làm thủy lợi lớn, khai hoang, mở ruộng. Mô hình nông trường quốc doanh được triển khai đồng loạt, nhiều nông trường lớn như Vĩnh Điều A, Vĩnh Điều B, Bình Sơn 1, 2, 3 và Kiên Hảo được hình thành, ứng dụng kỹ thuật của miền Bắc vào sản xuất lúa, khóm.

Cũng trong thời gian này, một làn sóng di dân về vùng kinh tế mới được tổ chức. Đây là nỗ lực để vừa giải quyết việc làm ở thành thị, vừa tận dụng đất hoang hóa. Những khu kinh tế mới ban đầu có sinh khí mạnh, người dân cần cù lao động, nhưng sau một thời gian, do thiếu kiến thức sản xuất nông nghiệp, chưa quen điều kiện lao động mới, hiệu quả bắt đầu giảm sút, dẫn đến tình trạng chán nản. Nhiều người rời bỏ vùng kinh tế mới quay về thành phố tìm đường sống khác.

Song song đó, mỗi mùa khô, tỉnh lại huy động hàng ngàn lượt dân công đào kênh thủy lợi. Những con kênh như Kiên Hảo, T3 ban đầu chỉ là mương đào bằng thủ công, sau này được mở rộng bằng cơ giới trở thành những tuyến giao thông thủy quan trọng. Tỉnh cũng cho đắp các đập ngăn mặn như đập Ba Hòn, đập Đèn Đỏ (Hà Tiên), đập ở Lình Huỳnh (Hòn Đất)... nhưng năm 1978, do mưa lũ lớn, một số đập buộc phải phá bỏ khẩn cấp bằng mìn để cứu ruộng đồng.

Chủ trương cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp được triển khai mạnh từ năm 1978. Tất cả xã nông thôn làm lễ ra quân khí thế. Các huyện đưa cán bộ về tận cơ sở, vận động nông dân vào các tập đoàn sản xuất quy mô 30 hộ/50ha đất, làm ăn theo phương thức chia công điểm. Đến năm 1980, Kiên Giang đã có 574 tập đoàn sản xuất, 1 hợp tác xã nông nghiệp và 17 tập đoàn máy kéo. Một con số ấn tượng trong bối cảnh thiếu thốn đủ bề. Xã Ngọc Chúc (Giồng Riềng) trở thành điểm sáng của tỉnh khi hoàn tất việc đưa nông dân vào làm ăn tập thể, tổ chức tốt đời sống, sản xuất và nghĩa vụ với Nhà nước.

Quân giải phóng tiến vào thị xã Rạch Giá sau ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu

Quân giải phóng tiến vào thị xã Rạch Giá sau ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, sau khí thế ban đầu là những vấn đề phát sinh như trình độ quản lý kém, phương tiện sản xuất thiếu, thói quen canh tác nhỏ lẻ chưa thay đổi. Mâu thuẫn giữa người có tư liệu sản xuất và người không có ngày càng rõ. Nhiều tập đoàn sản xuất rơi vào tình trạng hình thức, năng suất thấp, tinh thần làm chủ của người dân không được phát huy đúng mức.

ÁNH SÁNG NƠI VÙNG SÂU

Giai đoạn này, một cơn lũ lịch sử năm 1978 càng khoét sâu thêm những khó khăn. Lúa bị mất trắng trên diện rộng, dân phải ăn độn khoai, củ. Cán bộ, công nhân viên ăn bo bo thay gạo. Trong y tế, thuốc men thiếu trầm trọng. “Xuyên tâm liên” được dùng thay thế nhiều loại thuốc. Giao thông, vận tải xuống cấp, việc đi lại giữa các vùng trở nên gian nan...

Tháng 3-1978, Kiên Giang thực hiện cải tạo công thương nghiệp tư nhân. Tài sản tư nhân được kiểm kê đưa vào thương nghiệp quốc doanh, các hợp tác xã mua bán được thành lập. Chế độ tem phiếu chính thức đi vào đời sống, thịt heo chỉ có ở cửa hàng quốc doanh, hàng hóa khan hiếm, hàng giả và chợ đen bắt đầu xuất hiện. Tuy vậy, đến năm 1979, thương nghiệp quốc doanh đã chuyển từ phân phối sang kinh doanh, vừa phục vụ dân sinh, vừa điều về Trung ương các mặt hàng như lúa gạo, hải sản, heo hơi. Tỉnh bắt đầu xuất khẩu được tôm đông lạnh, nước mắm, khóm tươi - đó là những mầm xanh đầu tiên của thương mại hiện đại sau này.

Cũng trong thời gian này, văn hóa - xã hội Kiên Giang có bước phát triển mới, dù còn chậm và thiếu. Trường lớp được mở đến tận ấp, xã. Từ năm 1976, tỉnh mở trường sư phạm cấp tốc để đào tạo giáo viên đưa về vùng sâu, vùng xa. Đến năm 1980 có hơn 2.300 giáo viên được đào tạo. Song song đó là chiến dịch xóa mù chữ năm 1976-1977, huy động giáo viên, học sinh tham gia. Kết quả ban đầu rất khả quan nhưng do thiếu duy trì, tình trạng tái mù chữ lại tái diễn.

Đời sống tinh thần của người dân được chăm lo qua những đài truyền thanh huyện, đội văn nghệ, đội chiếu phim lưu động. Nhiều bài hát cách mạng dần trở nên quen thuộc với bà con vùng sâu. Những sáng tác mới ca ngợi quê hương, ca ngợi chiến thắng biên giới được lan tỏa. Sách báo, băng đĩa của chế độ cũ bị thu giữ, thay vào đó là các tác phẩm cách mạng, phim ảnh các nước xã hội chủ nghĩa. Rạp chiếu bóng ở Rạch Giá, Hà Tiên, Rạch Sỏi hoạt động đều đặn, dù cơ sở vật chất còn đơn sơ.

Năm 1980, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ hai thẳng thắn nhìn nhận: Sự nghiệp văn hóa - xã hội có phát triển nhưng còn chậm, thiếu thốn và nhiều bất cập. Tỷ lệ trẻ em đến trường thuộc hàng thấp nhất cả nước (trên 50%). Giáo viên thiếu trầm trọng, chất lượng chưa cao. Mạng lưới y tế yếu kém, nhất là ở vùng nông thôn. Tình trạng tiêu cực trong ngành y tế xảy ra phổ biến. Ánh sáng văn hóa mới chưa chạm tới được vùng sâu. Tệ nạn xã hội còn nhiều. Đời sống nhân dân vẫn còn quá khó khăn, thu nhập thấp, thiếu việc làm ở thị xã, thị trấn, chính sách hậu phương quân đội thực hiện còn yếu.

Tuy vậy, những gì được đặt nền móng trong giai đoạn này vẫn là tiền đề cho những chuyển mình về sau. Trong cái khó có cái khôn. Trong thiếu thốn lại sinh ra nhiều sáng tạo. Và trên tất cả là niềm tin rằng con người Kiên Giang sẽ không khuất phục trước gian khổ. Một thời bươn chải, nhưng đó là bước đầu cần thiết của một hành trình dài để vươn mình.

VIỆT TIẾN

Bài 2: Nỗ lực vượt khó và đổi mới (gắn link........)

Bài 3: Khám phá con đường phát triển (gắn link........)

Bài 4: Hai thập niên kiến tạo diện mạo hiện đại (gắn link........)

Bài cuối: Cất cánh từ cực Tây Nam Tổ quốc (gắn link........)

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/chinh-tri/kien-giang-nhung-cot-moc-trong-nua-the-ky-vuon-minh-bai-1-khoi-phuc-sau-chien-tranh-25634.html
Zalo