Cách mạng tinh gọn bộ máy từ tư duy mới trong xây dựng pháp luật

Thấu hiểu sâu sắc nội dung Nghị quyết 66/NQ-TW của Trung ương Đảng và những phát biểu đầy ấn tượng, đầy cảm xúc của Tổng Bí thư Tô Lâm trong thời gian gần đây về thể chế pháp luật, chúng ta cùng suy nghĩ về tư duy mới trong xây dựng pháp luật.

Để triển khai việc xây dựng thể chế pháp luật đạt được yêu cầu mong muốn, trước hết cộng đồng xã hội, nhất là những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí truyền thông cần thường xuyên đăng tải những thông tin trên báo chí và mạng xã hội về những câu chuyện thực tiễn, những ý kiến phản biện, những bình luận theo tư duy mới của Đảng để các cơ quan chức năng, các chuyên gia xây dựng pháp luật có thêm thông tin tham khảo phục vụ tốt nhất cho hoạt động lập pháp, tạo thuận lợi nhất cho việc thực thi pháp luật.

Trong phạm vi bài viết này, tôi xin được dẫn ra đây một số câu chuyện thực tiễn cần tư duy mới trong xây dựng pháp luật:

Tiến tới chấm dứt cơ quan công quyền không làm đúng chức năng, doanh nghiệp phải đi "sân sau"

Yêu cầu của Đảng là thể chế pháp luật phải bảo đảm quyền con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có quyền tự do kinh doanh. Pháp luật phải bảo đảm và bảo vệ doanh nghiệp và các chủ thể kinh tế khác kinh doanh theo pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp phải hứng chịu nhiều tác động trái khoáy do những hạn chế, bất cập về luật, lệ và lợi ích nhóm.

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 68/NQ-TW về phát triển kinh tế tư nhân. Lần đầu tiên trong lịch sử, Đảng ta xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất trong nền kinh tế. Để Nghị quyết được thực hiện thành công, cần phải nhìn lại một chặng đường đầy những rào cản, vướng mắc do chính thể chế pháp luật và đạo đức công vụ của công chức, doanh nhân tạo ra.

Chỉ nói riêng việc cấp phép cũng đã có đầy những câu chuyện trái khoáy. Doanh nghiệp muốn được các cơ quan công quyền đối xử tốt thì phải tìm cách trở thành "sân sau" của quan chức, hoặc phải tốn nhiều tiền chi phí bôi trơn. Nếu không thì “hãy đợi đấy”.

Có những dự án do chờ đợi thông qua thủ tục thẩm định, phê duyệt, doanh nghiệp phải tốn rất nhiều khoản chi phí. Khi hoàn thành, quyết toán có nhiều dự án bị lỗ mà nguyên nhân chính là do khó khăn ách tắc từ phía các cơ quan chức năng.

Theo quan điểm của Đảng, lẽ ra cơ quan chức năng có quyền cấp phép phải hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ để doanh nghiệp làm ăn thuận lợi. Làm thế mới đúng với quan điểm của Đảng, pháp luật của nhà nước và đạo đức công vụ của cán bộ công chức. Tuy nhiên, trên thực tế, trong nhiều trường hợp, cán bộ trong cơ quan chức năng không làm đúng chức trách được giao, thậm chí là lợi dụng chức vụ, gây khó khăn cho doanh nghiệp để trục lợi.

Vấn đề đặt ra ở đây là các quy phạm pháp luật mới phải tạo được bình đẳng trong quan hệ giữa chính quyền và doanh nghiệp. Chính quyền phải coi doanh nghiệp là đối tác. Chính quyền có nghĩa vụ quản lý doanh nghiệp theo pháp luật và bảo đảm đầy đủ sự tin cậy với sứ mệnh phục vụ người dân và doanh nghiệp. Triệt tiêu cơ chế xin cho.

Công chức hưởng lương và sẽ được trả lương cao hơn để phục vụ, hỗ trợ, giúp đỡ người dân và doanh nghiệp. Quy phạm pháp luật mới sẽ có những giám sát, kiểm soát, không còn chỗ cho những kẻ lợi dụng chức quyền gây khó dễ cho người dân, doanh nghiệp để trục lợi.

Bảo hộ môi trường kinh doanh lành mạnh - lợi cả nhà nước, cả doanh nghiệp

Cả thế giới đang chuyển mình vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số. Vấn đề xây dựng pháp luật của nhiều nước chưa theo kịp là chuyện bình thường. Nhưng không bình thường là ở chỗ, có nhiều doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, dịch vụ công nghệ phải xin giấy phép và đăng ký hoạt động ở nước ngoài.

Có nhiều sản phẩm dịch vụ công nghệ, thương mại điện tử, tài chính với mô hình kinh doanh đa cấp từ nước ngoài được đưa về Việt Nam, người Việt Nam tham gia với số lượng rất lớn. Trong đó có những dự án người tham gia có thu nhập lớn, nhưng nhà nước chưa thu được thuế.

Có những dự án thiếu sức cạnh tranh, mô hình kinh doanh không có sức hút gặp rủi ro, hoặc có những dự án lừa đảo, người tham gia mất rất nhiều tiền. Trong lĩnh vực kinh doanh theo xu thế mới này, theo dự đoán của một số chuyên gia, về tổng thể vừa qua mất nhiều hơn được. Dòng tiền chảy từ Việt Nam ra nước ngoài nhiều hơn dòng tiền vào túi cá nhân người Việt tham gia thị trường số.

Vấn đề đặt ra ở đây là, quy phạm pháp luật mới sẽ tạo được sân chơi cho người dân và doanh nghiệp vừa hội nhập với quốc tế, vừa hút được dòng tiền từ nước ngoài vào Việt Nam, vừa bảo đảm an toàn, tránh được rủi ro cho người tham gia. Vai trò cơ quan chức năng và các tổ chức công nghệ ở đây là gì. Quản lý các doanh nghiệp, dự án công nghệ trong và ngoài nước như thế nào để đạt được yêu cầu nêu trên.

Cải cách từ tư duy con người thực hành, quản lý bộ máy

Như đã đề cập, nhân dân tin tưởng đang tin tưởng dưới sự điều hành của Tổng Bí thư Tô Lâm, câu chuyện quản lý nhà nước, quản lý xã hội ở Việt Nam có sẽ có nhiều bước đột phá. Trước hết, nhiều điểm nghẽn, nút thắt kéo dài nhiều thập kỷ nay đang được tháo gỡ, nhiều ung nhọt đang được giải phẫu và điều trị.

Một bộ máy tinh gọn, kiến tạo hiệu năng, hiệu quả với mục đích phụng sự nhân dân đang được kiện toàn. Những người không có đức hy sinh vì cộng đồng, coi nhẹ lợi ích chung, nặng lợi ích cá nhân, không đủ tâm, đức, tài năng, bản lĩnh thực hiện chức trách nhiệm vụ sẽ bị loại ra khỏi bộ máy nhà nước.

Vị trí công chức, viên chức, sĩ quan Quân đội và Công an đều phải là những người có đủ 3 chữ: Tâm, Tầm, Tài.

Tuy nhiên, trong lúc tranh tối, tranh sáng, thể chế pháp luật chưa được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện kịp yêu cầu của Đảng thì thói quen lợi dụng pháp luật, chính sách để trục lợi vẫn còn hiện hữu ở nhiều nơi. Ngay trong lĩnh vực an sinh xã hội, một lĩnh vực được Trung ương Đảng rất quan tâm, giờ vẫn chưa thể thoát ra khỏi cơ chế cũ.

Nếu đặt mục tiêu đến năm 2030, toàn dân được miễn viện phí, thì ngay bây giờ bệnh nhân cần được thanh toán bằng bảo hiểm y tế 100%. Mua bảo hiểm y tế là để khám chữa bệnh. Nhưng người bệnh đến bệnh viện lại có những thuốc, dịch vụ không thể thanh toán bằng bảo hiểm. Đây là một bất cập và cũng là kẻ hở cho lợi ích nhóm. Đến khi được miễn viện phí người dân lại phải chi tiền nhiều hơn khi chưa được miễn. Đây là những chuyện mà việc xây dựng các quy phạm pháp luật mới phải tính đến.

Chuyện dạy và học thì sao? chính sách của Đảng phấn đấu để miễn học phí là rất tuyệt vời. Nhưng khi miễn học phí rồi, nhiều khoản đóng góp khác của phụ huynh học sinh như hiện nay đang là áp lực cho nhiều gia đình có thu nhập thấp.

Vấn đề chi phí khám chữa bệnh của nhân dân, học hành của sinh viên, học sinh được tối ưu ra sao sau cùng vẫn là người dân phải móc hầu bao của mình ra bao nhiêu. Đây mới là con số mà các quy định mới để thực hiện chủ trương, chính sách ưu việt cẩn phải quan tâm. Trong khi bệnh viện và trường học đang thực hiện theo cơ chế tự chủ, để thực hiện được chính sách tốt đẹp của Đảng cũng không dễ.

Vấn đề nhà ở xã hội cũng là câu chuyện đang làm biến thái bản chất tốt đẹp của chính sách. Nhà ở xã hội được Trung ương Đảng và Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các đối tượng chính sách.

Nhưng người đi mua nhà đúng chính sách cũng phải chi một khoản tiền lớn ngoài tiền mua nhà mới mua được.

Nhà nước có rất nhiều ưu đãi cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Như được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án; chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn và không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Được ưu đãi thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế; Được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội; Được dành tỷ lệ tối đa 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại, nhà ở thương mại.

Thế mà, người đi mua nhà phải “chạy” để được duyệt mua. Cơ quan có quyền xét duyệt hồ sơ mua nhà ở xã hội, phải chăng đã lợi dụng chính sách tốt đẹp để trục lợi, biến sự ưu đãi của nhà nước thành sở hữu riêng. Vậy ở đây vẫn còn kẻ hở pháp luật để biến của công thành của tư. Các quy định pháp luật mới quản lý nhà ở xã hội thế nào để bảo đảm theo quan điểm của Đảng?

Hoặc vấn đề quản lý chung cư, một tòa nhà vừa có sự quản lý của chủ đầu tư, vừa có ban quản trị, vừa có công ty vận hành các dịch vụ. Người dân và người kinh doanh rất bức xúc với những khoản thu dịch vụ chồng chéo, vượt giá trần quy định của nhà nước, vừa cảm thấy cuộc sống bị áp đặt, thiếu bình đẳng đối với cả những công ty làm thuê. Chủ trả tiền nhưng không đúng nghĩa là chủ.

Đại tá Nguyễn Hòa Văn

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/cach-mang-tinh-gon-bo-may-tu-tu-duy-moi-trong-xay-dung-phap-luat-179250513113302703.htm
Zalo