Cách mạng Tháng Tám và những đổi thay của Bắc Kạn
Những ngày này, Nhân dân cả nước đang hân hoan trong không khí hào hùng của Cách mạng Tháng Tám lịch sử và Kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh (02/9/1945 – 02/9/2024). Chung niềm vui ấy, những người cao tuổi có dịp ôn lại lịch sử, sự đổi thay của quê hương Bắc Kạn.
Thanh xuân cống hiến
Chúng tôi đến thăm Thượng tá Nguyễn Quân, nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Đảng, Học viện Hậu cần, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, hiện ông trú tại tổ 11A, phường Đức Xuân (thành phố Bắc Kạn). Ông là người đã tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Dù đã 93 tuổi, nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, trí nhớ minh mẫn. Khi nhắc về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh đầu tiên, ông nhớ như in, dường như chuyện vừa mới xảy ra.
Ông kể: Ngày ấy thông tin truyền thông không có, đường sá đi lại khó khăn, bị chia cắt bởi tàn dư chiến tranh, nên thời khắc Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, người dân Bắc Kạn chỉ nghe mọi người truyền tai nhau, nhưng ai cũng phấn khởi, vì từ nay được độc lập, năm ấy tôi mới 16 tuổi. Sau đó, năm 1947, tôi xung phong theo cách mạng thuộc Trung đoàn 72 Bắc Kạn có nhiệm vụ giải phóng Bắc Kạn. Ngày 07/10/1947 quân Pháp nhảy dù xuống chiếm thị xã Bắc Kạn. Quân và dân Bắc Kạn hiệp đồng với các đơn vị bộ đội chủ lực để tác chiến với địch trên các mặt trận. Ngày 09/8/1949, để tránh nguy cơ bị bao vây, tiêu diệt quân địch tháo chạy khỏi thị xã, Phủ Thông, Ngân Sơn lên Cao Bằng, quân ta hoàn toàn chiếm lại thị xã Bắc Kạn. Đây là thị xã đầu tiên của cả nước được giải phóng, tạo bước ngoặt mở đầu cho thắng lợi tiếp theo của quân và dân ta. Ngày 17/8/1949, ta truy kích địch ở Bằng Khẩu và phá hủy 15 xe quân sự, diệt gần 100 tên, thu nhiều chiến lợi phẩm. Với chiến thắng này, quân và dân Bắc Kạn đã đập tan âm mưu chiếm đóng của địch, giải phóng hoàn toàn quê hương.
Ngày 24/8/1949, lễ mừng Ngày chiến thắng tỉnh Bắc Kạn giải phóng được tổ chức trọng thể tại sân bay thị xã Bắc Kạn. Tại đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy đã trực tiếp đọc Nhật lệnh tuyên dương chiến công của quân và dân Bắc Kạn. Nhân dịp này, Bác Hồ gửi thư cho Nhân dân Bắc Kạn, có đoạn “Trong cuộc trường kỳ kháng chiến của ta, lần này là lần đầu tiên một thị xã quan trọng đã được giải phóng. Cuộc thắng lợi này sẽ làm đà cho những thắng lợi khác to lớn hơn, vẻ vang hơn…”. Ngày đó, đường từ đến các huyện chỉ đi bộ, mỗi huyện một đoàn người cơm nắm, muối vừng ra dự lễ mít tinh và bà con thị xã nấu cơm phục vụ. Cuộc sống thiếu thốn nhưng bà con tự may cờ, một sắc đỏ sao vàng tung bay. Ai nấy đều phấn khởi, hạnh phúc, tự hào vì đã được cởi trói khỏi mọi sự đàn áp bóc lột.
Bắc Kạn giải phóng, ông Quân tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của người lính, đến năm 1987 ông nghỉ hưu trở về địa phương. 40 năm tham gia cách mạng thì có gần 20 năm trực tiếp chiến đấu trên chiến trường. Sau nghỉ hưu, ông tham gia vào công tác Đảng của phường, thị xã và khi thành lập Hội Cựu chiến binh tỉnh Bắc Kạn, ông Quân được phân công nhận nhiệm vụ tại Hội cho đến năm 2007.
Bắc Kạn đổi thay qua hồi ức của người thợ “sửa thời gian”
Sắc trời vào thu, dưới hàng cây sấu gần tòa nhà Bưu điện tỉnh Bắc Kạn, ông Phạm Duy Đắc, với mái đầu đã bạc vẫn hằng ngày cặm cụi, cần mẫn, tỉ mỉ với từng vòng quay của kim giây, kim phút trên những chiếc đồng hồ. Giữ trọn với niềm vui người thợ “sửa thời gian” suốt 54 năm, ông đã chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của một thị xã nhỏ bé nay là một thành phố trẻ sầm uất như hôm nay.
Được truyền lại nghề từ năm 1970, hồi đó để có đồng hồ đeo là một sự xa xỉ. Bà con còn thiếu đói, thị xã lúc đó chủ yếu vẫn là đồng ruộng với vài nhà văn phòng, đường giao thông ít. Vì vậy, khi ông Đắc lựa chọn theo nghề sửa đồng hồ, nhiều người cho là khá “mạo hiểm”. Trải qua bao nhiêu năm, với chiếc tủ kính cùng dăm ba chiếc đồng hồ hư, vài bộ dây da khiêm nhường, ông vẫn theo nghề đến ngày hôm nay. “Con cái đã trưởng thành cả rồi, tôi cũng không cần tiền bạc nữa. Giải nghệ cũng không biết làm gì, nên cứ ra đây nhì nhằng kiếm sống, gặp vài người bạn già ngồi hàn huyên cũng thấy vui”- ông Đắc trải lòng.
Với 54 năm làm nghề, ông Đắc thay đổi nhiều vị trí ngồi. Tuy nhiên, góc nhỏ ngay trục đường trung tâm thành phố này được ông gắn bó lâu năm nhất. Tại đây, ông Đắc chứng kiến rõ sự thay đổi của phố phường Bắc Kạn. Ông Đắc chia sẻ: Tấp nập quá nhiều khi tôi lại nhớ về thị xã bình yên năm nào. Có nhiều điều mất đi không tìm lại được, nhưng cuộc sống của người dân hiện tại đã thay đổi rất nhiều, đã “ăn ngon, mặc đẹp”, nhà cao cửa rộng kiên cố.
Với thâm niên tuổi nghề, ông Đắc là một “lão làng” trong số những người làm nghề sửa đồng hồ ở Bắc Kạn. Ông cũng đã đào tạo được thế hệ nối nghiệp tại các huyện trong tỉnh. Dù 72 tuổi, mắt kém, nhưng đôi tay ông vẫn khéo léo lắp từng chi tiết nhỏ trên chiếc đồng hồ. Với ông, đây là “cái nghiệp”, nên đến khi nào sức khỏe giảm khiến cho đôi tay ông run thì mới nghỉ nghề.
Năm tháng đi qua, một chặng đường dài với rất nhiều đổi thay nhưng giá trị lịch sử, sự cống hiến của lớp người đi trước vẫn còn vẹn nguyên. Qua mỗi câu chuyện lại thêm một lần nhắc nhở, những người con của Bắc Kạn hôm nay và mai sau tự hào, quý trọng và hăng hái thi đua lao động, sản xuất, học tập, góp sức xây dựng quê hương Bắc Kạn ngày càng giàu mạnh, văn minh./.