Cách Malaysia thu hút đầu tư nước ngoài

Các nền kinh tế năng động trên toàn thế giới đang thu hút sự quan tâm của các tổ chức tài chính phương Tây, nhưng ít có nơi nào sôi động như ở Malaysia.

Quốc gia Đông Nam Á này, vốn nổi tiếng là trung tâm xuất khẩu hàng hóa và sản xuất, đang được hưởng lợi từ quyết tâm của các công ty trong việc giảm rủi ro do căng thẳng thương mại đang diễn ra.

Tổng Giám đốc điều hành Standard Chartered (Anh) Saif Malik từng làm việc tại Malaysia cho rằng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng là chủ đề toàn cầu rất quan trọng. Rủi ro địa chính trị đã thúc đẩy nhiều công ty đánh giá lại thị trường mà họ đầu tư và điều đó đang diễn ra ở những nơi như Malaysia. Chủ nghĩa đa văn hóa sôi động của quốc gia này là một lợi thế lớn trên trường thế giới.

Cảng hàng hóa Penang ở Butterworth, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Cảng hàng hóa Penang ở Butterworth, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Nghiên cứu của Standard Chartered thực hiện trong quý đầu tiên của năm 2024 và dựa trên khảo sát 400 ngân hàng cho thấy, 25% số người được hỏi có kế hoạch đầu tư hoặc phát triển kinh doanh tại Malaysia trong 12 tháng tới. Trong khi đó, chỉ có Trung Quốc đại lục và Ấn Độ đạt điểm cao hơn trong số tất cả các thị trường năng động trên toàn thế giới.

Năm 2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài của Malaysia đạt kỷ lục 69,5 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này năm 2024 là 4,3% do sự thận trọng về tài chính và khuôn khổ chính sách tiền tệ đáng tin cậy.

Malaysia hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng

Đồng quản lý danh mục đầu tư của Quỹ Cổ phiếu thị trường mới nổi toàn cầu thuộc Công ty quản lý tài sản Federated Hermes Chris Clube cho biết, Malaysia đang được hưởng lợi từ việc các chuỗi cung ứng dịch chuyển khỏi Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và phía Nam Trung Quốc vì họ đã đầu tư vào việc tạo ra cơ sở chuỗi cung ứng điện tử từ những năm 1970.

Malaysia có lịch sử lâu đời trong việc sản xuất hàng hóa công nghệ cao nên đã có sẵn một hệ sinh thái. Malaysia cũng được hưởng lợi vì vừa sử dụng cả tiếng Anh lẫn tiếng Trung. Những điểm thu hút này đã khiến một số công ty sản xuất lần đầu tiên thành lập công ty tại nước này hoặc mở rộng các hoạt động hiện có. Trong đó, lĩnh vực bán dẫn là lĩnh vực trọng tâm, bao gồm các công ty chip khổng lồ của Mỹ như Micron và Intel, cũng như các công ty bán dẫn của châu Âu là OSRAM và Infineon.

Bang Penang thuộc phía Bắc Malaysia, nơi có khu thương mại tự do và cảng vận chuyển bận rộn đã thu hút Intel vào năm 1972, đang tiếp tục cung cấp các ưu đãi thuế hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, phía Nam Malaysia cũng đang chứng kiến sự gia tăng đầu tư và toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn của nước này đã chuyển chuỗi giá trị sang công nghệ tiên tiến hơn.

Năm 2023, Malaysia chiếm số lượng nhập khẩu vi mạch của Mỹ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.

Sản xuất là ưu tiên liên tục của các nhà đầu tư

Theo nghiên cứu của Standard Chartered, 53% nhà đầu tư có ý định đầu tư vào Malaysia cho biết sản xuất là một trong những cơ hội hấp dẫn nhất. Các nhà đầu tư cũng đang bị thu hút bởi các chính sách xanh, hỗ trợ về mặt chính trị và các lĩnh vực khác. Ví dụ, 55% nhà đầu tư đã nhìn thấy cơ hội đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng khi kinh tế Malaysia mở rộng nhanh chóng, trong khi cũng có 42% nhìn thấy tiềm năng trong năng lượng tái tạo.

Sản xuất lắp ráp ô tô của doanh nghiệp nước ngoài tại Malaysia. Ảnh: TTXVN

Sản xuất lắp ráp ô tô của doanh nghiệp nước ngoài tại Malaysia. Ảnh: TTXVN

Malaysia có kế hoạch phi carbon hóa đầy tham vọng nhất ở châu Á, với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Công ty tư vấn McKinsey đã xác định cơ hội phát triển bền vững ở Malaysia là một trong những cơ hội hấp dẫn nhất châu Á. Theo McKinsey, quốc gia này có vị thế vững chắc trong các lĩnh vực như thu giữ và lưu trữ carbon, năng lượng tái tạo, nhiên liệu sinh học và hydro. Do đó, Malaysia có cơ hội đáng kể để trở thành nhân tố chính trong tăng trưởng kinh doanh xanh và phát triển bền vững ở châu Á.

Ông Chris Clube cho rằng các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng khai thác tiềm năng này khi đẩy mạnh những lời chào mời đối với các doanh nghiệp quốc tế thông qua các điều khoản thuận lợi bao gồm đất đai, tín dụng và các ưu đãi khác để thành lập công ty trong nước. Các nhà đầu tư cũng đang kỳ vọng chính quyền trung ương cũng sẽ tiếp tục cung cấp loại hình hỗ trợ này.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã hành động theo định hướng này bằng cách đưa ra Kế hoạch tổng thể công nghiệp mới 2030 nhằm giúp GDP của ngành sản xuất tăng trưởng 6,5% mỗi năm cho đến năm 2030 và Lộ trình chuyển đổi năng lượng quốc gia nhằm tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững hơn.

Những sáng kiến này có thể đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố niềm tin của các nhà đầu tư.

Cũng theo nghiên cứu, 34% nhà đầu tư tại Malaysia cho biết sự ổn định chính trị là một trong những tiêu chí để lựa chọn điểm đến đầu tư và phát triển kinh doanh, trong khi chỉ 37% nhà đầu tư lựa chọn chất lượng cơ sở hạ tầng.

Bằng cách tận dụng lợi thế chiến lược trong sản xuất và công nghệ xanh, Malaysia đang định vị mình là điểm đến ngày càng hấp dẫn đối với các tổ chức tài chính phương Tây.

An Nguyễn (P/v TTXVN tại Kuala Lumpur)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cach-malaysia-thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai/352028.html
Zalo