Cách làm sáng tạo để nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh quân sự

Việc thu hút nhân lực, tạo nguồn cán bộ kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là nhiệm vụ quan trọng của Quân đội ta hiện nay. Trong đó, công tác tuyển sinh quân sự (TSQS) chính là khâu 'ươm mầm', giữ vai trò nền tảng phục vụ quá trình đào tạo chuyên sâu. Vừa qua, tại Hội thi tuyên truyền, hướng nghiệp TSQS do Quân khu 9 tổ chức đã xuất hiện nhiều nhân tố tích cực, cách làm sáng tạo trong công tác này.

Năm 2024, lần đầu tiên Quân khu 9 tổ chức Hội thi tuyên truyền, hướng nghiệp TSQS với sự tham gia của ban TSQS 12 tỉnh, thành phố trên địa bàn. Các đội tranh tài qua 3 phần thi: Đề cương tuyên truyền; thuyết trình theo đề cương chuẩn bị và kiến thức nghiệp vụ công tác TSQS. Thượng tá Mai Văn Chính, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Bến Tre cho biết: “Từ kết quả hội thi cấp tỉnh, chúng tôi tuyển chọn lực lượng, đầu tư xây dựng chương trình tham gia cấp Quân khu với chủ đề: “Thấu hiểu, chia sẻ, đồng hành, chắp cánh ước mơ”; trong đó, tập trung vào khâu biên soạn đề cương đúng quy chế, bảo đảm chất lượng, đồng thời, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tuyên truyền nắm chắc các phương pháp tư vấn, hướng nghiệp TSQS sát thực tế các trường THPT ở địa phương”.

 Phần thi tuyên truyền của Ban Tuyển sinh quân sự tỉnh Bạc Liêu.

Phần thi tuyên truyền của Ban Tuyển sinh quân sự tỉnh Bạc Liêu.

Đại diện Bộ CHQS tỉnh Tiền Giang tham gia tranh tài, Thiếu tá Nguyễn Văn Tiến, Trợ lý Chính trị Ban CHQS thị xã Cai Lậy cho biết: “Qua duyệt chương trình, anh em trong đội tiếp thu ý kiến đóng góp của chỉ huy, cơ quan chuyên môn để rút kinh nghiệm, điều chỉnh kịch bản sao cho thật cô đọng nhưng phải bảo đảm nội dung. Bởi, thực tế thời gian tổ chức một buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh chỉ giới hạn 40-60 phút”.

Bám sát quy chế hội thi, các đội khéo léo vận dụng linh hoạt hình thức tuyên truyền miệng kết hợp sân khấu hóa để lồng ghép giới thiệu hệ thống học viện, nhà trường Quân đội; đối tượng, khu vực, tiêu chuẩn tuyển sinh; trình tự đăng ký sơ tuyển và quyền lợi, nghĩa vụ của thí sinh sau khi trúng tuyển... Đây là những vấn đề cơ bản nhất của công tác TSQS hằng năm tại các địa phương theo hướng dẫn của Ban TSQS Bộ Quốc phòng.

Phần thi của Ban Tuyển sinh quân sự tỉnh Bến Tre.

Phần thi của Ban Tuyển sinh quân sự tỉnh Bến Tre.

Điểm nhấn của hội thi năm nay, ngoài xây dựng tiểu phẩm để dẫn dắt nội dung trọng tâm thì các đội còn kết hợp khai thác yếu tố lịch sử, truyền thống địa phương nhằm giáo dục, khơi dậy niềm tự hào cho các em học sinh. Thượng úy Ngô Thanh Thảo, Trợ lý Chính trị Ban CHQS huyện Ba Tri (Bộ CHQS tỉnh Bến Tre) là thí sinh đoạt giải nhất tại hội thi, chia sẻ: “Ngoài tuyên truyền về Phong trào Đồng khởi, “đội quân tóc dài” và những vị tướng lĩnh quê ở Bến Tre, chúng tôi còn lồng ghép phương pháp nắm nguyện vọng thông qua phiếu khảo sát để tư vấn, đồng hành với các em học sinh từ khi sơ tuyển”.

Thể hiện phần tuyên truyền TSQS có mời cán bộ đang công tác trong LLVT địa phương là cựu học sinh của nhà trường về giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm là cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả cao của đội Ban TSQS TP Châu Đốc (Bộ CHQS tỉnh An Giang). Trung tá Nguyễn Phát Huy, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS TP Châu Đốc, cho biết: “Đây là phương pháp giúp “truyền lửa” cho các em học sinh cuối cấp có thêm động lực, sự tự tin đăng ký TSQS. Với cách làm trên, thời gian qua, công tác TSQS của địa phương đạt nhiều kết quả đáng kể. Riêng năm 2024, địa phương có 7 thí sinh trúng tuyển vào các trường Quân đội, đạt trên 21%, vượt chỉ tiêu nghị quyết của Đảng ủy Quân sự thành phố đề ra là 13%”.

Ban tổ chức trao giải tặng các thí sinh đạt thành tích xuất sắc tại hội thi.

Ban tổ chức trao giải tặng các thí sinh đạt thành tích xuất sắc tại hội thi.

Nếu như phần thuyết trình đòi hỏi thí sinh phải nắm vững đề cương, vận dụng linh hoạt nhiều kỹ năng, thể hiện bản lĩnh, khả năng bao quát sân khấu, thì ở phần thi hiểu biết về kiến thức nghiệp vụ TSQS, thí sinh phải đưa ra đáp án chính xác trong thời gian ngắn. Nhờ thể hiện xuất sắc ở phần thi này, Đại úy Phan Nhật Thanh Phương, Trợ lý Tuyên huấn, Phòng Chính trị Bộ CHQS tỉnh Bạc Liêu góp sức giúp đơn vị đoạt giải nhất toàn đoàn.

Theo đánh giá từ Ban tổ chức, chất lượng hội thi năm nay khá đồng đều. Các đội chuẩn bị chu đáo, đầu tư xây dựng chương trình công phu, thể hiện rõ năng lực, phương pháp tuyên truyền. Nhiều đề cương dự thi có giá trị tham khảo phục vụ tốt công tác tuyên truyền, hướng nghiệp TSQS. Thiếu tướng Huỳnh Chiến Công, Phó tham mưu trưởng Quân khu 9 nhấn mạnh: “Kết quả hội thi là cơ sở để Quân khu rà soát, đánh giá chất lượng công tác TSQS trên địa bàn, đồng thời tuyển chọn hạt nhân tham gia thi cấp toàn quân. Từ những kinh nghiệm, cách làm hay tại hội thi, ban TSQS các cấp cần nghiên cứu, vận dụng phù hợp với thực tiễn địa phương, qua đó thu hút nhân lực, tạo nguồn cán bộ góp phần xây dựng Quân đội ngày càng vững mạnh”.

Năm 2024, trên địa bàn Quân khu 9 có 3.342 hồ sơ đủ điều kiện đăng ký TSQS. Kết quả có 727 thí sinh trúng tuyển (đạt 21,75%, tăng 172 thí sinh so với năm 2023). Các địa phương có số lượng thí sinh trúng tuyển cao như các tỉnh: Đồng Tháp (110), An Giang (99), Bạc Liêu (73), Kiên Giang (73).

Bài và ảnh: BÁCH KHOA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/cach-lam-sang-tao-de-nang-cao-chat-luong-cong-tac-tuyen-sinh-quan-su-804368
Zalo