Cách kiểm soát tăng huyết áp
Nhiều người bị huyết áp cao trong nhiều năm mà không biết vì không có triệu chứng. Khi huyết áp tăng cao, nếu không được điều trị sẽ gây tổn thương động mạch và các cơ quan quan trọng trong cơ thể. Đó là lý do tại sao huyết áp cao thường được gọi là 'kẻ giết người thầm lặng'.
Tăng huyết áp hay gặp ở người lớn tuổi và thường không có nguyên nhân, hay còn gọi là tăng huyết áp vô căn hoặc nguyên phát, khoảng 10% tình trạng có nguyên nhân, còn gọi là tăng huyết áp thứ phát.
Khoảng 90% trường hợp huyết áp tăng cao không xác định được nguyên nhân. Bệnh có tính gia đình, khi nhiều người trong gia đình cùng mắc tình trạng này, đặc biệt là lúc lớn tuổi hoặc có đái tháo đường.
Ngoài ra, còn có các yếu tố khác dễ dẫn đến mắc cao huyết áp như: Thói quen ăn mặn (nhiều muối), hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, dư cân hoặc béo phì, ít vận động thể lực, có nhiều căng thẳng, áp lực trong cuộc sống.
Chính vì vậy, việc kiểm soát huyết áp của mình là vô cùng quan trọng.
- Theo dõi huyết áp và đi khám thường xuyên
Việc theo dõi tại nhà có thể giúp người bị tăng huyết áp kiểm tra huyết áp của mình, đảm bảo lối sống được thay đổi tích cực, đồng thời cảnh báo cho người bệnh và bác sĩ điều trị biết các biến chứng tiềm ẩn đối với sức khỏe. Máy đo huyết áp hiện được bán rộng rãi và cần trao đổi với bác sĩ về việc theo dõi tại nhà trước khi bắt đầu thực hiện.
Nếu huyết áp cao hơn 140/90mmHg thì cần đến gặp bác sĩ để khám. Bác sĩ sẽ lên kế hoạch để giúp điều chỉnh tốt huyết áp của bạn.
Ngoài ra, khi bị tăng huyết áp thì việc khám bệnh thường xuyên cũng là giải pháp giúp kiểm soát huyết áp. Nếu huyết áp được kiểm soát tốt, hãy trao đổi với bác sĩ về tần suất cần tái khám. Khi thay đổi về loại thuốc hoặc phương pháp điều trị, bác sĩ có thể đề nghị kiểm tra huyết áp bắt đầu từ hai tuần sau khi thay đổi điều trị và một tuần trước khi tái khám.
Cách kiểm soát tăng huyết áp không dùng thuốc:
- Thay đổi lối sống
Việc điều trị tăng huyết áp không dùng thuốc được khuyến khích ở bệnh nhân tăng huyết áp độ 1, không có biến chứng bệnh tim mạch và tổn thương cơ quan đích, đáp ứng với thay đổi lối sống xảy ra sau 4 - 6 tháng đầu.
Biện pháp điều chỉnh lối sống cụ thể như sau:
- Giảm cân nặng bằng chế độ ăn ít năng lượng giúp cải thiện tình trạng kháng insulin, đái tháo đường, rối loạn lipid máu và phì đại thất trái. Ở người thừa cân hoặc béo phì nếu giảm 10kg cân nặng sẽ làm giảm 5 - 10mmHg mức huyết áp tâm thu.
- Tuân thủ chế độ ăn nhiều trái cây, rau, các thực phẩm ít chất béo, giảm ăn các loại mỡ bão hòa và mỡ toàn phần sẽ làm giảm huyết áp tâm thu từ 8 - 14mmHg.
- Chế độ ăn giảm muối, giàu kali và canxi: Không quá 6g muối ăn một ngày có thể sẽ làm giảm huyết áp tâm thu từ 2 - 8mmHg.
- Bỏ thuốc lá, rượu bia
Hạn chế uống rượu: Uống rượu với mức độ vừa phải có thể làm giảm huyết áp từ 2 - 4mmHg. Mỗi ngày không uống quá hai ly nhỏ, tương đương 30ml ethanol (tức khoảng 720ml bia hay 300ml rượu hoặc 90ml whisky). Không hút thuốc lá, nếu nghiện hãy bỏ thuốc lá, vì hút thuốc cũng tạo ra gánh nặng lớn cho trái tim của bạn.
- Tập thể dục thường xuyên
Tăng cường hoạt động thể lực: Có thể làm giảm 4 - 9mmHg huyết áp tâm thu. Vận động cơ thể đều đặn như đi bộ nhanh, chạy chậm ít nhất 30 phút mỗi ngày hoặc chơi các môn thể thao.
Lý tưởng nhất là bạn nên tập thể dục 30 phút/ngày và cố gắng duy trì 5 ngày mỗi tuần. Bạn có thể bắt đầu ngày hôm nay bằng cách đơn giản nhất như đi bộ, đạp xe đạp, chạy bộ, bơi lội...
- Uống thuốc theo đúng chỉ dẫn
Với những bệnh nhân tăng huyết áp theo khuyến cáo nên bắt đầu biện pháp thay đổi lối sống cùng với việc dùng thuốc. Vì vậy, cần duy trì thuốc uống thường xuyên theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, kể cả khi huyết áp của bạn đã ổn định hơn. Tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc.
Tóm lại: Tăng huyết áp được mệnh danh là "kẻ giết người thầm lặng" vì hầu hết những người bị tăng huyết áp đều không có bất kỳ triệu chứng nào. Theo thời gian điều này có thể gây ra những ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe. Vì vậy, điều quan trọng là phải kiểm soát tình trạng tăng huyết áp, điều này sẽ giúp giảm nguy cơ biến chứng, cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ đột quỵ .
Bởi khi bị huyết áp cao, nguy cơ tử vong vì bệnh tim sẽ tăng cao gấp 3 lần. Xơ vữa động mạch góp phần gây huyết áp cao, ngược lại huyết áp cao trong thời gian dài lại làm trầm trọng thêm tình trạng xơ vữa động mạch. Các ghi nhận còn cho thấy tăng huyết áp gây ra những tổn thương cho các động mạch, làm cho đột quỵ dễ xảy ra hơn. Việc kiểm soát tốt huyết áp sẽ giảm được 25% nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch; Cải thiện chất lượng cuộc sống và tăng tuổi thọ của người bệnh.