Cách hành xử khi 'giữa đàng gặp chuyện bất bình': An toàn, văn hóa và trách nhiệm cộng đồng

Cần kịp thời khen thưởng, biểu dương các cá nhân có hành động đẹp, can ngăn bạo lực, hỗ trợ người bị nạn; đồng thời xử lý mạnh tay đối với hành vi bạo lực nơi công cộng.

Diễn đàn: Cách hành xử khi “giữa đàng gặp chuyện bất bình” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức nhận được rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Gần đây, nhiều người chỉ vì những va chạm, xô xát lặt vặt trên đường mà phải hứng chịu những đòn tấn công của những "kẻ mạnh". Những video được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội cho thấy, có những vụ nạn nhân đã lẻ loi chịu đựng, mà không nhận được sự can thiệp kịp thời từ những người đi đường khác; có những vụ khi vào can thiệp giúp đỡ nạn nhân thì lại bị vạ lây.

Vậy khi vô tình chứng kiến một tình huống bạo lực nơi công cộng, người chứng kiến nên làm gì để thành người tốt đúng, trúng và an toàn là vấn đề được bạn đọc bàn luận sôi nổi.

Can ngăn nhưng cần an toàn

“Theo tôi, sự vô cảm trong những tình huống bạo lực nơi công cộng là điều không thể chấp nhận. Nếu ai cũng chỉ đứng nhìn mà không hành động thì sẽ không có ai giúp đỡ nạn nhân khi họ cần sự trợ giúp. Tuy nhiên, người dân cần được giáo dục về cách xử lý tình huống bạo lực khi tham gia giao thông, chẳng hạn như việc tự trang bị các kỹ năng sơ cứu, cách giữ bình tĩnh khi chứng kiến sự việc và đặc biệt là thông tin liên hệ của cơ quan chức năng. Trước tình trạng bạo lực tăng cao, tôi đề xuất cần có các khóa huấn luyện về ứng xử và can thiệp khi gặp phải tình huống khẩn cấp, nhằm giúp cộng đồng không chỉ có kiến thức mà còn có khả năng hỗ trợ nạn nhân một cách hiệu quả và an toàn - bạn đọc Phạm Minh.

“Tôi lo ngại trước tình trạng bạo lực nơi công cộng đang gia tăng và sự thiếu ý thức của cộng đồng trong việc can thiệp khi chứng kiến sự việc. Tôi cho rằng trong các tình huống như vậy, việc đứng nhìn mà không hành động có thể tạo ra hình ảnh một xã hội bất an và thiếu trách nhiệm cộng đồng. Mỗi người dân, khi chứng kiến tình huống bạo lực, nếu sợ liên lụy vì can ngăn trực tiếp, thì có thể ngay lập tức gọi điện báo cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, tránh hậu quả xấu” - bạn đọc Vân Khánh.

 Vào đêm giao thừa ở quận 1, hai vợ chồng liên tục đánh người đi đường, chửi bới và hỏi “mày biết tao là ai không”. Ảnh: Cắt từ clip.

Vào đêm giao thừa ở quận 1, hai vợ chồng liên tục đánh người đi đường, chửi bới và hỏi “mày biết tao là ai không”. Ảnh: Cắt từ clip.

“Nếu là người dân bình thường, không có nghiệp vụ, khi vô tình chứng kiến bạo lực nơi công cộng như va chạm sau va chạm giao thông, mâu thuẫn giữa cá nhân, nhóm người,... thì nên đứng từ xa để gọi điện cho lực lượng chức năng. Vì trong bất kể trường hợp bạo lực nào, sự an toàn của bản thân là điều quan trọng nhất. Việc can thiệp vào vụ xô xát có thể dẫn đến những hậu quả không lường trước được, đặc biệt là khi đối phương có thể là những người có hành vi côn đồ, có hung khí, có thể sẵn sàng tấn công bất cứ ai dám ngăn cản. Những trường hợp như vậy, việc ghi lại video và thông báo cho công an là cách làm hợp lý và an toàn hơn cả - bạn đọc Quỳnh Thư.

 Chiều 2-1, Đại tá Nguyễn Hải Phước - Trưởng Công an quận 1 (TP.HCM) trao thư khen cho anh Hà Hữu Vinh, tài xế xe công nghệ, người đã dũng cảm can ngăn hai vợ chồng đánh người đi đường ở quận 1. Ảnh: CA

Chiều 2-1, Đại tá Nguyễn Hải Phước - Trưởng Công an quận 1 (TP.HCM) trao thư khen cho anh Hà Hữu Vinh, tài xế xe công nghệ, người đã dũng cảm can ngăn hai vợ chồng đánh người đi đường ở quận 1. Ảnh: CA

Đẩy lùi cái xấu, tôn vinh hành động đẹp

“Tôi kiến nghị tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về văn hóa giao thông và quyền lợi của mỗi người khi tham gia giao thông; để từ đó việc hỗ trợ nhau trong các tình huống bạo lực giao thông sẽ trở thành hành động tự nhiên. Cơ quan chức năng cần kịp thời khen thưởng, biểu dương các cá nhân có hành động đẹp, can ngăn bạo lực, hỗ trợ người bị nạn; đồng thời mạnh tay đối với hành vi bạo lực nơi công cộng, để làm gương và giảm thiểu những sự cố không đáng có- bạn đọc Hoàng Nam.

“Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bạo lực giao thông là sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông. Vì vậy, việc tăng cường các chiến dịch tuyên truyền về hành vi ứng xử đúng đắn, về văn hóa giao thông và các hệ lụy của bạo lực giao thông là rất cần thiết. Những chiến dịch này có thể được tổ chức qua các phương tiện truyền thông đại chúng, trên mạng xã hội và đặc biệt là trong các trường học và cơ sở đào tạo lái xe. Từ đó, mỗi cá nhân sẽ ý thức hơn về trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông và sẵn sàng can thiệp hoặc giúp đỡ khi chứng kiến hành vi bạo lực - bạn đọc Hồng Đào.

“Có thể xem xét thiết lập các đường dây nóng hoặc ứng dụng hỗ trợ khẩn cấp để người dân có thể thông báo kịp thời khi chứng kiến vụ việc bạo lực nơi công cộng. Các ứng dụng này có thể cho phép người dân không chỉ báo cáo vụ việc mà còn có thể ghi lại video, hình ảnh trực tiếp để cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng một cách nhanh chóng và chính xác. Việc này sẽ giúp cơ quan chức năng có thể phản ứng kịp thời, đồng thời giúp người chứng kiến có một công cụ an toàn để hỗ trợ công tác điều tra và xử lý” - bạn đọc Thế Nam.

THẢO HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/cach-hanh-xu-khi-giua-dang-gap-chuyen-bat-binh-an-toan-van-hoa-va-trach-nhiem-cong-dong-post828230.html
Zalo