Cách giúp tân sinh viên vượt qua nỗi nhớ nhà
Một số gợi ý giúp tân sinh viên vượt qua nỗi nhớ nhà, thích nghi quá trình học tập và sinh sống ở môi trường đại học.
Nhớ nhà là một phần tự nhiên của quá trình chuyển giao và trưởng thành
Sinh viên khi phải xa nhà, sinh sống, học tập ở môi trường mới, đặc biệt là các sinh viên đi học ở một thành phố mới, xuất hiện cảm giác nhớ nhà là điều hoàn toàn bình thường và phổ biến. Đây là vấn đề phần lớn sinh viên gặp phải, đòi hỏi phải thích nghi và điều chỉnh để có thể học tập và làm việc tốt hơn.
Trong những lúc gặp khó khăn, áp lực trong học tập, công việc hoặc các vấn đề trong cuộc sống, sinh viên có thể cảm thấy cô đơn và muốn trở về nhà, nơi có cảm nhận được an toàn và được động viên, khích lệ. Đây là một phần tự nhiên của quá trình chuyển giao và trưởng thành.
Nếu vượt qua được nỗi nhớ nhà, đó có thể là động lực để sinh viên cố gắng học tập và nhanh chóng làm quen với môi trường sống mới. Ngược lại, nếu không thể vượt qua, cảm giác nhớ nhà có thể làm giảm khả năng tập trung, ảnh hưởng xấu đến việc học tập hay công việc.
Cách giúp tân sinh viên vượt qua nỗi nhớ nhà
Đối diện và chấp nhận
Đối diện và chấp nhận nỗi nhớ nhà là bước đầu quan trọng trong việc vượt qua cảm giác này. Con người có nhu cầu mạnh mẽ để cảm thấy được yêu thương, chấp nhận và kết nối với người khác. Khi sống xa nhà, đặc biệt là trong một môi trường mới, nhu cầu này càng trở nên rõ ràng hơn. Đối mặt với nỗi nhớ nhà, sinh viên cần tìm cách duy trì tốt trạng thái sức khỏe tâm lý và cảm giác hạnh phúc.
Cảm giác sẽ giảm dần theo thời gian, vì vậy, việc thẳng thắn đối diện và chấp nhận mới là cách để bản thân mỗi sinh viên có thể tận hưởng được thời gian tươi đẹp của những năm tháng sinh viên.
Kết nối với mọi người
Xuất phát từ nhu cầu yêu thương và kết nối, sinh viên có thể nhanh chóng giảm đi cảm giác nhớ nhà bằng cách kết nối với mọi người ở môi trường mới.
Theo một nghiên cứu, có tới 70% sinh viên năm nhất đại học đối mặt với nỗi nhớ nhà trong kỳ học đầu tiên. Điều này cho thấy, bản thân sinh viên sẽ không bị đơn độc trải qua cảm giác này, luôn có những người cùng chung cảm xúc để chia sẻ và cùng nhau vượt qua nếu mở lòng.
Ở mỗi môi trường sinh hoạt, học tập và làm việc khác nhau sẽ có những cách khác giúp sinh viên tạm quên đi nỗi nhớ nhà. Gần gũi nhất với sinh viên chắc hẳn là các sinh viên khác. Sinh viên nên tận dụng cơ hội gặp gỡ bạn cùng phòng hoặc các bạn học trong lớp hoặc thử tham gia các câu lạc bộ, nhóm học tập hoặc sự kiện để có thêm nhiều mối quan hệ, chia sẻ cảm xúc hoặc trao đổi về các kinh nghiệm bản thân, từ đó có thể có sự kết nối sâu sắc hơn.
Việc tìm thêm những người bạn mới là cách hiệu quả để vơi bớt nỗi nhớ nhà cũng như thích nghi nhanh chóng với điều kiện sống mới. Bên cạnh đó, việc giao tiếp, kết nối và có thêm nhiều mối quan hệ như vậy sẽ giúp bản thân sinh viên dễ dàng hơn trong học tập, làm việc không chỉ trong hiện tại mà còn trong cả tương lai.
Tìm hiểu môi trường xung quanh
Việc tìm hiểu thêm về môi trường sống mới cũng phần nào giúp sinh viên gác lại nỗi nhớ nhà da diết. Khám phá, tìm hiểu những điều mới không chỉ giúp sinh viên cảm thấy thoải mái hơn mà còn mở ra nhiều cơ hội để kết nối và tạo ra kỷ niệm.
Sinh viên nên tận dụng cơ hội sinh sống tại thành phố, khu dân cư mới để tìm hiểu thêm nhiều thông tin, địa điểm, con người và nhiều điều đặc trưng, làm phong phú thêm trải nghiệm của bản thân.
Sinh viên có thể lựa chọn những địa danh, công trình nổi tiếng, và điểm tham quan hay tham gia vào các sự kiện tại địa phương như lễ hội, hoạt động cộng đồng, hoạt động giải trí,...
Đồng thời, những lúc rảnh, sinh viên cũng có thể tìm hiểu môi trường sống xung quanh như quán xá, con người, đường đi,... để tiện hơn cho việc sinh sống trong một thời gian dài tại đây.
Việc khám phá và tìm hiểu môi trường sống mới không chỉ giúp sinh viên làm quen với cuộc sống ở một thành phố mới mà còn mở ra cơ hội để học hỏi và trưởng thành. Tất nhiên, điều này giúp làm giảm cảm giác nhớ nhà và tạo ra những trải nghiệm tích cực trong hành trình học tập và sống xa nhà.
Tập trung cho bản thân
Khi sống xa gia đình, sinh viên phải làm quen với việc sống tự lập mà không có nhiều sự hỗ trợ từ bố mẹ. Thế nhưng, đây cũng là cơ hội để sinh viên có thể làm những việc bản thân mong muốn mà vẫn chưa thực hiện được ở nhà và tất nhiên vẫn nằm trong khuôn khổ cho phép.
Sinh viên có thể nâng cao giá trị và cải thiện bản thân tự khám phá và phát huy những sở thích và kỹ năng cá nhân, từ việc học một môn học mới, tham gia các hoạt động ngoại khóa, đến việc chăm sóc sức khỏe và xây dựng thói quen tích cực. Sinh viên nên chủ động tham gia vào các câu lạc bộ, nhóm hoạt động hoặc sự kiện xã hội tại trường để tạo dựng một mạng lưới hỗ trợ và tìm kiếm sự kết nối.
Hãy tập trung vào bản thân mình, điều này giúp sinh viên có thể vừa giảm cảm giác nhớ nhà vừa giúp bản thân năng động, tích cực và phát triển tốt hơn, phù hợp với môi trường học tập và làm việc đầy cạnh tranh. Đây cũng là việc giúp bản thân sinh viên có một nền tảng vững chắc hơn trong tương lai.
Liên lạc thường xuyên với gia đình
Ngày nay, công nghệ đã quá phát triển, việc gặp mặt đã trở nên vô cùng đơn giản. Nếu như nhớ nhà hoặc cần tâm sự, nói chuyện với gia đình, sinh viên có thể gọi điện hoặc video call cho gia đình bất kỳ lúc nào và từ bất kỳ đâu.
Những lúc bản thân cảm thấy áp lực, mệt mỏi hoặc cảm thấy nhớ, cần tìm sự động viên từ gia đình, chỉ cần một cuộc gọi nhanh là bạn có thể chia sẻ cảm xúc, tâm sự và nhận được sự hỗ trợ tinh thần từ những người thân yêu. Điều này giúp sinh viên không còn cảm giác cô đơn và an tâm hơn khi bạn đang sống xa gia đình. Đồng thời, đó cũng giúp cho phụ huynh thấy yên tâm hơn về tình trạng của con cái khi sống tại một nơi xa lạ.
Bên cạnh đó, hệ thống giao thông hiện nay cũng vô cùng phát triển, sinh viên có thể về thăm nhà lúc rảnh hoặc bất kỳ lúc nào nếu muốn với chi phí không quá đắt đỏ. Với thời gian học tập không quá nhiều ở chương trình đại học, sinh viên hoàn toàn có thể lên kế hoạch cho chuyến đi về thăm nhà, tận hưởng những khoảnh khắc quý báu bên bố mẹ và gia đình.