Cách giữ ấm cho trẻ khi ngủ vào mùa đông

Mùa đông thời tiết lạnh giá, việc giữ ấm cho trẻ rất quan trọng. Giữ ấm giúp trẻ tránh khỏi các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là cảm lạnh, viêm phổi.

Nhiễm lạnh mùa đông trẻ dễ mắc các bệnh đường hô hấp như: ho, đau bụng, viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản, cảm cúm,… thậm chí viêm phổi.

Đối với trẻ nhỏ việc giữ ấm vào mùa đông vô cùng quan trọng và không hề đơn giản. Nếu như mặc quá nhiều quần áo cho trẻ có thể sẽ khiến trẻ quá nóng, toát mồ hôi nhiều và bị ngấm ngược trở lại dẫn đến cảm lạnh.

Nguyên tắc giữ ấm cho trẻ

Cần giữ bụng ấm: Bụng được giữ ấm giúp bảo vệ hệ tiêu hóa của trẻ. Bụng bị lạnh sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hệ tiêu hóa cũng như khả năng hấp thụ thức ăn, nhu động ruột tăng lên gây đi ngoài, tiêu chảy,

Cần giữ bàn chân ấm: Bàn chân là một trong những bộ phận nhạy cảm nhất trên cơ thể trẻ. Nếu bàn chân không được giữ ấm, trẻ có nguy cơ cao bị mắc các bệnh về đường hô hấp như ho, cúm…

Cần giữ bàn tay ấm.

Cần giữ lưng ấm: Tương tự như bàn tay, lưng trẻ cũng nên được giữ ấm bởi nếu trẻ bị đổ mồ hôi ở lưng và không được lau, thấm ngay lập tức, mồ hôi sẽ thấm ngược vào cơ thể trẻ, dẫn đến nhiễm lạnh.

Cho trẻ mặc loại áo liền quần hoặc đắp chăn túi và đi tất đề phòng bị nhiễm lạnh.

Cho trẻ mặc loại áo liền quần hoặc đắp chăn túi và đi tất đề phòng bị nhiễm lạnh.

Lưu ý khi cho trẻ đi ngủ vào mùa đông

Chú ý nhiệt độ trong phòng

Để giữ ấm cho trẻ vào mùa đông, mẹ cần đảm bảo phòng ngủ của trẻ đủ kín đáo, không bị gió lùa.

Trong phòng của bé nên duy trì nhiệt độ 25-28 độ C, có thể sử dụng điều hòa, lò sưởi, quạt sưởi, nhưng tuyệt đối không dùng bếp than vì khí CO2 có thể gây độc, ngạt cho bé và những người xung quanh.

Không được ủ ấm quá mức

Mẹ cần chọn quần áo ngủ cho con sao cho an toàn, thoải mái và giúp bé duy trì thân nhiệt tốt nhất. Đồ ngủ của bé không nên dày, bí quá. Mẹ nên chọn trang phục bằng sợi tự nhiên mềm.

Tránh đồ ngủ có ruy-băng, dây buộc, đính chuỗi hạt hoặc những chi tiết trang trí khác vì nó có thể quấn cổ bé.

Mặc quần áo theo lớp

Hãy mặc cho trẻ nhiều lớp quần áo mỏng thay vì ít lớp quần áo dày. Một quy tắc cơ bản là cha mẹ nên mặc cho trẻ nhiều hơn một lớp so với người lớn trong cùng một điều kiện thời tiết. Nên lựa chọn cho trẻ những món đồ quần áo co giãn tốt và dễ cởi để có thể linh hoạt điều chỉnh số lớp áo hợp lý.

Một lưu ý khác là quần áo mùa đông của trẻ cũng nên dễ thấm hút mồ hôi và cha mẹ cần thường xuyên kiểm tra mồ hôi ở lưng trẻ để đảm bảo số lớp quần áo là vừa đủ, để mồ hôi không toát ra và thấm ngược lại lưng trẻ khiến nhiễm lạnh dễ gây bệnh.

Chăm sóc giấc ngủ

Trẻ nhỏ khi ngủ thường hay đạp tung chăn, hở chân, hở bụng... Điều này sẽ khiến cho bé bị lạnh bụng dẫn đến ho, viêm phổi, đau bụng hoặc rối loạn tiêu hóa... Tuy nhiên không ông bố, bà mẹ nào có thể thức cả đêm để kéo áo, che bụng cho con... Vì vậy, trước khi trẻ đi ngủ nên cho trẻ mặc loại áo liền quần hoặc cho trẻ đắp chăn túi và đi tất cho trẻ đề phòng trẻ bị nhiễm lạnh.

Đối với trẻ sơ sinh, đầu là nơi tạo ra khoảng 40% thân nhiệt, nhưng đồng thời lại là nơi giải phóng đến 85% nhiệt độ cơ thể. Chính vì vậy, việc đội mũ và dùng băng quấn thóp là cần thiết với bé mới sinh (đặc biệt là các bé sinh non) nhưng với bé khỏe mạnh và đã được vài tháng tuổi, việc đội mũ khi ngủ là không cần thiết, mà ngược lại sẽ khiến nhiệt độ vùng đầu của bé tăng cao, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của não bộ.

Với trẻ nhỏ chưa tự đi vệ sinh cha mẹ nên kiểm tra và thay tã cho bé thường xuyên để tránh cho cơ thể bé nhiễm lạnh vì tã ướt quá lâu.

Tóm lại: mùa đông thời tiết lạnh giá việc giữ ấm cho trẻ rất quan trọng giúp trẻ tránh khỏi các bệnh cảm lạnh, viêm phổi,… Nếu trẻ có dấu hiệu mắc các bệnh về đường hô hấp thì bố mẹ nên đưa ngay đến cơ sở y tế để có biện pháp điều trị kịp thời.

BS Nguyễn Văn Bàng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/cach-giu-am-cho-tre-khi-ngu-vao-mua-dong-169241223212832804.htm
Zalo