Cách EU 'chen chân' trở lại bàn đàm phán hòa bình Nga-Ukraine do Mỹ khởi xướng

Châu Âu kiên quyết không dỡ bỏ trừng phạt kinh tế đối với Điện Kremlin để đổi lấy lệnh ngừng bắn trên Biển Đen, nhằm khẳng định vai trò quan trọng của mình trong tiến trình hòa đàm giữa Nga và Ukraine hiện do Washington dẫn dắt.

Châu Âu tăng gấp đôi lệnh trừng phạt

Một số quan chức phương Tây cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cố tình trì hoãn lệnh ngừng bắn nhằm tìm kiếm thêm sự nhượng bộ từ các bên tham gia đàm phán, đồng thời làm trầm trọng hơn rạn nứt giữa châu Âu và chính quyền Trump trong các cuộc đàm phán có thể tái định hình an ninh khu vực.

Châu Âu nắm trong tay các lệnh trừng phạt mà Nga mong muốn được dỡ bỏ, bao gồm cả việc loại Moscow khỏi hệ thống thanh toán SWIFT có trụ sở tại Bỉ. Các lệnh trừng phạt này được Liên minh châu Âu xem xét lại định kỳ 6 tháng một lần và cần sự đồng thuận của toàn bộ 27 quốc gia thành viên để gia hạn. Hungary, quốc gia có quan hệ thân thiết với Moscow, thường xuyên đe dọa sẽ phủ quyết việc gia hạn trừng phạt.

Dù vậy, các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn tỏ ra cứng rắn trong vấn đề trừng phạt Nga, vốn được xem là điểm nghẽn trong nỗ lực của Washington nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn vượt ra ngoài khuôn khổ Biển Đen. The Washington Post dẫn lời một quan chức giấu tên cho rằng, nếu Điện Kremlin muốn đàm phán về lệnh trừng phạt, “họ sẽ phải nói chuyện với chúng tôi”. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao châu Âu cũng thận trọng trước nguy cơ bị xem là bên cản trở tiến trình đàm phán nếu chính quyền Trump có hướng mềm mỏng hơn với Nga. Đây là một kịch bản có thể làm trầm trọng thêm những căng thẳng vốn có về thương mại và quốc phòng trong quan hệ giữa Washington và các đồng minh phương Tây.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Getty

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Getty

Trong bối cảnh đó, Liên minh châu Âu (EU) đã tiếp cận vấn đề theo cách mà ông Trump đề xướng: “hòa bình thông qua sức mạnh”. Phát biểu trong cuộc họp thượng đỉnh tại Paris vào tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh rằng điều này không đồng nghĩa với việc EU “dỡ bỏ lệnh trừng phạt”, đồng thời khẳng định châu Âu sẽ tiếp tục trao đổi thêm với Mỹ về vấn đề này.

Dẫu vậy, nhiều quan chức châu Âu tỏ ra hoài nghi về khả năng đạt được một lệnh ngừng bắn lâu dài trong tương lai gần. Một quan chức giấu tên cho biết, một số nhà ngoại giao coi kế hoạch của châu Âu, bao gồm cả việc triển khai quân đến Ukraine, vừa là một bước chuẩn bị cần thiết, vừa là một đòn bẩy chiến lược nhằm tạo lập nền hòa bình lâu dài ở Kiev.

Các quan chức châu Âu cũng thừa nhận rằng việc nới lỏng trừng phạt sẽ trở thành một phần của các cuộc đàm phán nhưng theo quan điểm của họ, một lệnh ngừng bắn tạm thời cần được thiết lập trước tiên. Sau đó, các cuộc thảo luận có thể chuyển sang những vấn đề quan trọng khác, cụ thể như gỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt và hướng tới một giải pháp bền vững nhằm bảo vệ Ukraine khỏi mọi cuộc tấn công trong tương lai từ Nga.

Tới nay, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn khẳng định rằng đây “không phải là thời điểm” để dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Phát biểu sau cuộc gặp với khoảng 30 nhà lãnh đạo tại Paris vào tuần trước, ông Macron nhấn mạnh rằng thời điểm đó chỉ đến khi “hòa bình được thiết lập một cách rõ ràng”.

Khả năng châu Âu triển khai lực lượng hòa bình tới Ukraine

Tại hội nghị thượng đỉnh quy tụ 31 nhà lãnh đạo châu Âu tại Paris vào tuần trước, Pháp và Anh tuyên bố rằng nền tảng cho một Ukraine thời hậu chiến có thể là việc triển khai một “liên minh tự nguyện” của châu Âu tới quốc gia này nhằm bảo vệ các thành phố và địa điểm trọng yếu, đồng thời cung cấp hỗ trợ hậu cần và đào tạo quân nhân Ukraine.

Pháp và Anh dự định cử một phái đoàn quân sự đến Ukraine trong những tuần tới để xác định quy mô xây dựng “lực lượng gìn giữ” cũng như xác định vị trí đóng quân phù hợp. Đồng thời, hai nước này sẽ tham vấn với Ukraine về các biện pháp tăng cường sức mạnh quân sự cho các lực lượng Ukraine.

Paris và London nhấn mạnh rằng trọng tâm sức mạnh châu Âu đang chuyển hướng sang lĩnh vực không quân và hải quân, đặc biệt khi các chỉ huy quân sự chỉ ra những hạn chế của việc triển khai lực lượng trên bộ quy mô lớn. Một số quốc gia đã đề xuất phương án tuần tra trên không phận Ukraine hoặc tại Biển Đen để củng cố năng lực phòng thủ khu vực.

Tuy nhiên, sau nhiều giờ đàm phán, nội bộ châu Âu vẫn bị chia rẽ bởi những bất đồng trong cách thức hỗ trợ Ukraine, đặc biệt là việc triển khai quân tới Kiev. Trong khi London và Paris tiên phong ủng hộ ý tưởng này, một số quốc gia vẫn tỏ ra dè dặt do chưa nhận được lời hứa đảm bảo từ Mỹ trong trường hợp Nga chĩa mũi súng về phía lục địa “già”. Hiện tại, châu Âu vẫn cần dựa vào năng lực quân sự của Mỹ để duy trì an ninh, bao gồm năng lực phòng không, tình báo và vận tải hàng không hạng nặng.

“Tôi mong muốn người Mỹ tham gia cùng chúng tôi”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với các phóng viên sau hội nghị thượng đỉnh. “Nhưng chúng tôi phải sẵn sàng cho kịch bản họ không tham gia… Chúng tôi không thể chỉ khoanh tay nếu Mỹ đứng ngoài”.

Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump chưa đưa ra bất kỳ cam kết an ninh mới nào cho châu Âu. Theo các nhà ngoại giao châu Âu, ngay cả trong các cuộc trao đổi riêng, Nhà Trắng vẫn gửi đi những tín hiệu mâu thuẫn. Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff – người được xem là nhân vật chủ chốt trong các cuộc đàm phán với Nga, gần đây đã đánh giá kế hoạch triển khai quân đến Ukraine của châu Âu là “sơ sài”.

Tuy nhiên, một quan chức Pháp khẳng định ông Trump không hoàn toàn bác bỏ khả năng Mỹ ủng hộ kế hoạch này, đồng thời khẳng định rằng các cuộc thảo luận vẫn đang diễn ra “trong sự phối hợp chặt chẽ với đối tác Mỹ”.

Khó khăn vẫn chờ đón

“Theo lý thuyết, quân đội châu Âu có thể được triển khai mà không cần chờ kết quả từ các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga. Nhưng trên thực tế, một lực lượng như vậy sẽ không đủ sức răn đe hay tạo sự trấn an nếu không có sự bảo đảm từ Mỹ”, ông Mujtaba Rahman, Giám đốc điều hành khu vực châu Âu tại Eurasia Group, nhận định trong một phân tích.

Theo các quan chức phương Tây, việc giám sát lệnh ngừng bắn sẽ do vệ tinh quan sát, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc hoặc các giám sát viên độc lập khác thực hiện, trong đó có thể bao gồm cả những quốc gia mà Nga xem là trung lập. Nhiệm vụ gìn giữ hòa bình này sẽ không do lực lượng châu Âu đảm nhiệm; thay vào đó, họ có thể đóng quân tại các cơ sở hạt nhân, căn cứ quân sự hoặc trụ sở chính phủ quan trọng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, cảnh báo rằng kế hoạch do Pháp và Anh đề xuất “có thể dẫn đến xung đột trực tiếp” giữa Nga và NATO.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: Facebook

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: Facebook

Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Keir Starmer nhấn mạnh rằng Nga không có quyền phủ quyết việc triển khai quân đội châu Âu tới Ukraine. Ông Macron cũng cam kết rằng bất kỳ lực lượng nào được gửi đi sẽ không ảnh hưởng đến sự hiện diện quân sự của châu Âu ở Đông Âu. Đây là một mối quan ngại lớn đối với các quốc gia gần biên giới Nga, vốn lo sợ rằng việc triển khai lực lượng này tại đây có thể làm suy giảm khả năng phòng thủ của chính họ. Một số nước, như Ba Lan, tuyên bố họ sẽ chỉ cung cấp hỗ trợ hậu cần thay vì gửi quân trực tiếp tới Ukraine.

Các vấn đề nội bộ cũng ảnh hưởng đến quyết định của một số quốc gia. Đức vẫn do dự về việc điều quân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, một phần vì tình hình chính trị trong nước chưa ổn định khi các nhà lãnh đạo nước này đang đàm phán để thành lập chính phủ mới. Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, dưới áp lực từ các đối tác trong liên minh cầm quyền, thậm chí đã bác bỏ ý tưởng này.

Cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, Tướng Ben Hodges nhấn mạnh rằng bất kỳ lực lượng nào cũng cần có một nhiệm vụ được xác định rõ ràng “trước khi bàn đến số lượng quân’. Theo ông Hodges, điều này yêu cầu các quốc gia xây dựng một hệ thống chỉ huy thống nhất và sự đồng thuận trong cách thức đối phó với các cuộc tấn công tiềm tàng.

“Nếu mục tiêu là ngăn Nga vi phạm lệnh ngừng bắn, trong trường hợp một lệnh ngừng bắn thực sự được thiết lập, thì lực lượng này phải có khả năng hành động kịp thời và hiệu quả vào thời điểm đó”, ông Hodges nói.

Diệp Thảo/VOV.VN (Tổng hợp) Theo The Washington Post, CNN

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/cach-eu-chen-chan-tro-lai-ban-dam-phan-hoa-binh-nga-ukraine-do-my-khoi-xuong-post1188514.vov
Zalo