Cách đạt điểm cao khi thi vào lớp 10 theo chương trình mới

Đây là năm đầu tiên kỳ thi vào lớp 10 được tổ chức theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều thay đổi.

Kỳ thi vào lớp 10 tại TP.HCM sẽ diễn ra trong 2 ngày 6 và 7-6. Thí sinh bắt buộc dự thi 3 môn gồm Văn, Toán và Ngoại ngữ (đa số tiếng Anh). Nếu thí sinh dự thi chuyên sẽ làm thêm bài thi môn chuyên.

Để làm bài thi thật tốt, các giáo viên đã bật mí một số bí quyết khi làm bài.

 Cô Hoàng Thị Hoài Thương cùng với học trò của mình tại phòng truyền thống của trường. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Cô Hoàng Thị Hoài Thương cùng với học trò của mình tại phòng truyền thống của trường. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Môn Ngữ văn: Tránh đoán đề, học tủ

Cô Hoàng Thị Hoài Thương, giáo viên Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1), cho biết mọi năm kiến thức xoay quanh tác phẩm có trong chương trình, nhưng năm nay đề không ra ngữ liệu trong sách giáo khoa. Do đó, học sinh phải nắm rõ đặc trưng thể loại, phương pháp và kỹ năng làm bài.

“Với thơ, các em phải nắm thể thơ, vần nhịp; văn bản nghị luận phải nhớ luận đề, luận điểm, lý lẽ, bằng chứng, khách quan, chủ quan; truyện phải nhớ nhân vật, cốt truyện tình huống. Khi nắm rõ đặc trưng thể loại các em sẽ làm bài tốt” - cô Thương nói.

Đồng tình với ý kiến của cô Thương, thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), tư vấn thêm học sinh cần chủ động đọc thêm các văn bản cùng thể loại đã học để tích lũy kiến thức.

Cũng theo thầy bảo, đề Văn gồm 2 ngữ liệu (trước đây chỉ 1) là văn bản văn học và văn bản nghị luận hoặc văn bản thuyết minh. Do độ “phủ” của đề khá cao, học sinh cần tránh đoán đề, học tủ.

Để đạt được điểm cao trong bài thi, thầy Bảo lưu ý: Trước khi làm bài học sinh cần đọc hết đề 1 lượt. Việc này giúp các em hình dung được ý tưởng chính của đề, từ đó có sự kết nối hợp lý khi làm bài. Đọc hết đề còn giúp tránh tâm lý chủ quan, không bị lạc đề, làm bài không đủ ý.

Tiếp đó, tuân thủ quy tắc câu hỏi trước làm nền tảng cho câu hỏi sau nên học sinh cần tránh đảo thứ tự câu hỏi. Đặc biệt, các câu hỏi ở phần đọc hiểu cũng chính là gợi ý cho câu hỏi ở phần viết.

Trong phần đọc hiểu, cần trình bày câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng; câu trả lời cần viết thành câu văn đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ, không dùng các kí hiệu lạ để đánh dấu. Đến phần viết, cần chú ý yêu cầu viết đoạn văn hay bài văn do cấu trúc và dung lượng của đoạn văn và bài văn hoàn toàn khác nhau. Đề thi sẽ nêu lệnh rất cụ thể về nội dung cần viết.

Học sinh hay có thói quen trình bày mọi điều mình biết vào bài làm, đây là sai lầm nghiêm trọng dẫn đến lạc đề. Với thời lượng có hạn, đề thi chỉ yêu cầu học sinh phân tích, bình luận, làm rõ một vài khía cạnh nhất định của vấn đề.

Một điều đơn giản nhưng không được quên đó chính là: Bài thi cần trình bày rõ ràng, tuân thủ các quy tắc cơ bản như lùi đầu dòng khi bắt đầu 1 đoạn văn mới, một dòng mới, gạch chân làm nổi bật đề mục, viết chữ cẩn thận, tránh sai chính tả dẫn đến mất điểm.

Môn Toán: Nắm vững cấu trúc đề thi

Theo thầy Bùi Quang Hiển, giáo viên Trường THCS Đoàn Thị Điểm (quận 3), dù là năm đầu tiên thi vào lớp 10 theo chương trình mới nhưng từ sớm, Sở GD&ĐT TP.HCM đã công bố đề tham khảo để học sinh, giáo viên đỡ bỡ ngỡ.

 Thầy Bùi Quang Hiển cùng với học trò trong một giờ học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Thầy Bùi Quang Hiển cùng với học trò trong một giờ học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Năm nay, đề Toán còn 7 bài, ít hơn 1 bài so với năm ngoái. Trong đó, bài 1 yêu cầu vẽ đồ thị, tìm tọa độ các điểm. Bài này rất dễ, đa số học sinh làm được. Bài 2 là hệ thức vi-et, so với những năm trước độ khó giảm nên các em cũng dễ lấy điểm.

Điểm mới năm nay là bài 3 về xác suất thống kê. Dạng toán này học sinh đã được làm quen từ năm lớp 6, 7, 8. Chỉ cần cẩn thận các em sẽ làm tốt.

Từ bài 4 đến bài 7 sẽ tăng dần độ khó. Bài 4 là viết biểu thức tính diện tích, thể tích theo x và tìm x; bài 5 về các hình khối, hình học không gian. Bài 6 là bài suy luận, phân loại học sinh, có thể về số học, phương trình, hệ phương trình.

Bài 7 về hình học gồm 3 câu nhỏ a, b, c. Trong đó, câu a mức độ thông hiểu, câu b vận dụng, câu c dành cho học sinh giỏi (khoảng 0,75 điểm).

"Để làm bài tốt, các em cần nắm vững cấu trúc đề thi và ôn theo, tránh học dàn trải. Đối với toán thực tế, cần nắm các dạng bài và luyện tập thường xuyên, có kỹ năng phân tích, lập bảng để lập phương trình” - thầy Hiển dặn dò.

Theo thầy Hiển, học sinh thường bị mất điểm môn Toán do thiếu kỹ năng tính toán, liên kết các giả thuyết và kỹ năng chứng minh hình học. Đa số em làm bài nào nhớ bài đó, theo kiểu học vẹt.

Đồng quan điểm, cô Phạm Thị Phương, giáo viên Trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ, (quận 12), cho biết các bài toán thực tế xuất hiện nhiều trong đề Toán. Để làm bài tốt, học sinh phải đọc kỹ đề, gạch chân các dữ liệu và xác định đúng dạng toán.

"Học sinh thường bị mất điểm ở các bài toán thực tế do hiểu sai, vận dụng sai công thức. Có em làm đúng nhưng lại sai khi làm tròn số. Nhiều em vẽ sai hình do kỹ năng vẽ hình yếu. Khi làm toán, các em không để thời gian chết, nên làm từ dễ đến khó và phân bố thời gian hợp lý" - cô Phương tư vấn.

Môn tiếng Anh: Nắm vững từ vựng

Cô Lê Thị Phương Nga, Tổ trưởng Tổ tiếng Anh, Trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12), thông tin đề tiếng Anh gồm 40 câu, thời gian làm bài 90 phút.

Khi đi thi, học sinh cần mang theo bút chì để câu nào còn phân vân thì đánh dấu hỏi, bỏ qua rồi làm câu khác. Sau khi làm hết các câu, sẽ dùng thời gian còn lại làm những câu trên.

Phần 1 (1,0 điểm) gồm 4 câu hỏi, kiểm tra kiến thức ngữ âm. Phần này ở mức độ cơ bản, phân biệt các âm đơn giản trong tiếng Anh, học sinh cần nhớ trọng âm thường nằm ở đâu. Trong phần này chỉ có 1 câu khó.

Phần 2 (3,0 điểm) từ câu 5 đến câu 16. Trong đó, câu 5 đến câu 12 kiểm tra từ vựng dạng hỏi đáp. Câu 13, 14 là câu hỏi đáp. Câu 15 và 16 là câu hỏi về tranh, nhìn biển báo trả lời. Học sinh cần nắm cấu trúc ngữ pháp, các thì, dùng từ vựng đúng ngữ cảnh.

Phần 3 (3,0 điểm) từ câu 17 đến câu 28. Trong đó, từ câu 17 đến 22 cho một đoạn văn còn chỗ trống, có 4 đáp án để học sinh lựa chọn. Từ câu 23 đến câu 28 là đọc hiểu.

Riêng câu 27 hỏi về chủ đề chính của đoạn văn. Thường là nội dung bao quát của đoạn văn, nó thường xuất hiện ở đầu hoặc cuối câu. Để làm tốt phần này, học sinh cần tìm và gạch chân các từ khóa.

Phần 4 (4,0 điểm) từ câu 29 đến 40 gồm viết dạng đúng của từ; viết cụm từ phù hợp theo thông tin cho sẵn; viết câu.

"Câu 29 đến câu 34 thường sẽ cho 2 tính từ, 2 danh từ, 1 trạng từ và 1 động từ. Khi làm bài, các em phải xem đó là danh từ đếm được hay không đếm được, động từ thêm "s" hay "es", ở thì nào..." - cô Nga hướng dẫn.

Chú ý, học sinh thường bị mất điểm tiếng Anh do không thuộc từ vựng, sai chính tả, sai cấu trúc.

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/cach-dat-diem-cao-khi-thi-vao-lop-10-theo-chuong-trinh-moi-post852218.html
Zalo