Cách chạy bộ an toàn, phòng tránh chấn thương

Để việc chạy bộ đạt hiệu quả, phòng tránh chấn thương và các vấn đề sức khỏe khác, bạn cần lưu ý một số vấn đề về trước, trong và sau khi chạy.

Theo ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Phương Đông (Hà Nội), hầu hết các trường hợp tử vong khi chơi thể thao đều liên quan đến vấn đề tim mạch.

"Khoảng 80% trường hợp đột tử khi chơi thể thao là những người có bệnh lý tim mạch từ trước. Một số người biết mình mắc bệnh nhưng chủ quan, cho rằng tình trạng nhẹ. Một số khác không phát hiện bệnh vì chưa từng đi khám hoặc khám nhưng không đúng chuyên khoa", bác sĩ Mạnh nói.

Khi chạy bộ, nhịp tim tăng nhanh, huyết áp có thể biến động mạnh. Không kiểm soát tốt, cơ thể có thể rơi vào trạng thái thiếu máu não tạm thời. Dù người bệnh có thể trở lại bình thường sau vài phút, nhưng đây có thể là dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ nguy hiểm sắp xảy ra.

Một số hội chứng tim mạch có thể gây ngừng tim đột ngột khi gắng sức, gồm: Hội chứng Brugada; Hội chứng WPW (Wolff-Parkinson-White); Bệnh cơ tim phì đại. Những hội chứng này có thể khiến nhịp tim rối loạn bất ngờ, tăng đột biến từ mức bình thường (70-80 lần/phút) lên đến 300-400 lần/phút, dẫn đến tụt huyết áp, ngất xỉu, thậm chí ngừng tim ngay sau đó.

Chạy bộ là môn thể thao tốt cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)

Chạy bộ là môn thể thao tốt cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)

Các bệnh lý nguy hiểm khác với người chạy bộ

Ngoài nguy cơ đột tử do bệnh tim mạch, người chạy bộ còn có thể gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác, bao gồm:

Hẹp, tắc nghẽn động mạch vành, rách động mạch chủ: Những bệnh lý này có thể làm giảm lưu lượng máu đến tim, gây đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim khi vận động gắng sức.

Hạ đường huyết: Khi chạy đường dài, cơ thể tiêu hao nhiều năng lượng. Nếu không được bù đắp kịp thời, tình trạng hạ đường huyết có thể xảy ra, gây choáng váng, ngất xỉu, thậm chí đột quỵ não.

Cường giao cảm: Đây là tình trạng nhịp tim tăng nhanh, tay chân run rẩy, mặt đỏ bừng, thường xuất hiện khi căng thẳng hoặc đứng trước đám đông. Nếu kéo dài, có thể dẫn đến tăng huyết áp và tăng nguy cơ đột quỵ.

Co thắt mạch vành tim: Khi vận động mạnh, mạch vành có thể bị co thắt, làm giảm lượng máu đến tim, gây thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim.

Thiếu oxy não, thiếu oxy cơ tim: Khi hệ hô hấp không đáp ứng đủ nhu cầu oxy của cơ thể, người chạy bộ có thể gặp tình trạng hoa mắt, chóng mặt, khó thở, nguy cơ chấn thương xương khớp cũng tăng cao.

Làm thế nào để chạy bộ an toàn?

Theo bác sĩ Mạnh, tập thể dục, thể thao là cần thiết để nâng cao sức khỏe, nhưng cần có kế hoạch phù hợp với thể trạng từng người. Để đảm bảo an toàn khi chạy bộ, cần lưu ý:

Khởi động kỹ trước khi chạy: Điều này giúp cơ thể làm quen với hoạt động gắng sức, giảm nguy cơ chấn thương.

Lắng nghe cơ thể: Nếu cảm thấy đau ngực, chóng mặt, mệt mỏi bất thường, cần dừng ngay hoạt động và nghỉ ngơi.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Trước khi bắt đầu bất kỳ môn thể thao nào, đặc biệt là chạy bộ, mọi người nên khám sức khỏe tổng quát, đặc biệt là tim mạch, phổi, huyết áp, xương khớp. Nếu trong gia đình có tiền sử bệnh tim, đột quỵ, càng cần lưu ý hơn.

Chạy bộ mang lại nhiều lợi ích, nhưng cần thực hiện đúng cách để tránh những rủi ro không mong muốn. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khi vận động, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có phương án tập luyện an toàn.

Như Loan

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/cac-chay-bo-an-toan-phong-tranh-chan-thuong-ar934605.html
Zalo