Các trường hợp người lao động bị và không bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp

Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ bị chấm dứt hưởng chế độ này khi họ có việc làm...

Giải quyết thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Ảnh: ND.

Giải quyết thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Ảnh: ND.

Gửi câu hỏi đến Bảo hiểm xã hội Việt Nam, một người lao động phản ánh đã đóng 34 tháng bảo hiểm thất nghiệp, và được hưởng trợ cấp thất nghiệp 3 tháng.

Đầu tháng hưởng thứ 3, người lao động đã tìm được việc làm. Như vậy, sau khi thông báo với Trung tâm Dịch vụ việc làm về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng thứ 3, phải tiếp tục thông báo với Trung tâm về việc đã tìm được việc làm.

Vấn đề này khiến người lao động băn khoăn liệu tháng thứ 3 này có được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp nữa không, hay tháng chưa hưởng sẽ được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Trả lời người lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết theo quy định tại Điều 52 Luật Việc làm và văn bản hướng dẫn, trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng người lao động phải trực tiếp thông báo với Trung tâm Dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp về việc tìm kiếm việc làm.

Trừ các trường hợp sau đây: Người lao động ốm đau, thai sản, tai nạn có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; trường hợp bất khả kháng.

Theo Điều 53 Luật Việc làm, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có việc làm.

Nội dung này cũng được quy định tại Nghị định số 28/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 61/2020).

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày có việc làm, người lao động phải thông báo với Trung tâm Dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, kèm theo bản sao giấy tờ có liên quan đến việc chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Đối với trường hợp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp do có việc làm, thời gian đóng tương ứng với thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp mà người lao động chưa nhận tiền trợ cấp, sẽ được bảo lưu làm căn cứ tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần hưởng tiếp theo.

Nếu không thông báo đúng thời hạn nêu trên, người lao động sẽ không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp, tương ứng với thời gian mà người lao động chưa nhận trợ cấp thất nghiệp. Hiện 1 tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp tương ứng với 12 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Cũng theo quy định hiện hành, trường hợp người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp vào những ngày của tháng đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, thì người lao động vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp của cả tháng đó.

Như vậy, trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, việc người lao động thực hiện nghĩa vụ thông báo hằng tháng về việc tìm kiếm việc làm, và thông báo khi có việc làm mới là hoàn toàn độc lập.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết tại Điều 21, Nghị định số 28/2015/NĐ-CP cũng nêu rõ, người lao động được xác định là có việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau:

(i) Đã giao kết hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động theo mùa vụ, hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 1 tháng trở lên. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm, là ngày hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động có hiệu lực theo quy định của pháp luật.

(ii) Có quyết định tuyển dụng hoặc bổ nhiệm đối với những trường hợp không thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm trong trường hợp này, là ngày người lao động được tuyển dụng, hoặc bổ nhiệm ghi trong quyết định tuyển dụng hoặc bổ nhiệm.

(iii) Có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với trường hợp người lao động là chủ hộ kinh doanh, hoặc có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với trường hợp người lao động là chủ doanh nghiệp. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm, là ngày người lao động thông báo với Trung tâm Dịch vụ việc làm về việc hộ kinh doanh, hoặc doanh nghiệp bắt đầu hoạt động kinh doanh.

(iv) Người lao động thông báo đã có việc làm cho trung tâm dịch vụ việc làm. Ngày mà người lao động được xác định có việc làm là ngày ghi trong thông báo có việc làm của người lao động.

Đối với việc tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng thông tin thêm, tại khoản 1 Điều 53 Luật Việc làm và văn bản hướng dẫn quy định: Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp khi không thông báo về việc tìm kiếm việc làm theo quy định, tức là họ sẽ mất tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp của tháng đó.

Như vậy, nếu không thực hiện đúng quy định thì người lao động sẽ bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cac-truong-hop-nguoi-lao-dong-bi-va-khong-bi-cham-dut-huong-tro-cap-that-nghiep.htm
Zalo