Các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Kiên Giang chủ động ứng phó với bão Rai

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ban hành Công điện 25/CĐ-QG về việc ứng phó với bão Rai.

Ngày 14/12, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ban hành Công điện số 25/CĐ-QG gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Ngoại giao, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hệ thống Đài Thông tin duyên hải về việc chủ động ứng phó với bão Rai.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, áp thấp nhiệt đới phía Tây Bắc Thái Bình Dương đã mạnh lên thành bão với tên quốc tế là Rai, dự báo ngày 16-17/12 bão đi vào khu vực phía Nam Biển Đông là khu vực có số lượng lớn tàu thuyền và các hoạt động kinh tế trên biển, cường độ mạnh, khoảng ngày 19-20/12, bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực đất liền và ven biển, bão ảnh hưởng trong bối cảnh dịch COVID 19 diễn biến phức tạp.

Để chủ động ứng phó với bão, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành chỉ đạo và triển khai thực hiện việc theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của bão; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra;

Các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Kiên Giang chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch ra khơi để đảm bảo an toàn; kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho hoạt động trên biển, nhà dàn, khu neo đậu tàu thuyền, hoạt động nuôi trồng thủy sản và phương án cung ứng vật tư đối với khu vực đảo.

Các tỉnh, thành phố khu vực Trung Bộ theo dõi chặt chẽ dự báo mưa; kiểm tra, sẵn sàng phương án vận hành đảm bảo an toàn hồ, an toàn hạ du; tăng cường thông tin, phối hợp khi vận hành giữa các địa phương; phòng chống sạt lở nhất là khu vực cửa sông đang bị sạt lở khi bão đổ bộ; sẵn sàng tiêu nước đệm bảo vệ sản xuất, nhất là đối với vụ lúa Đông Xuân vừa xuống giống.

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lưu ý kiểm tra, rà soát khu vực nhà yếu không đảm bảo an toàn; phương án quản lý, nắm bắt số liệu tàu thuyền neo đậu tránh bão tại các khu vực cửa sông; phương án đảm bảo an toàn cho những tuyến đê biển xung yếu.

Các bộ, ngành, địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Thông tin Duyên hải, các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương tăng cường thông tin, truyền thông về diễn biến của bão, mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả.

Các đơn vị nêu trên tăng cường lực lượng, tổ chức trực ban nghiêm túc, báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, trong đó, khu vực Nam Bộ lưu ý báo cáo số liệu nhà yếu không đảm bảo an toàn khi bão đổ bổ, phương án di dân chống bão; số liệu tàu thuyền dự kiến tránh trú tại các khu neo đậu, cửa sông, lạch.

Thắng Trung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/cac-tinh-thanh-pho-tu-quang-binh-den-kien-giang-chu-dong-ung-pho-voi-bao-rai-20211214175331479.htm
Zalo