Các tỉnh, thành phố chủ động ứng phó, phòng chống úng ngập do ảnh hưởng bão số 3
Các sông nội tỉnh như Cà Lồ, sông Bùi, sông Tích của Hà Nội có nguy cơ cao xuất hiện lũ. Vùng trũng thấp như tại các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai... cần đề phòng ngập úng.
Ngày 5/9, Đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết, để chủ động ứng phó với ảnh hưởng của bão số 3, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội yêu cầu các đơn vị trực thuộc tổ chức trực ban 24/24h (từ 16h30 ngày 5/9/2024); thường xuyên cập nhật, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, sẵn sàng nhận, triển khai các nhiệm vụ theo yêu cầu của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai thành phố, Sở Xây dựng, các quận, huyện.
Bên cạnh đó, các xí nghiệp trực thuộc xây dựng kế hoạch ứng trực, triển khai bố trí 100% nhân lực, máy móc, thiết bị cơ giới đề phòng úng ngập do ảnh hưởng bão số 3; hạ mực nước đệm trên các hệ thống sông, hồ điều hòa, vận hành các cửa phai, trạm bơm theo đúng quy định sẵn sàng phục vụ thoát nước khi mưa; triển khai tua rác tại các cửa thu nước từ 5h30 hàng ngày và kiểm tra, rà soát trên toàn địa bàn, phát hiện và khắc phục kịp thời các sự cố liên quan.
Cụ thể, Xí nghiệp quản lý cụm công trình đầu mối Yên Sở thường xuyên theo dõi mực nước trên sông Hồng, sông Nhuệ để chủ động vận hành trạm bơm Yên Sở, hạ thấp mực nước đệm trên hệ thống sông, hồ điều hòa Yên Sở, quá trình vận hành cần lưu ý đảm bảo an toàn cho máy móc, thiết bị của trạm bơm.
Xí nghiệp Quản lý duy trì hồ vận hành các trạm bơm hồ để hạ tối đa mực nước và điều tiết giữ mực nước các hồ theo đúng quy định.
Xí nghiệp quản lý các nhà máy xử lý nước thải thường xuyên theo dõi mực nước trên hệ thống, chủ động vận hành trạm bơm DPS 20m³/s theo đúng quy trình...
Các Xí nghiệp duy trì thoát nước số 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 chủ động kiểm tra, rà soát địa bàn, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, sẵn sàng triển khai khi có lệnh; khẩn trương xử lý các sự cố phát sinh trên hệ thống trong vòng 12h kể từ khi phát hiện nhằm đảm bảo an toàn giao thông khi xảy ra mưa bão.
Trước đó, ngày 4/9, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký ban hành Công điện số 10/CĐ-UBND chỉ đạo chủ động ứng phó bão số 3.
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố, chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương và thành phố trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Ngoài ra, căn cứ tình hình thời tiết, thiên tai, giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố, chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ," phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và địa bàn phụ trách; chú trọng tập trung các phương án phòng, chống úng ngập nội thành, ngoại thành; phương án chằng chống, cắt tỉa, giải tỏa cây đổ, ứng phó mưa to, gió lớn.
Các sở, ngành và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác kiểm tra an toàn hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình tiêu thoát nước, các khu dân cư để kịp thời phát hiện các nguy cơ có thể xảy ra; sẵn sàng sơ tán, có phương án bảo đảm an toàn đối với người dân khu vực nguy hiểm, trong đó đặc biệt lưu ý đối với các huyện thường xuyên, trực tiếp bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang, lũ quét, sạt lở đất, như: Ba Vì, Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức...
Cơ quan chuyên môn phối hợp với đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã, các cơ quan thông tin truyền thông cơ sở tăng cường các hoạt động phổ biến, hướng dẫn người dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với dông, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ để giảm thiểu thiệt hại.
Các địa phương, đơn vị trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo chi tiết, đầy đủ, kịp thời tình hình diễn biến thiên tai, sự cố, các thiệt hại và công tác ứng phó, khắc phục hậu quả; kịp thời tham mưu báo cáo, đề xuất khó khăn, vướng mắc và các nội dung vượt thẩm quyền theo quy định.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, từ đêm 6/9, Hà Nội bắt đầu chịu ảnh hưởng của bão số 3.
Từ ngày 7-9/9, Hà Nội đón một đợt mưa vừa, mưa to đến rất to. Trong đó các quận/huyện gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, thị xã Sơn Tây và các huyện Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì có mưa từ 200 - 300mm, có nơi trên 350mm.
Đáng chú ý, do bão số 3 di chuyển rất nhanh khi vào đất liền nên mưa rất lớn xảy ra trong thời gian ngắn có thể gây quá tải cho hệ thống thoát nước, dẫn đến ngập úng ở nhiều nơi.
Các sông nội tỉnh như Cà Lồ, sông Bùi, sông Tích của Hà Nội có nguy cơ cao xuất hiện lũ. Vùng trũng thấp như tại các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai... cần đề phòng ngập úng, từ đó có phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Dừng hoạt động hội họp không cần thiết
Chiều 5/9, trong cuộc họp trực tuyến triển khai công tác ứng phó với siêu bão YAGI, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang yêu cầu, các sở, ngành, địa phương dừng hoạt động hội họp không cần thiết tập trung cho công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với tác động của bão.
Các thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh chủ động bám sát cơ sở, địa phương, đơn vị được phân công để triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do thiên tai có thể xảy ra.
Tỉnh Thanh Hóa dự kiến sẽ ban hành lệnh cấm biển từ 12 giờ ngày 6/9 để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện.
Tính đến lúc 16 giờ ngày 5/9, tỉnh Thanh Hóa vẫn còn 752 phương tiện với 3.919 lao động đang hoạt động trên biển, trong đó có 117 phương tiện với 829 lao động đang hoạt động tại vùng biển Quảng Ninh; 136 phương tiện với 1.622 lao động tại vùng biển Hải Phòng; 471 phương tiện, 1.160 lao động tại vùng biển Thanh Hóa... Số phương tiện trên đã nắm được thông tin về bão số 3, thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng và gia đình, chính quyền địa phương 1-2 lần/ngày.
Nghệ An cấm biển từ 5 giờ ngày 6/9
Ngày 5/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành công điện hỏa tốc số 35/CĐ-UBND về việc cấm tàu, thuyền ra khơi trong bão số 3 để đảm bảo an toàn cho ngư dân và các tàu, thuyền.
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân - Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, các thị xã: Cửa Lò, Hoàng Mai; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện cấm các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi kể từ 5 giờ, ngày 6/9. Các tàu thuyền đang hoạt động trên biển phải về bờ neo đậu để bảo đảm an toàn trước 16 giờ ngày 6/9.
Các địa phương ven biển và các đơn vị liên quan sử dụng mọi phương tiện, bằng mọi biện pháp thông báo cho tàu thuyền trên biển biết diễn biến của bão, hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm; hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại nơi tránh trú (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải); tổ chức di dời, neo đậu lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhà nổi đảm bảo an toàn; thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban Nhân dân tỉnh (qua Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh).
Là 1 trong 28 tỉnh thành giáp biển, Nghệ An có 82 km bờ biển chạy qua địa bàn 5 huyện, thị xã ven biển. Trước đó, ngày 4/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Công điện hỏa tốc số 34 chỉ đạo triển khai ứng phó bão số 3, yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị liên quan triển khai công tác ứng phó bão số 3 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất; không để bị động, bất ngờ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân./.