Các tỉnh miền Trung nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công

Trong quý I/2025, các địa phương miền Trung đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đây được xem là một trong những giải pháp nhằm dẫn dắt, thu hút tối đa các nguồn lực, kích thích và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các địa phương.

Thi công mở rộng cầu Quán Hàu, tỉnh Quảng Bình. Ảnh minh họa

Thi công mở rộng cầu Quán Hàu, tỉnh Quảng Bình. Ảnh minh họa

Đẩy mạnh giải ngân các dự án trọng điểm

Tại Quảng Bình, nguồn vốn đầu tư công năm 2025 đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư (nay là Sở Tài chính) tham mưu UBND tỉnh phân bổ chi tiết từ cuối năm 2024. Theo báo cáo của Sở Tài chính Quảng Bình, tính đến ngày 4/4/2025, kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh đạt 537 tỷ đồng, tương đương 12% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (4.471 tỷ đồng). Trong đó, vốn ngân sách địa phương thực hiện 391 tỷ đồng và giải ngân vốn ngân sách Trung ương thực hiện là 146 tỷ đồng.

Đà Nẵng lên kế hoạch giải ngân cho từng quý

Kế hoạch chi tiết cho việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 của thành phố Đà Nẵng: Đến ngày 30/4/2025 giải ngân đạt 10% kế hoạch; đến ngày 30/6/2025 giải ngân đạt 30%; đến ngày 30/9/2025 giải ngân đạt 50%; đến ngày 31/12/2025 giải ngân đạt 80% và đến ngày 31/1/2026 giải ngân đạt trên 95% kế hoạch.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Phong cho biết, nhằm hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100% trong năm 2025, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã bố trí vốn và đốc thúc các chủ đầu tư sớm thực hiện giải ngân một số dự án trọng điểm (dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2025). Cụ thể: Dự án Hệ thống đường nối từ trung tâm thành phố đi sân bay Đồng Hới (127 tỷ đồng); dự án đường và cầu vượt đường sắt trung tâm thành phố Đồng Hới (106 tỷ đồng); dự án Trung tâm thể dục thể thao tỉnh Quảng Bình (120 tỷ đồng)…

Bên cạnh đó, hàng tháng, UBND tỉnh Quảng Bình liên tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương phải kịp thời giải quyết các vướng mắc về mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh do Trung ương bố trí vốn, như: Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, Dự án thành phần 1 - Đầu tư xây dựng Quốc lộ 12A đoạn tránh thị xã Ba Đồn…

Đối với thành phố Đà Nẵng, năm 2025, kế hoạch vốn đầu tư công năm của Thành phố được Thủ tướng Chính phủ giao là hơn 8.720 tỷ đồng. Tuy nhiên, HĐND thành phố và UBND thành phố đã giao kế hoạch cao hơn so với kế hoạch Trung ương, với số vốn là hơn 8.744 tỷ đồng. Trong năm, Đà Nẵng đặt ra mục tiêu hoàn thành giải ngân trên 95% kế hoạch vốn đầu tư công theo dự toán giao năm 2025.

Theo Sở Tài chính Đà Nẵng, trong quý I/2024, vốn đầu tư công thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý của thành phố Đà Nẵng ước đạt 1.568 tỷ đồng, đạt 18,3% so với kế hoạch vốn được giao. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước cấp tỉnh ước đạt 1.538 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước cấp huyện ước đạt 30 tỷ đồng.

Đối với tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 28/3, kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu công của tỉnh này đạt hơn 543 tỷ đồng trên tổng số là hơn 8.311 tỷ đồng, tương đương 6,5% kế hoạch vốn, thấp hơn cùng kỳ năm 2024 (9,8%) và thấp hơn tỷ lệ bình quân cả nước.

Ông Nguyễn Như Công, Giám đốc Sở Tài chính Quảng Nam cho hay, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn là điểm nghẽn lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án. Trong khi đó, công tác tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập, công tác chỉ đạo chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt, chưa sâu sát đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các công trình. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân từ thiếu nguồn cung vật liệu xây dựng, nhất là cát xây dựng, đất san lấp.

Triển khai quyết liệt các giải pháp

Nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đạt mục tiêu đề ra, hiện nay UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ của các cá nhân, đơn vị liên quan, cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp giải ngân chậm. Kiểm điểm, phê bình đối với các trường hợp không hoàn thành kế hoạch.

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án trọng điểm và dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương; xây dựng kế hoạch thực hiện, giải ngân chi tiết cho từng dự án; trong đó tập trung triển khai các dự án theo đúng tiến độ đã cam kết; tháo gỡ khó khăn; đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thi công các dự án đảm bảo tiến độ.

“Tỉnh cũng đã yêu cầu các chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu tăng cường máy móc, thiết bị, nhân lực, tăng ca, tăng kíp để thi công bù vào những ngày thời tiết xấu trong những tháng đầu năm 2025” - ông Nguyễn Như Công, Giám đốc Sở Tài chính Quảng Nam nói.

Bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Sở Tài chính Đà Nẵng cho biết, việc phân bổ chi tiết 100% vốn đầu tư công đã được UBND thành phố giao ngay từ đầu năm, làm cơ sở cho các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án có cơ sở triển khai thực hiện, lập kế hoạch chi tiết và đẩy mạnh giải ngân vốn đối với từng công trình, dự án.

Bên cạnh đó, Sở Tài chính cũng tham mưu UBND thành phố Đà Nẵng lên kế hoạch chi tiết cho việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 theo các mốc tiến độ.

“Để đạt được các mốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch, Sở đã tham mưu UBND thành phố yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án cam kết về tiến độ giải ngân, tăng cường đôn đốc, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp chậm trễ. Thời gian tới, Sở tiếp tục rà soát cơ cấu nguồn vốn theo kế hoạch tài chính giai đoạn 2026-2030, làm rõ từng nguồn vốn và khả năng đáp ứng để có các giải pháp đồng bộ; trình UBND thành phố báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến đối với Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030”- bà Nguyễn Thị Thanh Tâm cho hay.

Tại Quảng Bình, nhằm tăng cường trách nhiệm trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công, trong tháng 3/2025 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã phê bình và yêu cầu UBND TP. Đồng Hới và UBND huyện Minh Hóa nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm do 2 địa phương này không thực hiện giải ngân hết vốn kéo dài từ năm 2023 sang năm 2024 dẫn đến bị hủy vốn, chưa hoàn thành công trình.

Được biết, 2 dự án mà UBND TP. Đồng Hới và UBND huyện Minh Hóa chưa thực hiện xong việc giải ngân hết vốn kéo dài năm 2023 sang năm 2024 nên bị thu hồi vốn là Dự án Kè biển Hải Thành – Quang Phú giai đoạn 2 (TP. Đồng Hới, bị hủy vốn 24,18 tỷ đồng/25 tỷ đồng kế hoạch vốn được giao); và Dự án Tuyến đường nối đường Hai Bà Trưng đến Trường mầm non số 1 thị trấn Quy Đạt (huyện Minh Hóa, bị hủy vốn 3,26 tỷ đồng/3,35 tỷ đồng kế hoạch vốn được giao).

Bên cạnh đó, cũng trong tháng 3, UBND tỉnh Quảng Bình đã thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc các dự án và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Các Tổ công tác này do các Phó chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng.

“Các Tổ công tác này có nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án đầu tư công theo các ngành, lĩnh vực được giao. Đánh giá việc triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2025, các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ”- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Phong cho biết.

Chậm giải ngân có nguyên nhân do rà soát, đề xuất kéo dài kế hoạch vốn

Ông Nguyễn Như Công - Giám đốc Sở Tài chính Quảng Nam cho hay, nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm là do những tháng đầu năm, các đơn vị và địa phương tập trung rà soát, đề xuất kéo dài kế hoạch vốn năm 2024 sang năm 2025 và hoàn chỉnh hồ sơ để thanh toán khối lượng.

Ngọc Tân - Thanh Chung

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cac-tinh-mien-trung-no-luc-giai-ngan-von-dau-tu-cong-174324.html
Zalo